Nghĩ về tượng đài Bà Triệu

Việc tỉnh Thanh Hóa lấy ý kiến nhân dân về tượng đài Bà Triệu đã thể hiện sự cầu thị và trân trọng giá trị lịch sử đối với một công trình nghệ thuật tầm vóc quốc gia.

Tỉnh ủy-UBND tỉnh Thanh Hóa đã cẩn trọng trước quyết định dựng tượng đài Bà Triệu khi liên tiếp tổ chức 2 cuộc thi theo đề tài và đang trưng bày những mẫu tượng tại Nhà hát Lam Sơn để xin ý kiến góp ý của nhân dân. Đó không chỉ là quan điểm “uống nước nhớ nguồn”, lòng kính ngưỡng với Anh hùng-Danh nhân tỉnh nhà mà còn là sự cầu thị khi đầu tư vào công trình nghệ thuật lớn, đáp ứng tình cảm của nhân dân cả nước. Bởi, “Bà Triệu” đâu phải của riêng Thanh Hóa mà hình ành Bà đã từ lâu thấm đượm tâm hồn các thế hệ trên đất nước này về lòng yêu nước và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Cuộc thi lần thứ nhất đã có giải, song dư luận chưa hài lòng với mẫu tượng nên cuộc thi lần hai có sự tham gia của các nhà điêu khắc trên cả nước cũng như việc mời các chuyên gia mỹ thuật có uy tín từ Trung ương về tham gia Hội đồng nghệ thuật để thẩm định, đánh giá là một cách làm đầy trách nhiệm và khoa học. Kể cả việc phòng “nhóm lợi ích” trong bộ phận tham mưu nếu có.

Nghĩ về tượng đài Bà Triệu

Trước hết, không thể có khái niệm “Tượng” chung chung mà không căn cứ từ mục đích sử dụng. Có tượng mỹ nghệ bày trên bàn thờ, bàn làm việc, có tượng nghệ thuật dựng ngoài trời. Ngay tượng nghệ thuật cũng có tượng như tượng Phật, tượng nhóm nhân vật, tượng linh vật  và tượng đài dựng để kính ngưỡng các Anh hùng-Danh nhân. Và tượng đài Anh hùng-Danh nhân cũng có thể là tượng bán thân đặt trên bệ ở Hội trường, công viên, hoặc tượng lớn giữa không gian rộng để được ngắm từ nhiều phía.

Đặc trưng của tượng đài nơi quảng trường, gò cao, đỉnh núi thường gồm 2 phần: Nhân vật Anh hùng-Danh nhân và phần bệ tượng. Bệ tượng có thể là khối trụ, hoặc có cạnh hoặc được cách điệu liên quan tới nhân vật phía trên như hai mẫu tượng đài Bà Triệu lấy voi là bệ tượng đang trưng bày là một tìm tòi sáng tạo, thành công. Tuy nhiên nhân vật và bệ tượng đài cần theo một trục thẳng đứng thống nhất trên và dưới, cũng như bảo đảm giữ được đặc trưng loại hình tượng đài để vút lên in giữa trời xanh chạm vào nhận thức và cảm xúc người xem khi ngước nhìn, chiêm ngưỡng nhân vật tượng đài.

Xem mẫu trưng bày tượng đài Bà Triệu mà thấy rất đáng trân trọng 3 tác giả (hoặc nhóm tác giả) của ba mẫu tượng đài về lòng yêu kính Anh hùng-Danh nhân nước Việt nói chung và của tỉnh nhà nói riêng, cùng với những tìm tòi sáng tạo đã hoàn thành tác phẩm, trưng bày trước công chúng.

Một trong ba tác phẩm trưng bày chưa mang đặc trưng loại hình Tượng đài ngoài việc gợi cho người xem trở lại tuổi thơ với những cuốn truyện tranh về Bà Triệu. Tượng đài giữa quảng trường hay đặt nơi không gian rộng không thể nhìn ngang như lúc ngắm mẫu mà khi dựng hoàn thiện, người dân phải nhìn lên. Có cần thiết phải tả thực từ móng chân con voi trở lên khi tượng đài phải khái quát được hồn cốt nhân vật? “Tượng đài Bà Triệu” khác với “Tượng Bà Triệu cưỡi voi” khi mà voi theo tỉ lệ với người khiến voi là nhân vật chính. Nên chăng mẫu này có thể thu nhỏ, cao khoảng 20cm, làm bằng đồng, thạch cao thay quà lưu niệm để bán-tặng cho nhân dân tỉnh nhà và du khách tới thăm.

