Kính chào chú chủ mục Khăn Mùi Xoa.
Cháu năm nay 13 tuổi, biết đến tạp chí Phụ nữ Mới vì nhà cháu đặt mua. Câu chuyện này liên quan đến mẹ của cháu ạ.
Mẹ cháu ngoài bốn mươi, làm nhân viên văn phòng, không thích tiệc tùng và những chỗ sang chảnh. Đồ dùng của mẹ cháu hồi trước không nhiều, nhưng đều là hàng hiệu. Mẹ cháu rất biết cách phối đồ nên quần áo nữ trang dù ít vẫn luôn trông mới mẻ mỗi khi ra đường. Nói chung cháu đánh giá mẹ cháu rất có gu, cháu cũng học hỏi được nhiều về cách chi tiêu này, là mua ít nhưng xứng đáng.
Tuy nhiên từ hồi lockdown covid, mẹ cháu bắt đầu xem livestream bán hàng online nhiều. Hết dịch, thì cháu nghĩ mẹ cháu đã nghiện.
Chú biết những shop online, với những KOC (key opinon consumer - người trải nghiệm sử dụng sản phẩm có uy tín) chứ ạ? Những buổi livestream của họ cực kỳ bài bản và hấp dẫn. Họ luôn tạo cho người xem cảm giác đang được hưởng siêu khuyến mại, siêu giảm giá, phải tranh thủ mua ngay. Cháu đã xem livestream cùng mẹ cháu, và phải nói thật là dù chưa có nhu cầu sử dụng mỹ phẩm hay thời trang người lớn thì cháu cũng thấy rất cuốn, có cái gì đó rất thôi thúc.
Bây giờ thì mẹ cháu đã nghiện xem livestream nặng rồi. Tối nào mẹ cháu cũng xem (cháu nghĩ là ở cơ quan mẹ cháu cũng xem nữa). Xem dĩ nhiên là để mua ạ. Mẹ cháu mượn cả điện thoại của cháu để đăng ký mua vì tài khoản chưa mua bao giờ sẽ có khuyến mại tốt hơn.
Tủ đồ của mẹ cháu bây giờ đầy ứ ự, toàn mỹ phẩm với thời trang. Mẹ cháu bảo toàn đồ xịn đấy, nhưng cháu hơi nghi ngờ vì đồ xịn gì mà giá rất rẻ (có khi cả mười, hai mươi món mới bằng một món mà mẹ cháu mua hồi xưa). Mua nhiều đến mức mẹ cháu quen cả mấy ông shipper và họ sẵn sàng ứng trước cho mẹ cháu thanh toán với shop.
Bố cháu thì không xem đấy là vấn đề lắm. Có lần cháu thử nói với bố chấn chỉnh mẹ, nhưng bố cháu bảo miễn mẹ vui là được, mẹ vất vả và phải tính toán nhiều rồi, tiền mua sắm ấy cũng không phải là lớn.
Thôi thì cháu cũng cố gắng nghĩ như bố. Nhưng bây giờ mẹ cháu suốt ngày ôm điện thoại săn đồ giảm giá, sự gắn bó giao lưu với bố con cháu giảm đi nhiều, mà nếu có thì cũng rất hờ hững. Mẹ cháu vui buồn theo từng buổi livestream, chứ không phải từng bữa cơm, ấm trà, hay dù chỉ là một vòng đi bộ quanh khu nhà.
Chú chủ mục ơi, có nhiều người như mẹ cháu không? Và làm thế nào để, chú biết đấy...
Chào cô bé.
Cháu đúng bằng tuổi con trai của chú, và những suy nghĩ, cách quan sát của các cháu có nhiều nét tương đồng. Từ lâu chú đã nhận ra, không có điều gì qua mắt được các cháu, tốt nhất là người lớn nên tự nghiêm khắc và cẩn trọng hơn trong cư xử.
Bây giờ chúng ta nói chuyện mua sắm của mẹ cháu. Đồng ý với cháu, có thể mẹ cháu đã mắc chứng nghiện mua sắm (shopaholic). Nhưng cũng có thể trong tư tưởng mẹ cháu đang tin rằng mình là một người tiêu dùng thông minh.
Có một sự khác biệt khá rõ giữa khái niệm tiêu dùng thông minh của nước ta và thế giới.
