Vừa bước tới cổng nhà, tôi liền cất tiếng gọi “Khang ơi, Tùng ơi?”.
Nghe thấy tiếng mẹ, hai thằng nhóc chạy ùa ra, nhảy nhót rồi giang tay ra đòi bế. Mắt thằng lớn đỏ hoe, giọng đầy trách móc: “Sao bố mẹ đi lâu thế?”. Chẳng đợi tôi trả lời, nó đã liến thoắng tiếp: “Con nhớ mẹ lắm, con có quà tặng mẹ đấy!”.
Nói rồi, nó tụt khỏi tay tôi, chạy vào căn buồng nhỏ, lấy ra một cái hộp đựng bánh cũ hình vuông, đưa cho tôi. Trong hộp là những bức tranh nó vẽ, là đồ chơi lego, là viên bi cầu vồng và vài món đồ chơi yêu thích của nó. Rồi nó hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có thích không? Mẹ có nhớ con không?”.
Bà nội bảo, mỗi ngày, nó đều viết vẽ hoặc để vào trong hộp một thứ đồ gì đó, đếm từng ngày một để đợi ngày mẹ về mà tặng.
- Mẹ có! Mẹ cảm ơn Minh Khang – tôi cố kìm lại những giọt nước mắt đang chực trào ra nên chỉ nói được bấy nhiêu đó.
- Mẹ ơi, sao bà bảo là còn 6 ngày nữa mẹ mới về? Con nhớ mẹ, xong rồi con nhìn ảnh bố tặng hoa mẹ để đỡ nhớ mẹ ạ! – vừa nói nó vừa chỉ vào tấm ảnh cưới của vợ chồng tôi treo ở buồng bên trong.
Dịch viêm phổi cấp do virus corona làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của nhiều gia đình (Ảnh minh họa) |
Tôi ôm con vào lòng để thằng bé không nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn trên má. Nếu thấy, nó lại hỏi, và tôi chẳng biết giải thích thế nào để nó hiểu là vì vui, vì hạnh phúc mà khóc.
Dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát tại Việt Nam tác động tới nền kinh tế nước nhà nhiều bao nhiêu thì tôi không nắm rõ, nhưng những ảnh hưởng của nó tới cuộc sống và sinh hoạt của gia đình tôi rất sâu sắc.
Gia đình tôi thuộc mẫu gia đình hạt nhân chỉ gồm bố - mẹ - con. Ông bà nội ngoại đều ở quê, thành ra việc trông nom chăm sóc con cái, chúng tôi phải tự mình xoay xở. Khi Sở GD - ĐT quyết định cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố nghỉ học từ 3/2 để phòng chống dịch bệnh lây lan, thì việc sắp xếp, bố trí người trông con trở thành vấn đề lớn đối với hai vợ chồng tôi. Thảo luận một hồi, chúng tôi thống nhất sẽ thay phiên nhau nghỉ việc để ở nhà trông con.
Dõi theo tin về dịch bệnh đã đầy những lo lắng, cộng với thời tiết đầu xuân cứ mưa rét dầm dề, khiến nhịp sống càng chậm, càng buồn hơn. Lũ trẻ ở nhà, xem tivi, chơi đồ chơi mãi cũng chán. Chúng nó cuồng chân, bày bừa đồ chơi, nhảy nhót, hò hét suốt ngày, nhà không khác gì cái chợ. Chạy theo dọn dẹp những vết sáp màu khắp sàn nhà, những thỏi son gãy vụn, lau rửa những cái tay, cái mặt chi chít vết mực, phân xử 5 – 7 trận cãi vã/ ngày khiến nhiều khi bực mình tưởng phát điên.
Sang tuần nghỉ học thứ hai, chồng tôi không sắp xếp được công việc, nên tôi phải đưa con tới nơi làm việc để tiện trông nom.
Quay giữa công việc - trông con, tôi càng căng thẳng. Nơi làm việc không phải là nơi để trông trẻ. Chuyện ăn uống thì nên gọn tiện là đúng, nhưng phiền là lũ trẻ không thể giữ trật tự hoặc ngồi yên một chỗ. Chúng cần có việc để làm, có thứ để chơi và đôi khi là giành nhau đồ chí chóe. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công việc và nhất là ảnh hưởng tới những đồng nghiệp xung quanh.
Nhận được thông báo từ thầy cô về quyết định cho học sinh nghỉ học tới hết tháng 2/2020, tôi thở dài. Mải lo nghĩ tới công việc, tới những deadline đang nhiều lên, vợ chồng tôi to tiếng:
- Anh lúc nào cũng chỉ biết tới việc của mình thôi. Con là con chung, trong những lúc khó khăn như này, anh cũng nên thu xếp công việc để đỡ em chứ. Vừa làm vừa trông con, em đã chậm bao việc rồi.
- Thế cô tưởng tôi rảnh lắm à? Mỗi ngày, mở mắt ra, không làm gì cũng mất 500 – 700.000 đồng tiền thợ, tiền cửa hàng. Có việc mà còn bỏ thì lấy gì ăn?
Lời qua tiếng lại, chuyện trông con trở thành áp lực nặng nề. Thằng lớn cũng biết biết rồi, nó nhạy cảm hơn, mặt nó buồn.
Cuối cùng, chúng tôi quyết định gửi hai con về quê, nhờ bà nội trông nom, chăm sóc. Dặn dò con xong, hai vợ chồng tôi lại trở ra Hà Nội và tiếp tục với những công việc của mình.
Nhà không có trẻ nên bữa cơm cũng giản tiện đi, chỉ cần có cơm, món mặn, món canh ăn là xong. Hết bữa, chúng tôi gọi điện trò chuyện cùng con một lúc, trao đổi với nhau vài ba câu chuyện, rồi ai nấy lại quay ra ôm lấy chiếc điện thoại của riêng mình.
Ngày một, ngày hai, ngày ba, hai vợ chồng thấy mọi thứ dần trở nên buồn tẻ. Thiếu tiếng khóc, tiếng cười của trẻ, nhà hình như không giống là nhà, im ắng quá! Tôi nhớ lũ trẻ! Nhớ những lúc đi đâu về có đứa chạy ra đón, nhớ những khi chúng nhảy chồm chồm lên lưng đùa nghịch, nhớ cả những tiếng cãi cọ, tiếng khóc mà trước đó tôi từng cho là điếc tai, là đau đầu… Những thứ trước bị coi là phiền phức, là áp lực thì giờ đây lại ao ước.
Qua một mùa dịch, bạn học được cách tạo thói quen đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, biết bổ sung những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể… Nhưng còn một điều đơn giản nữa xin chớ lãng quên, là hãy trân quý những thời gian được ở bên con, bên gia đình. Trông con, không phải chỉ toàn những lo âu, toàn những gánh nặng, mà là những khoảnh khắc hạnh phúc, rất dễ bị lãng quên.
Tôi quyết định, sẽ thu xếp đi về giữa Hưng Yên – Hà Nội trong ngày để không đánh mất những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi ấy.
7 lời khuyên cho các bà mẹ đang mệt mỏi với việc chăm con
Không nên bỏ qua cảm xúc của mình, thay vào đó hãy chú ý nhiều hơn nếu các ông bố bà mẹ không muốn năng lượng của mình cạn kiệt.