Mới đây, trong một đoạn TVC quảng cáo được phát trên truyền hình, hệ thống bán lẻ gồm siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ thông báo sẽ đổi tên thành WinMart và WinMart+.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến nảy ra xoay quanh việc thay tên đổi họ trên. Một số ý kiến cho rằng, đây là điều tất yếu. Việc đổi từ V thành W vừa gần về phát âm, vừa tiện cho việc thay đổi bảng hiệu trên toàn hệ thống. Ngoài ra, trong tiếng Đức, chữ W được phát âm là “vi”.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng VinMart đổi sang WinMart là bất lợi trong việc tạo độ nhận diện thương hiệu. Vốn dĩ cái tên VinMart đã quá phổ biến với người tiêu dùng.
TVC thông báo VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart. Ảnh chụp màn hình |
Hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ được quản lý bởi Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce . Đây là bộ phận từng được Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhượng lại cho Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang vào cuối năm ngoái.
Tại ĐHCĐ Masan 2020 diễn ra vào cuối tháng 6/2020 vừa qua, đã có cổ đông đặt câu hỏi về việc đổi tên thương hiệu VinMart sau khi Masan Consumer đã mua lại chuỗi. Cổ đông cũng nêu ý kiến về việc điều chỉnh nhận diện thương hiệu để mang đến sự tươi mới với người tiêu dùng.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Masan Cosumers Holdings kiêm Tổng giám đốc VinCommerce, cho biết, hệ thống bán lẻ này không nằm ngoài tinh thần đổi mới của Tập đoàn Masan. Tuy nhiên, vấn đề cụ thể về tên nhãn hiệu, định vị, danh mục hàng hóa, chính sách giá cả của VinMart sẽ được VinCommerce chia sẻ vào dịp thích hợp.
Ông Công Thắng tiết lộ phía Masan đang nghiên cứu, đánh giá trải nghiệm của khách hàng và chân dung tương đối đầy đủ của VinMart mới sẽ lộ diện vào quý III/2020.
Luỹ kế nửa đầu năm nay, VinCommerce báo lỗ 1.787 tỷ đồng. Mức lợi nhuận đã suy giảm tới hơn 2.800 tỷ đồng khi cùng kỳ năm ngoái, hệ thống này lãi gần 1.030 tỷ đồng. Mức lỗ này có thể xem không quá bất ngờ vì theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Vingroup, mảng kinh doanh bán lẻ từ khai sinh đến khi về tay Masan đều chưa từng có lãi. Khoản lỗ trước thuế tăng theo cấp số nhân từ 265 tỷ vào năm 2014 lên 6.098 tỷ đồng trong năm 2019.
Trước đó, Tập đoàn Masan từng tiết lộ hệ thống bán lẻ này đã đem về doanh thu 7.104 tỷ đồng trong quý II/2020 và 15.813 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần của VinCommerce trong quý II/2020 là 612 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm là 1.058 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6/2020, VinCommerce có 2.916 cửa hàng tiện lợi và siêu thị, giảm 106 so với đầu năm. Trong đó, hệ thống bán lẻ này đang có 130 siêu thị VinMart và 2.786 cửa hàng VinMart+.
Trong nửa đầu năm, Masan đã đóng cửa 4 siêu thị và chỉ mở mới 1 siêu thị VinMart. Với VinMart+, hệ thống khai trương 44 cửa hàng nhưng dừng hoạt động 146 điểm bán. Ban lãnh đạo Tập đoàn Masan đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình siêu thị mini của VinMart+, cho đây sẽ là tương lai của kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
Trong nửa cuối năm nay, Masan dự kiến tăng tốc việc tối ưu để ra mắt mô hình siêu thị mini mới và dự kiến mở mới 100-300 cửa hàng VinMart+ và 10-30 siêu thị VinMart. Ông Nguyên Đăng Quang cũng sẽ cân nhắc việc đóng cửa thêm tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.