Như một quy định bất thành văn, làm báo tức là phụ nữ phải tự phá bỏ khuôn mẫu “nhân vật của gia đình”. Họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, không chỉ trong lĩnh vực săn tin tức, mà còn cả những việc khác, chẳng hạn bị phớt lờ, từ chối thăng chức, bị bắt nạt và quấy rối tình dục…
Bất bình đẳng giới
Các cấp trong ngành đều thiếu sự bình đẳng giới. Một nghiên cứu của tạp chí Press Gazette của Anh cho biết chỉ có ⅓ tổng số biên tập viên là nữ, trong khi đó trang Women in Journalism cũng tiết lộ 73% người được khảo sát cảm thấy phụ nữ khó thăng tiến nghề nghiệp hơn.
Ở Anh năm 2016, trong lĩnh vực báo chí thể thao, phụ nữ người da màu, châu Á và dân tộc thiểu số chỉ chiếm 6 trên 456 các phóng viên, nhà báo đưa tin về các sự kiện lớn như giải thi đấu quần vợt Wimbledon, Thế vận hội Thể thao Người khuyết tật thế giới Paralympics. Ngoài ra, chỉ có bốn trong số 95 tác giả trong ngành in ở Scotland là phụ nữ.
Ảnh minh họa: internet. |
Bất chấp truyền thông liên tục đề cập đến sự cân bằng giới tính, một nghiên cứu của Đài quan sát Báo chí châu Âu (EJO) năm 2018 đã tiết lộ rằng trên 11 quốc gia ở châu lục này, các nhà báo nữ vẫn chưa thực sự có chỗ đứng. Trong khi 41% các ấn phẩm được viết bởi nam giới, chỉ có 23% với tác giả là nữ. Kết quả phân tích một loạt các tiêu đề in ấn, cả chất lượng và báo lá cải, và các tạp chí kỹ thuật số cho thấy đứng đầu trong nạn bất bình đẳng giới này là Đức và Ý.
Không chỉ vậy, theo nghiên cứu, các nhà báo nam cũng “dành nhiều thời gian để viết về những người cùng giới hơn”. Trong các tác phẩm đã được đăng tải, ảnh của đàn ông xuất hiện nhiều hơn gần 3 lần so với phụ nữ.
Quấy rối tình dục
Chính phủ Anh đã tiến hành một cuộc khảo sát về lạm dụng, quấy rối và cho thấy hơn ⅓ nữ nhà báo được hỏi cảm thấy không an toàn khi đi làm.
Phó tổng biên tập của Bilan - tòa soạn báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Somalia, Fathi Mohamed Ahmed cho biết nạn quấy rối tình dục đang hoành hành trong lĩnh vực truyền thông. Fathi chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất mà các nhà báo nữ ở Somalia phải đối mặt là sự lạm dụng, đặc biệt là từ các nam đồng nghiệp. Họ đề nghị giúp đỡ bạn nhưng chỉ khi bạn đáp lại họ một thứ gì đó”.
Cô chia sẻ thêm: “Tôi thường nhận những lời như “Em đẹp đấy, tôi thích cơ thể của em”, và chỉ khi tôi nói rằng tôi đã đính hôn thì những người đàn ông đó mới dừng lại”.
Khoảnh khắc nữ phóng viên Julieth Gonzalez Theran bị quấy rối tình dục khi đang phát trực tiếp (Ảnh: internet). |
Mới đây, một nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí Báo chí & Truyền thông đại chúng hàng quý cho thấy các nữ nhà báo coi các hành vi quấy rối, dù có chủ đích hay không đã là một phần của công việc.
Tác giả của bài nghiên cứu, Kaitlin Miller, Phó giáo sư báo chí và truyền thông tại Đại học Alabama (Mỹ) cho biết có một vấn đề được nhấn mạnh xuyên suốt các cuộc phỏng vấn: bị quấy rối và tấn công là một trong những cái giá mà các nữ nhà báo phải trả để có được vị trí như bây giờ.
Cũng trong nghiên cứu này, câu hỏi khảo sát đầu tiên là liệu các nhà báo cả nam và nữ có phải đối mặt với nhiều kiểu quấy rối khác nhau dựa trên giới tính của họ hay không. Kết quả không quá ngạc nhiên khi nữ giới làm việc trong lĩnh vực này gần như phải đối mặt với 16 kiểu quấy rối khác nhau, bao gồm cả việc họ bị chế giễu và nhiều lần bị yêu cầu hẹn hò.
