Một người sống giữa thế kỷ 21, đầy bản lĩnh: cứ làm nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh. Kiếm sống bằng nhiều nguồn khác nhau, bằng việc dạy trẻ em vẽ... để lấy tiền nuôi đam mê của mình, kể cũng lạ.
Hoa là style người mơ mộng: vừa gò phù điêu vừa nghe hát dân ca Quan họ, hát chèo. Sống đời nghệ sĩ thế cũng sướng, khi quên đi cơm áo gạo tiền, để nuôi đam mê sáng tác nghệ thuật của mình.
Tôi biết Hoa khi được cơ quan VMT (Viện Mỹ thuật) cho sang học thỉnh giảng môn Lịch sử Mỹ thuật thế giới cùng lớp K19 - Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hoa đang học năm thứ hai. Do duyên nghề nghiệp chúng tôi cùng là thành viên của Câu lạc bộ nữ họa sĩ, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Và bởi thế quan tâm đến nghệ thuật của chị.
Tác phẩm "Em tôi", chất liệu đá xanh, sáng tác năm 1980. |
Nghệ thuật của Hoa bắt nguồn từ hiện thực, từ những rung cảm đời thường: Tình mẫu tử, tình yêu, hạnh phúc gia đình, chân dung người thân, tình yêu thiên nhiên, và những sinh hoạt của đời sống, đề tài miền núi, những câu chuyện dã sử, huyền thoại trong văn hóa dân gian: câu chuyện tình “Trương Chi - Mỵ Nương”; Giai thoại: Tiên Dung - Chử Đồng Tử, những làn điệu dân ca Quan họ, và những sinh hoạt của đời sống đương đại: Bộ đội giữ đảo, đời sống miền núi, bảo vệ môi trường... Cuộc sống cứ thấm dần vào chị, và trào ra bút vẽ, nhát đục, nhát gõ...
Người thầy đầu tiên
Vũ Bạch Hoa chuẩn bị nộp đơn thi đại học sư phạm khối C, khoa Văn Sử, thì bố chị, họa sĩ Lê Lam, cho chị xem ảnh bức tượng Công Nông của Mukhina ở Liên Xô cũ, ông đem về sau khi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật quốc gia Kiev.
Họa sĩ Lê Lam khuyên con gái học điêu khắc. Và 15 tuổi, Hoa bắt đầu tiếp cận những kiến thức mỹ thuật đầu tiên. Chị ra cánh đồng Hải Bối - Đông Anh, Hà Nội (quê nội), lấy đất sét trắng nặn quả na, quả chuối...rồi học môn hình họa, trang trí, bố cục, do bố dạy.
Tác phẩm "Hoài cảm", 100x120cm, chất liệu gò kim loại, sáng tác năm 2013. |
Cũng bởi con nhà nòi, và có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, chị như mảnh ruộng khô cháy, thấm rất nhanh những kiến thức mỹ thuật do bố truyền dạy. Sau đó chị thi đỗ vào khoa dự bị Đại học Mỹ thuật công nghiệp, thi đỗ chính thức vào khoa điêu khắc;
May mắn thay, chị và các bạn cùng khóa đã được cô Kim Bạch (nữ họa sĩ Kim Bạch và họa sĩ Lê Lam đều tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật quốc gia Kiev, khác khóa), dạy môn hình họa suốt 5 năm học. Nên tượng, và phù điêu của Bạch Hoa rất kinh điển về hình và khối.
Tác phẩm "Mắt đảo", 80x100cm, chất liệu gò kim loại, sáng tác năm 2014. |
Bạch Hoa sáng tác nhiều thể loại Nghệ thuật: Vẽ minh họa cho Nhà xuất bản Kim Đồng, làm tranh đồ họa, in độc bản, làm điêu khắc, dạy trẻ em vẽ... Nhưng mảng điêu khắc: tượng chân dung, tượng tròn và các bức phù điêu gò kim loại vẫn là nhóm tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét nhất của chị: Chân dung thiếu nữ (đá trắng...), chân dung mẹ con, chân dung em gái Bạch Liên 4 tuổi, bức tượng chân dung đá trắng rất tình cảm và rất đẹp.
Nữ họa sĩ Vũ Bạch Liên cũng là họa sĩ mỹ thuật đương đại và có khá nhiều thành tựu. Sống trong một gia đình có bốn cha con cùng làm mỹ thuật, nên sự ảnh hưởng và hỗ trợ lẫn nhau rất thuận lợi. Mẹ Vũ Bạch Hoa là bà Nguyễn Ngọc Lan nguyên là diễn viên, đạo diễn Đoàn chèo Trung ương, nay là Đoàn chèo Hà Nội, nên Bạch Hoa thừa kế được giọng hát chèo cao vút của mẹ.
