Hỏi: Mến chào chủ mục Khăn Mùi Xoa!
Em thấy mọi người hay nói ngoại hình chỉ là thứ yếu, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, rồi phản đối chế giễu ngoại hình (body shaming), nhưng đó chỉ là lời nói thôi, sự thực đâu có thế. Một người có gương mặt đẹp, hàm răng trắng, mái tóc óng mượt và cơ thể thon gọn, săn chắc vẫn luôn luôn có lợi thế. Thậm chí nói không ngoa, ngoại hình đẹp là chìa khóa để mở mọi cánh cửa.
Chủ mục có công nhận không, dù là cuộc gặp song phương hay tập thể, thì những người có ngoại hình đẹp luôn được đối xử ưu ái hơn. Những yếu tố như “tốt gỗ” hay sự hiểu biết, tinh tế… tất nhiên cũng quan trọng, nhưng xét sau.
Em là cô gái không có ngoại hình đẹp. Em nhỏ bé, gày gò, cận thị nặng, răng xỉn màu, không có các số đo hấp dẫn. Tóm lại, em chẳng có một ưu thế ngoại hình nào, mà nếu muốn can thiệp dao kéo thì cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng với “nước sơn” bẩm sinh như thế, em làm sao mà “tốt gỗ” được, gỗ tốt cũng chỉ để phục vụ công việc, còn trên khía cạnh giao tiếp thì chẳng có tác dụng gì. Một cô gái xinh đẹp, chỉ cần cô ấy cười thôi, là mọi người thấy vui vẻ. Còn những cô gái nhan sắc bình thường, thậm chí dưới mức bình thường như em, có hài hước hóm hỉnh hay nhu mì hiền thục, hiểu biết lẫn đảm đang đến mấy, cũng có ai quan tâm đâu.
Tranh minh họa: Tào Linh. |
Từ vài năm qua, em đã mang hết phần “tốt gỗ” của mình lên mạng xã hội, nội dung thì từ não em, còn hình ảnh thì em dùng hình tải trên mạng Trung Quốc. Đôi môi của cô này, bờ vai của cô khác… không bao giờ đầy đủ nhận diện, nhưng em biết là hấp dẫn. Và anh ạ, người viết thư này cho anh đang sở hữu một tài khoản mạng xã hội hơn 21.000 người theo dõi, có lượng tương tác rất cao, hàng ngày luôn có cả trăm tin nhắn xin làm quen, thậm chí ngỏ lời… yêu em.
Em không định hỏi gì anh cả, em chỉ muốn câu chuyện này được đăng trên mục của anh, để nhiều người đọc và thấy một khía cạnh khác của câu chuyện ngoại hình. Cho đến lúc này, em cũng không biết em đã trở nên tự tin, hay vẫn tự ti, có lẽ là cả hai, bởi vì em vẫn ngày ngày viết nội dung lên mạng xã hội và vẫn trốn tránh các cuộc gặp trực tiếp với mọi người.
À nếu có thể, em muốn hỏi anh câu này: Rời khỏi bàn phím, anh có đủ tự tin với vẻ bề ngoài của mình không?
Đáp: Chào cô gái thú vị. Anh tin rằng em là một cô gái thú vị, không phải bởi con số 21.000 người theo dõi để đọc em, mà bởi bức thư của em cho thấy cái nhìn rất sắc sảo, tuy có phần cay nghiệt.
Đồng ý với em, ngoại hình chắc chắn không phải là thứ con người xem nhẹ. Đã có quá nhiều dẫn chứng cho điều này.
Một cô ca sĩ đang rất nổi tiếng, vô số người hâm mộ. Nhưng chính các fan của cô đã tìm ra đoạn hình ảnh ngày cô mới chập chững vào showbiz, dự một cuộc thi hát, và ngoại hình thô mộc đến mức khó mà tin được đó là cùng một người nếu đặt cạnh chính cô bây giờ.
Một cô gái khác, sau nhiều năm khốn khổ với cái cằm lẹm và hàm răng hô, qua bàn tay bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nay vừa nổi tiếng vừa kiếm tiền rất tốt nhờ làm đại sứ cho các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ cả trong lẫn ngoài nước.
Cả một làn sóng nâng mũi, gọt cằm, cắt mí mắt, mài răng để chụp răng sứ, nâng ngực, hút mỡ, tiêm botox… đã mang tới sự tự tin ngoại hình cho biết bao nhiêu người. Phụ nữ, đàn ông, người lớn tuổi, cả những bạn trẻ còn đang đi học (mà từ góc nhìn của anh, nhiều bạn trẻ đẹp rất tự nhiên, đáng yêu, không hiểu sao vẫn phải chỉnh sửa thẩm mỹ?).