Hai mẫu còn lại có ngôn ngữ tượng đài hơn, song một trong hai mẫu với hình ảnh voi Bà cưỡi lại buông thõng vòi với “khuôn mặt” cúi xuống như đang tưởng niệm? Người đời sau tưởng niệm trước tượng đài Bà chứ voi gắn với nhân vật sao lại tưởng niệm? Tính thống nhất của tác phẩm giữa hình ảnh Bà phía trên với voi Bà cưỡi không có, thậm chí phản cảm. Nguyên tắc tượng đài danh nhân dựng trên đồi, nơi khoảng không rộng, có bệ cao phải luôn ĐỨNG. Tượng nhân vật ngồi thường có đế mỏng theo tỉ lệ đặt trên mặt đất. Ở mẫu tượng này, nhân vật tượng (Bà Triệu)  QUỲ một chân hay NGỒI càng mâu thuẫn với thớt voi làm đế. Và trên thực tế, trong lịch sử tượng đài, hình như chưa ai sáng tạo thế này. Nên chăng xem “bệ tượng” là voi lại xòe ra như đĩa xôi đã kéo nhân vật xuống, dễ mất nhiệm vụ đế tượng được cách điệu, gần với khái niệm “Bà Triệu cưỡi voi” hơn.

Nghĩ về tượng đài Bà Triệu

Rất mừng có mẫu thứ ba có đặc trưng tượng đài chuẩn, thuyết phục người xem hơn so với 2 mẫu còn lại. Đế tượng nhân vật Bà Triệu tuy cũng khai thác từ hình ảnh voi song có sức gợi mãnh liệt, chạm được vào cảm xúc và đem đến sự liên tưởng của người xem với một bố cục thanh thoát. Chỉ một đoạn vòi voi hướng lên đầy thần thái, cảm giác như vòi voi đang hành động cùng nhân vật phía trên. Rất thông minh khi trán voi có hình trống đồng như thông điệp Bà Triệu ra trận bằng cả sức mạnh của một dân tộc. Hình ảnh Bà Triệu đầy khí phách, không rối rắm như 2 tượng nói trên mà thoáng, in nổi giữa trời xanh khi người dân được ngắm tượng đài hoàn thiện đứng giữa quảng trường.

Có ý nghĩ nhỏ về việc “xin ý kiến góp ý của nhân dân”. Trước hết, thái độ dân chủ, làm theo ý dân của lãnh đạo tỉnh thật đáng trân trọng. Nhưng thiển nghĩ: Nên chăng chỉ hỏi ý dân những việc quan thiết trực tiếp tới dân với sự hiểu biết đầy đủ, phân tích để đồng tình, ủng hộ hay không của người góp ý. Tượng đài cần sự hiểu biết chuyên sâu mà họ biết rõ, hiểu rõ. (Dân sẽ góp ý sao nếu hỏi nên xây cầu qua sông bằng cầu dây văng hay cầu nhiều trụ hoặc trước dịch Covid, bà con nên chọn một loại vắc-xin nào chẳng hạn). Tỉnh nhà đã mời các chuyên gia về điêu khắc có uy tín và thành tựu trên cả nước về góp ý thì sao không thể tham khảo Hội đồng nghệ thuật mình tin tưởng. Mong công trình nghệ thuật có ý nghĩa giáo dục và cũng là niềm tự hào của Thanh Hóa này sớm được thực hiện, tránh những sai sót có thể tránh.

Lê Quý Hiền

Biểu tượng mẹ trong điêu khắc tượng Phật Bà Quan Âm Việt Nam

Biểu tượng mẹ trong điêu khắc tượng Phật Bà Quan Âm Việt Nam

Những pho tượng mang cảm thức về người mẹ Việt, gieo vào lòng người nét bao dung che chở như tấm lòng người mẹ.