Năm 2016, nữ phóng viên Julieth Gonzalez Theran khi đang tường thuật trực tiếp World Cup ở Moscow (Nga) đã bị một người đàn ông lạ mặt chạy đến, động chạm ngực và hôn vào má. Ngay sau đó, Julieth vẫn phải nhìn vào máy quay và tiếp tục công việc của mình, trong khi đó người đàn ông đã biến mất vào đám đông.
Chia sẻ về việc bị quấy rối, nữ phóng viên cho biết: “Đối với tôi đó là một sự cố cá biệt. Ở đó luôn có những người hâm mộ khen ngợi bạn và cư xử một cách lịch sự, nhưng người đàn ông này thực sự rất quá đáng”.
Tuy nhiên, khi vụ việc được chia sẻ trên mạng xã hội, một số người lại có những bình luận rất coi thường: “Chỉ đơn giản là một nụ hôn trên má, mọi người đang hành động như thể cô ấy phải đối phó với một kẻ hiếp dâm vậy”.
Bên cạnh đó, tỷ lệ quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng đang gia tăng. Có khoảng 34% nhà báo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ đã chứng kiến các hành vi đen tối, 17% nhà báo nữ từng bị lạm dụng tình dục và 59% trường hợp thủ phạm là cấp trên.
Đầu năm nay, cựu nhà báo cấp cao của New York Post (Mỹ), Michelle Gotthelf đã đệ đơn kiện cựu Tổng biên tập lâu năm của tờ Col Allan vì hành vi quấy rối tình dục, lăng mạ cô và thậm chí dụ dỗ quan hệ tình dục. Trong đơn kiện, Michelle còn cáo buộc tập đoàn News Corp - chủ sở hữu trang New York Post, và Tổng biên tập hiện tại Keith Poole. Được biết, sau khi nữ nhà báo lên tiếng phản ánh việc mình bị phân biệt đối xử và gạ tình, cô đã bị giáng chức và một thời gian ngắn sau thì bị đuổi việc. Michelle cũng cáo buộc Col trong thời gian cô còn làm việc đã luôn coi thường cô vì là phụ nữ. Cô chia sẻ: “Ông ta gọi phụ nữ trong các câu chuyện mang tính thời sự là “lẳng lơ” hoặc “ngu ngốc”. Col cảm thấy vui vẻ khi hạ chức tôi, hoặc phụ nữ nói chung trước mặt các đồng nghiệp nam”.
Chênh lệch mức lương
Báo cáo năm 2015 của UN Women Asia and the Pacific cho biết rõ ràng vẫn tồn tại khoảng cách lương theo giới tính khi mỗi tháng phụ nữ trung bình kiếm được 436 đô la Mỹ mỗi tháng, so với nam giới kiếm được 506 đô la.
Năm ngoái, một báo cáo trên NewsGuild Gannett Caucus cho thấy công ty Gannett - một trong những nhà xuất bản báo lớn nhất ở Mỹ vẫn xuất hiện tình trạng mức lương chênh lệch lớn giữa nam và nữ trong 14 tòa soạn.
Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ) phát động chiến dịch toàn cầu #PayMeEqual để giải quyết khoảng cách lương theo giới (Ảnh: internet). |
Một nhà báo của Sarasota Herald-Tribune cho biết: “Thật là một tội ác khi Gannett hay bất kỳ công ty, tổ chức nào khác lên tiếng phản ánh tình trạng trả lương theo giới tính hoặc màu da lại cũng có những hành động như vậy”.
Một nữ nhà báo khác của Milwaukee Journal Sentinel chia sẻ: “Tôi nhớ cảm giác đau đớn của mình lúc đó, khi tôi biết rằng một nam phóng viên trẻ chỉ với vài năm kinh nghiệm đã có mức lương gần bằng tôi. Tôi thậm chí đã làm việc với tư cách là một nhà báo trong hai thập kỷ”.
