Bắt đầu một năm mới là cơ hội to lớn để chúng ta tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Không ai là hoàn hảo. Do đó, trong cuộc sống, có nhiều lĩnh vực mà bạn muốn thay đổi để trở thành phiên bản đáng mong ước, tài chính là một trong số đó.
Bạn không cần phải đợi tăng lương hay trúng vé số mới có thể bắt đầu con đường hướng tới thành công về mặt tài chính. Ngay lúc này, hãy thay đổi các thói quen sai lầm về tiền để có thể gia tăng tối đa thu nhập và sử dụng từng đồng lương kiếm ra hiệu quả.
Bây giờ lấy giấy bút ra ghi lại 7 thói quen xấu phải bỏ này nhé
1. Không có mục tiêu tiết kiệm cụ thể
Chúng ta không thể chấp nhận câu “năm nay phải tiết kiệm” nữa. Thay vào đó, tôi cần bạn đặt ra con số. 20 triệu có thể là một con số vừa phải cho năm nay, hoặc nếu thu nhập ổn định, hãy đưa kỳ vọng 20% thu nhập của năm vào một cuốn sổ tiết kiệm vào ngày này năm sau.
Bởi nếu không có mục tiêu kỳ vọng cụ thể, bạn sẽ không cân nhắc kỹ mình có thể để dành được bao nhiêu tiền và có những cách nào nhằm đạt được mục tiêu đó. Hãy dành chút thời gian để viết ra mục tiêu bạn cần hoàn thành, chẳng hạn như đi du lịch ngắn hạn, theo đuổi một khóa học, tặng quà cho người thân, trả trước khoản nợ tín dụng… thậm chí tiến xa hơn là các mục tiêu lớn như mua nhà. Sau đó, bạn có thể trích ra một phần thu nhập mỗi tháng để mau chóng đạt được mục tiêu đó trong khung thời gian mong muốn.
2. Chi tiêu quá mức cho những thứ không cần thiết
Đừng nuông chiều bản thân nữa. Nhắc lại một lần nữa, hãy nhìn lại năm vừa qua đã tan hoang thế nào bởi thói quen tiêu pha vô tội vạ của bạn. Mọi nỗ lực hay mục tiêu chỉ là công cốc nếu bản thân bạn không biết cách nghiêm khắc với chính mình.
Ngay từ năm tới, khi nhìn thấy một mặt hàng không cần thiết mà bạn muốn mua, hãy viết chúng ra một tờ giấy hoặc ứng dụng note trên điện thoại của bạn, chờ đợi vài ngày trước khi mua. Sau khi thời gian đó trôi qua, bạn có thể nhận thấy rằng mình không còn ham muốn với món đồ đó nữa và bạn có thể tiết kiệm số tiền đáng lẽ phải chi cho nó.
Ngoài ra, hãy luyện thói quen tạo shopping list khi đi mua sắm, và chỉ chọn 2 ngày trong tuần để mua đồ đủ cho cả tuần. Bằng cách đó, bạn hoàn toàn có thể khống chế chi tiêu của mình trong nguồn ngân sách cụ thể. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, đừng vô tội vạ tấp ngang tấp dọc cho một món đồ ăn đường phố thú vị, hay một cái rổ xinh xinh được bày ngoài vỉa hè.
Ảnh minh hoạ |
3. Để nợ chồng chất từ ngày này qua ngày khác
Dùng thẻ tín dụng, vay ngân hàng, vay app chỉ để mua sắm đồ đạc, chơi hàng hiệu, đầu tư trong tâm lý FOMO có thể khiến bạn được đáp ứng về hiệu ứng tâm lý bắt kịp thời đại, song, cũng chính sự đáp ứng tâm lý ấy sẽ đẩy bạn vào tương lai túng quẫn trong nợ nần.
Đặt ngay mục tiêu của năm nay là dọn sạch đống nợ đi, đặc biệt - và quan trọng nhất là NỢ TÍN DỤNG. Bạn có thể note ra một tờ giấy, hoặc file google sheet các khoản nợ đang mang. Xếp chúng theo thứ tự quan trọng từ trên xuống dưới để sắp xếp độ ưu tiên thanh toán.
