Ngày 17.11.2019, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của nhân loại xuất hiện tại Trung Quốc. Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân trên toàn thế giới đã hoàn toàn bị đảo lộn. Hàng triệu sinh mạng đã thương vong, nền kinh tế xã hội toàn cầu bị khủng hoảng trầm trọng, hệ thống y tế của hàng loạt quốc gia bị quá tải ở mức độ khẩn cấp là những thiệt hại có thể đo đếm được.
Nhưng bên cạnh đó, những tổn thất không thể đo đếm được, không chỉ nằm ở những con số, những di chứng bệnh lý, mà còn là những ám ảnh về tâm lý và tinh thần, gây ra bởi những nhiễu loạn và sai lệch trong việc truyền bá thông tin, những “thuyết âm mưu” bao trùm gây căng thẳng cho hàng loạt quốc gia, và đặc biệt nhất là những chia rẽ cũng như làn sóng phân biệt đối xử đang diễn ra trên toàn thế giới. Đối với người châu Á nói chung và người Trung Quốc nói riêng, tình trạng kỳ thị và bất công trong đối xử đang trở thành một vấn nạn gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Đối với người châu Á nói chung và người Trung Quốc nói riêng, tình trạng kỳ thị và bất công trong đối xử trở thành vấn nạn gây tổn thương nghiêm trọng (Ảnh minh họa: internet). |
Tại một loạt quốc gia như Mỹ, Úc, Anh, Ý, Bỉ… các cuộc tẩy chay, công kích, chế giễu, xua đuổi người da vàng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Thậm chí trên đường phố, tại các khu vực công cộng, nhiều người gốc Á, đặc biệt là người Trung Quốc đã bị tấn công, hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra nhằm vào người da vàng, rất nhiều các bức ảnh, video về sự kỳ thị người châu Á lan truyền khắp trên mạng xã hội gây phẫn nộ. Nhiều người dân da trắng gần như không còn phân biệt được “những người mang virus” hay những người khỏe mạnh, mà họ ngầm mặc định, người da vàng chính là virus!
Hàng loạt lao động Trung Quốc tại châu Âu, Úc hoặc Mỹ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc bị cắt giảm giờ làm, cuộc sống trở nên khó khăn đến mức báo động. Tại Mỹ, lao động gốc Á đang phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao bậc nhất trong lịch sử khi đại dịch nổ ra. Đầu năm 2020, thời báo phố Wall còn đăng tải một bài bình luận với tiêu đề “Trung Quốc là sự ốm yếu thực sự của châu Á”.
Tại Pháp, một tờ báo địa phương đưa lên trang đầu “Yellow Alert” (Cảnh báo vàng) nhằm ám chỉ về việc tẩy chay người da vàng trong đại dịch. Sự kỳ thị không chỉ diễn ra trong suy nghĩ của người phương Tây bản địa, mà còn diễn ra trong các cộng đồng người châu Á, thậm chí tại chính những quốc gia châu Á, người Trung Quốc cũng bị xua đuổi, xa lánh, thậm chí bị tấn công.
Lịch sử nhân loại, ngay cả trong những cuộc chiến tranh thế giới với lời kêu gọi đoàn kết tại các quốc gia và lãnh thổ, thì có lẽ đây là lần đầu tiên loài người trở nên xa rời nhau đến vậy, ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Sự phân biệt chủng tộc diễn ra hàng ngày trên đường phố, ngay tại nơi làm việc của hầu hết các ngành nghề, tại các quán ăn, nhà hàng, siêu thị, thậm chí tại các vùng quê, trên những cánh đồng.
Trên khắp thế giới, người Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung dường như đang phải gánh chịu những áp lực giống nhau, về nguy cơ dịch bệnh, về nỗi lo sinh tồn của những người nhập cư khi cơ hội việc làm đang ngày một ít đi, và sự mặc cảm đến mức ám ảnh của nạn kỳ thị chủng tộc.
Nguyễn Hoàng Huy (24 tuổi - du học sinh Việt Nam tại CHLB Đức)
Sang Đức được 6 năm, vừa đi học vừa đi làm thêm, cuộc sống của Hoàng ở nước Đức khá yên ổn. Nhưng từ khi dịch Covid-19 nổ ra, công việc làm thêm của Hoàng gặp khó khăn hơn rất nhiều. Rất nhiều nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa, các tiệm làm nail cũng sa thải rất nhiều nhân viên để giảm chi phí.