Bên cạnh đó, tại nhiều tòa soạn, sinh viên thực tập còn được công nhận và đánh giá cao hơn cả những người phụ nữ trí thức đang làm việc ở đó. Cựu nhà báo của Cộng hòa Arizona bày tỏ nỗi bất bình: “Không chỉ các đồng nghiệp nam có nền tảng, kinh nghiệm tương tự gặt hái thu nhập cao hơn tôi, mà mức lương của tôi còn thấp hơn cả của những thực tập sinh. Năm 2020, tôi được thăng chức và tôi phải làm ba công việc khác nhau. Tuy nhiên, mức lương tính theo giờ thậm chí không đủ bù đắp xứng đáng cho một trong ba công việc chứ đừng nói đến cả ba”.
Năm ngoái, nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ) đã phát động chiến dịch toàn cầu #PayMeEqual để kêu gọi các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới thực hiện kiểm toán lương tại các tòa soạn và có hành động để giải quyết khoảng cách lương theo giới.
Bắt nạt trên mạng
Trên thế giới, tình trạng các nữ nhà báo bị tấn công, bắt nạt trên mạng đang ngày càng tăng. Các nữ phóng viên đặc biệt quen với việc nhận được những tin nhắn phẫn nộ, đe dọa và chế nhạo trên mạng trước những bài báo của họ. Theo Courtney Radsch, giám đốc vận động tại Ủy ban Bảo vệ các nhà báo, quấy rối trực tuyến là mối lo ngại lớn nhất về vấn đề an toàn của nhiều nhà báo nữ.
Một cuộc khảo sát của UNESCO và Trung tâm Nhà báo Quốc tế (ICFJ) năm 2020 cho biết 73% nhà báo nữ đã từng bị bạo lực trực tuyến trong quá trình tác nghiệp, bao gồm các mối đe dọa về bạo lực thể chất và tình dục, cùng với các cuộc tấn công an ninh kỹ thuật số.
Có khoảng 16% phụ nữ cho biết lạm dụng và quấy rối trực tuyến “tồi tệ hơn nhiều so với bình thường. Thậm chí, những lần đe dọa này còn có ảnh hưởng khiến một số nhà báo nữ buộc phải bỏ nghề.
Tên của nữ phóng viên Patricia Devlin cùng biểu tượng của súng trên tường (Ảnh: internet). |
Ủy ban Bảo vệ các nhà báo đã có một cuộc khảo sát về nhận thức sự an toàn và tự do của các nữ nhà báo ở Mỹ và Canada. Các nữ phóng viên, nhà báo chia sẻ họ càng phải chịu nhiều sự quấy rối tệ hại hơn khi đưa tin về các chủ đề nổi cộm như chính trị hoặc chủ nghĩa cực đoan. Các độc giả có hành vi tấn công như gửi tin nhắn tình dục, đe dọa bạo lực, cưỡng hiếp hoặc dọa giết, và cả việc tiết lộ thông tin cá nhân của các phóng viên.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu thu thập từ hơn 1200 người trên khắp thế giới của UNESCO và ICFJ, kết quả còn cho thấy 20% nhà báo nữ đã bị lạm dụng và tấn công ở bên ngoài do ảnh hưởng của bạo lực trực tuyến. Trong nghiên cứu của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo, một nữ phóng viên chuyên viết bài về công nghệ và chủ nghĩa chính trị cực đoan cực hữu đã bị một nhóm liên kết bởi đàn ông và những người theo trường phái đó đe dọa trên chương trình phát thanh. Họ nói rằng nếu cô ấy tham dự một buổi meeting sắp diễn ra lúc ấy, cô sẽ ra đi trong một cái “túi đựng xác”.
Năm 2020, Kimberly Halkett, nữ phóng viên Al Jazeera của Nhà trắng đã trở thành mục tiêu của bạo lực trực tuyến: “Họ muốn giết tôi. Họ theo dõi gia đình tôi, vì địa chỉ của tôi đã bị tiết lộ trên internet. Nhưng điều khiến tôi sợ hãi hơn tất cả là việc họ tấn công đứa con gái 15 tuổi của tôi. Có một bài đăng tôi đã gắn thẻ con bé, và thế là họ đã vào Instagram của con bé để khủng bố”.
Nữ phóng viên Patricia Devlin ở Bắc Ireland năm ngoái cũng đã bị dọa giết nhiều lần. Thậm chí, tên của cô đã bị phun lên tường kèm với biểu tượng nhắm bắn của súng ở ít nhất hai địa điểm.
Bếp và bình đẳng giới
Tôi không công nhận những từ như Hy Sinh trong việc làm bếp. Vì hy sinh gì chứ, khi mình yêu thương và chăm sóc gia đình mình.