Sự đẹp, hóa ra chẳng có một chuẩn mực nhất quán cho lắm.
Thế kỷ trước, cái đẹp của phụ nữ Việt Nam là răng đen nhưng nhức hạt na, tóc dài, phong nhũ phì đồn (các vòng nảy nở kiểu mà bây giờ sẽ gọi là mũm mĩm, là béo ấy).
Đàn ông, tưởng như bất biến sẽ là to cao, vạm vỡ, hơi thô kệch nhưng mạnh mẽ. Thế mà bây giờ nam giới trắng trẻo, gày gò, hơi rụt rè, thậm chí trang điểm tô son đánh phấn, cũng là một trong những mẫu hình được các cô gái yêu thích (các “nam thần” Hàn Quốc, Trung Quốc là tiên phong điển hình).
Trái với “nước sơn” dễ thay đổi luôn xoành xoạch, thì chất “gỗ” lại gần như bất biến. Sự dịu dàng, tinh tế của phụ nữ, sự vững chãi, quyết đoán của đàn ông vẫn làm con người ta trở nên đáng yêu đáng mến, từ gia đình đến xã hội đón nhận.
Tranh minh họa: Tào Linh. |
Anh không có ngoại hình đẹp, nhất là bây giờ khi đã ngoài 40. Răng thưa, đầu hói, cũng phải rất vất vả mới không béo phì (và vẫn béo). Khi nói chuyện, anh vẫn thường thấy ánh mắt của đối phương nhìn vào răng mình, rồi tế nhị chuyển ánh mắt sang bên cạnh. Một số bạn cũ vẫn reo lên, A thằng béo, mỗi khi gặp lại. Hoặc đồng nghiệp đôi khi dừng lại nhìn nhìn rồi thở dài: Dạo này hói quá rồi đấy.
Nếu ở tuổi đôi mươi, hoặc ba mươi, có thể những điều đó sẽ làm anh chạnh lòng. Nhưng bây giờ thì không, thực sự là không. Bởi vì đến tứ tuần mà ngoại hình vẫn là một ưu điểm nổi bật, thì với người làm nghề sáng tạo nội dung phải xem là thất bại. Anh tự tin với trình độ và năng lực của mình, dù nó ngày càng tỉ lệ nghịch với ngoại hình.
Một cách vô tình, sự tự ti về ngoại hình đã khiến em đào sâu vào bên trong mình, phát huy tố chất tư duy để có được sự thừa nhận của xã hội cho bản thân em. Nói như người Trung Quốc, quả trứng đập từ bên ngoài vào thì là món trứng ốp la, còn đập từ bên trong ra thì là nỗ lực. Em đã nỗ lực, vậy sao còn sợ mình sẽ thành món trứng ốp la?
Chìa khóa để mở tất cả mọi cánh cửa không phải là ngoại hình đẹp như em nói đâu. Nếu em đến làm việc với Hội người mù Việt Nam chẳng hạn, thì vẻ ngoài của em thế nào rõ ràng không quan trọng bằng giọng nói của em thế nào, em nói gì, và em có thể làm gì cho họ.
Em hãy mở những bức ảnh, những đoạn phim các ngôi sao nổi tiếng hàng đầu thế giới đi thăm trẻ em mồ côi, thăm những người tị nạn vì chiến tranh, đi cứu đói, tham gia làm sạch môi trường… Em sẽ nhận thấy điểm chung, là họ đều cố gắng giảm thiểu (hoặc không) trang điểm, đội mũ hoặc che khăn để giấu đi nhan sắc lộng lẫy, nói thật khẽ, mỉm cười thật nhiều. Mọi cánh cửa mở ra trên thế giới, là bởi sự chân thành giữa con người với con người đó chứ.
Ở ngoài kia có những người rất cần sự có mặt của em, mà không cần biết mặt em trông thế nào. Ở ngoài kia, sẽ có người muốn chạm vào cô gái vừa mạnh mẽ vừa rụt rè là em, để yêu thương và chia sẻ, em đẹp trong mắt họ.
Rời khỏi bàn phím, anh có đủ tự tin với vẻ bề ngoài của mình không? Anh không có câu trả lời cho câu hỏi của em. Vì khi rời bàn phím, hoặc anh hồ hởi khám phá thế giới này, hoặc anh đi ngủ. Cả hai trường hợp đều không cần đến ngoại hình bắt mắt, với anh thì là thế.
Khi nhan sắc vượt ngưỡng...
Phụ nữ có nhan sắc vượt ngưỡng thường có nhiều lợi thế trong xã hội, nhưng dường như họ lại khá chật vật trong đời sống gia đình.