Điều quan trọng nhắc lại lần 2: Nợ tín dụng là khoản nợ phải đứng đầu trong danh sách của bạn. Sau đó là các khoản vay đang chịu lãi cao, các khoản vay sắp hết thời hạn ưu đãi lãi suất.
4. Không ghi chép chi tiêu
Nếu không có thói quen tài chính này, bạn khó theo dõi các khoản chi tiêu, tiến độ đạt được các mục tiêu tiết kiệm hoặc biết mình đang có sẵn bao nhiêu tiền. Bảng ghi chép chi tiêu hàng tháng cũng giống như kim chỉ nam, khiến bạn dễ dàng đi theo thói quen tiêu tiền lành mạnh. Một ngân sách rõ ràng có thể giúp bạn đặt ra những nguyên tắc về những gì đủ khả năng chi tiêu và xác định những thứ có thể cắt giảm.
Bạn nên bắt đầu bằng cách ghi lại tất cả chi phí cố định như tiền thuê nhà, trả ngân hàng, trả hoá đơn điện - nước - internet, tiêu dùng hàng ngày, tiết kiệm… Bạn có thể ghi ra sổ hoặc tải ứng dụng lập ngân sách để theo dõi quá trình.
5. Không lập riêng quỹ tiết kiệm hàng tháng
Ngay cả khi đã lập kế hoạch tài chính, bạn vẫn dễ bỏ bê việc tiết kiệm và cuối cùng “vung tay" nhiều hơn dự định. Một thói quen tài chính sai lầm phổ biến là chỉ gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm giai đoạn cuối tháng sau khi bạn đã chi tiêu cho đủ mọi nhu cầu. Điều này dẫn đến việc trong nhiều trường hợp, bạn chỉ tiết kiệm được một số ít tiền từ những khoản thu nhập còn lại (hoặc là không còn đồng nào).
Để loại bỏ thói quen sai lầm này, bạn nên cất tiền tiết kiệm vào tài khoản ngân hàng riêng ngay khi tiền lương vừa được gửi. Điều này giúp bạn bảo vệ khoản tiền tiết kiệm của mình, đồng thời tận dụng sức mạnh của lãi kép nếu đang có ý định sinh lời từ khoản tiền nhàn rỗi hàng tháng.
Ảnh minh hoạ |
6. Mua hàng chỉ vì “đu” theo những người xung quanh
Nhiều người mua hàng hóa chỉ với hy vọng được bạn bè, đối tác chú ý hoặc thể hiện bản thân có thể mua được những thứ giống người khác. Bạn có thể sống theo kiểu “cao cấp" đó, nhưng quan trọng là phải biết bạn có theo kịp tài chính của người khác hay không.
Nếu bạn chỉ đang tiêu tiền để cạnh tranh với đời, hơn là thực sự cần thì đã đến lúc, bạn nên đánh giá lại các ưu tiên trong cuộc sống. Lời khuyên rằng bạn nên chi tiền vào những món đồ thiết yếu và dành tiền tiết kiệm cho tương lai, nếu tài chính có hạn.
7. Tâm lý hài lòng với thu nhập nhỏ nhoi
Bạn sẽ mãi bơi trong cái ao nhỏ, với những đám bèo nhỏ cùng bầy cá tí hon nếu chỉ mãi hài lòng với thực tại. Đừng giới hạn bản thân trong cái nôi của sự thoải mái. Tiềm năng tài chính phát triển cùng con người bạn, nên nếu bạn giữ cuộc sống phẳng, thẳng, bất biến như một hằng số, tiền của bạn cũng thế thôi.
Trong thế giới tài chính, các nhà đầu tư sẽ gặt hái được lợi nhuận cao hơn nếu dám theo đuổi các cơ hội đầy rủi ro trên thị trường. Dám đặt mình ra khỏi vùng an toàn và chăm chỉ làm việc là điều không dễ dàng, song chúng sẽ giúp bạn chạm đến thành công nhanh hơn.
Tin được mấy phần các “chuyên gia quản trị tài chính” mọc như nấm sau mưa trên TikTok?
Nghiên cứu cho thấy 34% GenZ coi TikTok là kênh phổ cập kiến thức về tài chính.