Hoàng kể: “Sang đến năm nay, việc kỳ thị tấn công người châu Á cũng không còn căng thẳng như đợt đầu nữa, nhưng người Đức vẫn ngại các hàng quán do người châu Á mở. Với họ cứ mang màu da vàng thì đều là người Trung Quốc cả. Ít khách nên các quán cũng cắt giảm nhân viên, tôi may mắn được giữ lại nhưng bạn bè tôi bị cho nghỉ rất nhiều, việc duy trì nhà ở và sinh sống vô cùng khó khăn, nhưng lại không thể về nước”.
Hoàng còn nhớ lại có lần trên đường đi làm về trên tàu điện: “Lúc đó hai người Đức đi ngang, họ đã chỉ thẳng vào chúng tôi và nói bằng tiếng Đức: “Mày là người China, hãy cút về nước chúng mày đi”. Lúc đó chúng tôi đã rất sợ hãi. Cô bạn tôi thậm chí đã bị người Đức hất chậu nước vào người và chửi những lời lẽ rất thô tục”.
Lại Thảo Thanh (34 tuổi – một người kinh doanh gỗ tại Sydney, Australia)
“Mình ở bên Úc hơn 10 năm cùng với gia đình, chồng và ba đứa con. Cuộc sống ở đây dễ chịu lắm, vì Úc vốn là đất nước đa sắc tộc, nên việc kỳ thị là rất ít, gần như không có.
Nhưng từ khi Covid-19 nổ ra, nhiều người dân bản địa họ cảm giác như hận người Trung Quốc. Họ dán băng rôn trên ô tô: “Nếu mày là người Trung Quốc thì cút đi”. Nhiều nơi dành cho khách du lịch, nhiều nhà hàng hoặc tiệm nail đề biển không nhận khách Trung Quốc. Nói chung, làn sóng tẩy chay người Trung Quốc trở nên vô cùng căng thẳng.
Bên này trước có khu Chinatown rất nổi tiếng, từ khi bùng dịch là gần như không ai vào khu đó ăn uống, một phần sợ lây bệnh, một phần họ trở nên căm ghét Trung Quốc nên tẩy chay luôn. Khu đó giờ đóng cửa đến 90% rồi. Kể cả những nhà hàng lớn như Linh Nam nổi tiếng nhất khu Chinatown, mấy chục năm rồi cũng phải đóng cửa”.
Khi được hỏi về việc tiêm vaccine phòng Covid-19, Thảo nói thêm: “Giờ thì nước Úc đang ưu tiên tiêm cho người bản địa, thổ dân của Úc để bảo tồn. Sau đó sẽ ưu tiên tiêm cho những người già và người từ 40 tuổi trở lên. Còn người trẻ và nhập cư như mình sẽ phải chờ tiêm sau”.
Ảnh minh họa: internet. |
Trần Hiệp (33 tuổi - du học sinh Nhật Bản)
“Ở Nhật Bản người dân họ rất khéo léo và kín đáo, khó mà nhận ra việc họ ghét ai hay kỳ thị ai. Nhưng từ khi đại dịch bùng phát, người Trung Quốc tại đây gần như bị cô lập, không ai đến gần.
Một bạn học của mình là người Trung Quốc, khi cô ấy bước vào thang máy và nói tiếng Trung, rất nhiều người ở thang máy đã bước ra ngoài. Việc đó khiến cô ấy khóc rất nhiều và cảm thấy bị tổn thương nặng nề. Nhưng cô ấy đã không thể trở về quê hương ngay lập tức vì việc di chuyển lúc đó là vô cùng khó khăn”- Hiệp chia sẻ.
Trần Thị Cẩm T. (31 tuổi – nhân viên bán hàng tại Uniqlo, Paris, Pháp)
“Thời gian đầu khi dịch bùng phát, mình là người châu Á khi đi ra đường rất sợ. Rất nhiều người châu Á đã bị những thanh niên mới lớn tại Pháp đánh hoặc ném đá, ném chai lọ vào người mà chẳng vì lý do gì. Với người Pháp thì cứ châu Á đều là người Trung Quốc cả, họ vừa sợ hãi vừa căm ghét người Trung Quốc. Có cả hội “Anti Asiate” (tẩy chay người châu Á) luôn. Sau đó ông chủ nhiệm “Hội người châu Á” tại Paris phải đệ đơn kiện và kêu cứu tới nhiều tổ chức về nhân quyền.