Người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu cho rằng tiêu dùng thông minh là xoay quanh chuyện giá cả và chất lượng sản phẩm. Nghĩa là hành vi tiêu dùng được xem là thông minh khi chủ yếu mang lại lợi ích cho chính bản thân.
Còn với nhiều quốc gia khác, tiêu dùng thông minh (smart consumption) gắn với nhiều yếu tố xã hội như Môi trường - Công bằng (cán cân thương mại) - Phát triển bền vững.
Sự khác biệt này, tưởng như chỉ là về văn hóa, nhưng hóa ra đó là một tiến trình nhận thức.
Mẹ cháu thuộc về một thế hệ chuyển tiếp, có một nửa đời thiếu thốn và một nửa đời (cho đến hiện tại) có điều kiện sung túc chung, trong bối cảnh chung của đất nước - như cháu đã biết. Sự thiếu thốn trong quá khứ là thứ ám ảnh thế hệ ấy, dẫn đến những hành vi trái ngược sau này: hoặc cực kỳ căn cơ tiết kiệm (còn bị gọi là kẹt xỉ), hoặc mua sắm lấy được (bất cứ khi nào điều kiện cho phép). Mua hay không mua, thông thái hay không thông thái, với người Việt Nam cơ bản vẫn là có lợi cho mình (và gia đình mình) hay không mà thôi.
Thế giới cũng đã phải trải qua giai đoạn tiêu-dùng-lấy-được như thế. Chúng ta từng gọi đó là lối sống chạy theo vật chất. Hàng hóa tràn ngập, và rất nhiều trong đó là những sản phẩm phù phiếm. Ngày xưa hai chiếc nồi và một chiếc chảo là đủ thành cái bếp. Giờ đây, bộ nồi tối thiểu cũng bốn năm chiếc. Chảo to chảo bé. Rồi lại phải có nồi chuyên ăn lẩu, quánh chuyên quấy cháo. Ngày xưa, một chiếc bàn chải đánh răng dùng cho đến mòn vẹt. Giờ đây, ngoài bàn chải cước, còn phải có bàn chải điện, máy tăm nước (hai chiếc, chiếc trong nhà tắm, chiếc đem đi du lịch). Cứ vậy thôi.
Và rồi chủ nghĩa tối giản (minimalism) ra đời, lược bỏ gần như tất cả vật chất, hướng con người tới sự đơn giản tối đa trong tiêu thụ cũng như lối sống. Steve Jobs hay Mark Zukerberg - linh hồn của Apple và Facebook - là những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa phi hưởng thụ để hướng tới sự tự do của trí não. Họ mua những bộ đồ giống hệt nhau về kiểu dáng treo trong tủ, để mỗi ngày không phải đắn đo mặc gì ra đường. Họ làm vườn, chạy bộ, đi du lịch bụi, và tiêu rất ít tiền vào đồ xa xỉ (còn đồ công nghệ giá trị cao thì họ... tự phát minh ra).
Những người như mẹ cháu, thế hệ của tụi chú, đang trong giai đoạn vượt qua sự cám dỗ của cơ hội hưởng thụ vật chất - điều mà tụi chú (có lẽ đa phần) chưa từng có được trước đây.
Chú không theo chủ nghĩa tối giản hay tiêu dùng. Nhưng là một người cùng lứa với mẹ cháu, chú hiểu cái thôi thúc ẩn giấu sau hành vi mua sắm đang dần trở nên mất kiểm soát ấy.
Rồi sẽ qua thôi, cô bé ạ, rồi mẹ cháu sẽ qua “cơn” này. Nhất định thế, chỉ là nhanh hay lâu. Bởi vì suy cho cùng, con người vẫn bước ra đường và trở về nhà bởi gia đình của mình. Chứ không phải bởi những lịch livestream giảm giá. Là người đã từng tiêu dùng rất thông minh, mẹ cháu sẽ tự nhận ra thôi.
Cho đến lúc ấy, cháu có thể làm gì? Hãy giúp mẹ bóc hết những túi đồ đã mua chất đầy trong tủ. Và xếp ngay ngắn những túi đựng đồ vào một góc. Góc nào mà mẹ cháu dễ nhìn thấy ấy.
11 cách quản lý tài chính tránh thâm hụt ngân sách
Khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng đến toàn cầu, đặc biệt những người thu nhập thấp sẽ bị tác động nhiều nhất. Vậy chi tiêu thế nào mang lại hiệu quả nhất?