Tác phẩm "Trăng xuân", chất liệu lụa, kích thước 55x76cm, sáng tác năm 2023. |
Chị hay vừa gò, đục các tác phẩm điêu khắc, vừa nghe hát chèo, hát dân ca Quan họ. Những lúc rỗi rãi và tụ tập bạn bè nghệ sĩ, chị hay hát dân ca Quan họ. Và khá nhiều những bức tượng gỗ về cô cả, cô hai với đuôi tóc con gà bay bay đã được bày ở Triển lãm điêu khắc toàn quốc tại Bảo tàng Hà Nội.
Nghệ thuật của Vũ Bạch Hoa, hiện thực và vững chãi như con người và tính cách trầm tĩnh, nói ít làm nhiều. Bạn bè đồng nghiệp yêu quý và nể trọng chị cũng vì tính cách ấy. Chị thường xuyên có tác phẩm tham gia đều đặn Triển lãm Câu lạc bộ nữ họa sĩ của Hội MTVN, 8/3 hàng năm. Triển lãm Xuân, thường niên của Hội Mỹ thuật Trung ương, Triển lãm khu vực hàng năm của Hội MTVN, Triển lãm thường niên Mỹ thuật Thủ đô 10/10 của Hội MT Hà Nội...
Tác phẩm "Hạnh phúc", 80x100cm, chất liệu gò kim loại, sáng tác năm 2020 đạt giải C Triển lãm mỹ thuật thủ đô 2020. |
Và bề dày tác phẩm đã nhiều lên theo năm tháng hoạt động nghề nghiệp. Hoa nói: “...Mình làm tượng, vẽ tranh do những rung cảm trước các đối tượng nghệ thuật, và hiện thực cuộc sống, thích thì làm thôi, cũng không đao to búa lớn gì”. Hoa sống và làm nghệ thuật lặng lẽ như tính cách của chị.
Điểm lại những tác phẩm đáng nhớ của Hoa, tôi nghĩ ngay đến bức gò kim loại liên quan nhân vật Chí Phèo. Hoa bảo văn ông Nam Cao có nhiều yếu tố hội họa: vườn chuối, trăng sáng và Thị Nở nude nằm ngủ bên sông, Chí Phèo say rượu, tay cầm chai rượu...nhìn họ thoát tục. Và 02 tác phẩm: Đêm trăng làng Vũ Đại, gò kim loại, 60x100cm và Tình, gò nhôm, 100x120cm, ra đời đầy cảm xúc.
Tác phẩm "Trương Chi", chất liệu đá tấm mài, kích thước 25cm, sáng tác năm 1995. |
Có thể kể thêm bức tượng: Tiếng sáo Trương Chi (chất liệu đá, màu), cao 20cm. Mối tình đẹp huyền thoại của Trương Chi và Mỵ Nương đã lưu truyền trong dân gian. Bạch Hoa miêu tả được hình ảnh chàng trai nông dân khỏe mạnh, nét mặt rất biểu cảm, đang thả hồn trong tiếng sáo đêm trăng đắm say, khối tượng tròn, vững chắc, bằng đá màu.
Bên cạnh các tác phẩm điêu khắc tượng tròn, gò kim loại, gần đây Bạch Hoa cũng vẽ khá nhiều tranh phong cảnh: Cầu Vĩnh Tuy, Đốt rơm, Con đường mới. Và gần đây nhất là tranh: Một sớm chùa Hương, 80x100cm, chất liệu Acrilic, bầy ở Triển lãm MTTD năm 2022.
Vũ Bạch Hoa vẫn cần mẫn, say mê làm nghệ thuật như cái nghiệp đã chọn. Chị vẫn vừa hát dân ca Quan họ, vừa gò, đục và vẽ, và hình như cuộc sống ồn ào, tấp nập nơi phố thị không mấy ảnh hưởng tới tư duy và cảm xúc của chị.
Tác phẩm "Tiếng xưa", kích thước 60x100cm, chất liệu gò kim loại, sáng tác 2022. |
Từ khi đục tác phẩm đầu tiên (chân dung em Liên, đá trắng), đến nay, sau hơn bốn mươi năm làm nghệ thuật, chị cứ mãi yêu và trung thành với chủ nghĩa hiện thực. Các tác phẩm vẫn đều đặn ra đời dưới bàn tay chăm chỉ, cần mẫn của chị.
Chị đang là thành viên của: Ban chủ nhiệm CLB nữ họa sĩ, Ban chủ nhiệm CLB chuyên ngành điêu khắc - Hội Mỹ thuật Việt Nam. Và năm 2020, chị được Hội Mỹ thuật Hà Nội tặng giải C, tác phẩm Hạnh phúc, gò kim loại.
Hy vọng với tâm hồn yêu đời, yêu người, yêu các làn điệu dân ca, chị sẽ cho ra đời những tác phẩm điêu khắc, những bức tranh về tình yêu cuộc sống, làm giàu thêm sưu tập nghệ thuật của riêng mình.
Âm - Dương trong điêu khắc đương đại
Triển lãm là một hoạt động trong dự án "Kết nối điêu khắc và kiến trúc đương đại" diễn ra từ 30/3 – 20/4 tại 47 Tràng Tiền, Hà Nội.