Việc nhà hàng, quán ăn từ chối tiếp người Trung Quốc là việc diễn ra hàng ngày và ở khắp mọi nơi. Tôi nhớ có lần đang đứng thanh toán tiền tại quầy thanh toán của Uniqlo, có hai người Pháp đến thanh toán, khi thấy tôi là người da vàng, họ đã tỏ ra rất sợ hãi và ghê tởm, họ nhìn tôi từ đầu đến chân và chỉ trỏ tôi rồi thì thầm to nhỏ với nhau, tôi có nghe được rằng “Bọn người Trung Quốc ở bẩn lắm, người chúng đầy virus”. Sau khi nhận lại tiền thừa từ tôi, họ đã khử khuẩn rất kỹ lưỡng. Lúc đó tôi thực sự cảm thấy nóng giận.
Nhưng việc đáng buồn hơn nữa là trong chính cộng đồng người châu Á, việc kỳ thị cũng diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Người Nhật Bản, Indo, Thái Lan… đều tìm cách “bắt nạt” người Trung Quốc. Tôi nghĩ đó không phải là một cách cư xử văn minh”.
Nguyễn Thanh Bình (chuyên viên trang điểm Việt Nam tại Anh quốc)
Anh Bình kể lại, người Việt Nam làm chuyên viên trang điểm tại Anh và nhiều nước châu Âu vốn rất được ưa chuộng, vì người Việt rất khéo léo, chăm chỉ và tận tụy.
“Chúng tôi có rất nhiều khách quen, những khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu. Tôi cũng thường trang điểm cho các người mẫu của các hãng thời trang lớn như Chanel, Louis Vuitton hay Prada… nhưng khi Covid-19 nổ ra, nhiều khách hàng đã đề nghị thay chuyên viên trang điểm không phải là người châu Á”.
Ảnh minh họa: internet. |
Các khách hàng thượng lưu đủ sang trọng để không thể hiện rõ sự kỳ thị bằng những từ ngữ chửi bới hay tấn công, nhưng họ khéo léo tránh xa chúng tôi, và không để chúng tôi chạm vào người. Tôi rất buồn vì việc này, nhưng đành chấp nhận. Covid-19 khiến cho nhiều người châu Á nhập cư trở nên khó khăn rất nhiều.
Trần Vị Hán (35 tuổi – công dân Trung Quốc đang kinh doanh tại Hà Nội, Việt Nam)
Là một người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm, khi được hỏi về quan niệm trước nạn kỳ thị chủng độc đang xảy ra trên khắp thế giới đối với người châu Á nói chung và người Trung Quốc nói riêng, anh Trần đã có những chia sẻ thẳng thắn:
“Tôi nghĩ nạn kỳ thị chỉ diễn ra ở những nơi kém văn minh. Tầng lớp cao của xã hội nói về lợi ích, và những người ở tầng dưới thích nói về quan điểm và tư tưởng. Hãy để họ thảo luận về tư tưởng, tôi chỉ quan tâm đến việc kinh doanh có lãi. Tôi nghĩ, bạn nên dùng tiền để đánh giá hơn là quốc tịch để nhìn nhận một người. Tôi nghĩ người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn nghiêm túc và người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn phi pháp chắc chắn sẽ bị đối xử khác nhau. Nếu người Trung Quốc làm điều gì đó bất hợp pháp ở Việt Nam, thì anh ta nên bị trừng phạt.
Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, người Trung Quốc không thích tiếng Nhật. Lúc đó có tin một người đàn ông Nhật Bản bị bắn chết ở Trung Quốc vì tội buôn bán ma túy. Các báo cáo ở Nhật Bản đều cho rằng anh ta đáng bị trừng phạt. Tin tức này đã cho tôi một ấn tượng sâu sắc.
Hiện tại tôi rất thoải mái khi ở Việt Nam, ở đây tôi không phải chịu sự kỳ thị gì. Không ai đối xử với tôi khác đi vì tôi là người Trung Quốc. Nhưng những đồng hương của tôi ở châu Âu và Mỹ thì khác, tôi rất tiếc về điều đó. Tôi cũng nghe nói rằng Đại sứ quán Trung Quốc đang sắp xếp để chúng tôi được tiêm vaccine. Chính phủ Trung Quốc đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam. Trước đó, chúng tôi sẽ tự lo cho sự an toàn của mình”.
Khẩu trang: Từ sự kỳ thị tới biểu tượng mang nhiều thông điệp
Không chỉ là đồ dùng bảo hộ chống vi khuẩn và ô nhiễm, khẩu trang trở thành biểu tượng của đoàn kết, phản kháng, phân biệt chủng tộc, xu hướng thời trang.