Ông Lưu (An Huy, Trung Quốc) cũng là một trong số những người hiểu lầm rằng mỡ máu cao hay bệnh gout chỉ gặp ở người thừa cân, béo phì. Ông năm nay 58 tuổi, cao trên 1m7 và chỉ nặng 56kg, ai nhìn vào cũng thấy ông hơi gầy.
Khoảng 3 tháng trở lại đây, ông Lưu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi không rõ lý do, buồn nôn, đau đầu dai dẳng, ban đêm thì tê tay chân. Lúc đầu, ông không quá quan tâm vì cho rằng mình sắp bước sang tuổi 60 nên sức khỏe suy giảm. Cho đến khi những triệu chứng trên nặng hơn, kèm thêm một vài nốt mụn màu vàng ở mí mắt, những cơn đau bụng, nôn mửa xuất hiện thì ông mới chịu tới bệnh viện thăm khám.
Máu của ông Lưu chứa đầy dầu trắng đục do chỉ số chất béo trung tính trong máu quá cao (Ảnh Bệnh viện cung cấp) |
Điều ông Lưu không ngờ tới là kết quả xét nghiệm máu chỉ ra chỉ số chất béo trung tính triglyceride trong máu của ông cao gấp 40 lần người bình thường. Như cách bác sĩ Xu Hao thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh An Huy (An Huy, Trung Quốc) mô tả: “Mức triglyceride bình thường là 1,7 mmol/L còn ở bệnh nhân dao động 67 - 68 mmol/L. Có thể nói máu của bệnh nhân chứa hơn một nửa là mỡ. Huyết áp rất cao do máu quá đặc và cũng có những dấu hiệu ban đầu của viêm tụy cấp do mỡ máu tăng quá cao”.
Lúc đầu, ông Lưu làm loạn lên cho rằng bác sĩ chẩn đoán nhầm vì ông vốn có thân hình gầy guộc, hàng ngày đều đi bộ 30 phút buổi chiều. Đến khi tận mắt nhìn thấy máu của mình có màu trắng đục như sữa thì ông mới chịu tin chính thói quen ăn thịt mỡ mỗi ngày của mình gây hại đến thế nào.
Chính ông Lưu kể lại, mình thường xuyên ăn thịt mỡ trong hơn 10 năm trở lại đây. Nếu ăn gà, ông cũng thường chọn phần da gà để ăn. Ông cũng thích dùng mỡ lợn để nấu ăn vì mùi thơm, ngậy đặc trưng và cho rằng nó là thực phẩm từ tự nhiên sẽ tốt hơn dầu ăn. Trong khi bác sĩ Xu cho biết thịt mỡ, mỡ lợn, da gà đều rất nhiều chất béo chuyển hóa và giàu calo, dễ gây tăng cân và gây mỡ máu cao, áp lực cho tim mạch cũng như nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Bác sĩ Xu cũng nhấn mạnh rằng các bệnh rối loạn chuyển hóa, bao gồm mỡ máu cao không phải chỉ gặp ở người thừa cân hay béo phì, nó không phân biệt thể trạng gầy hay béo. “Bệnh mỡ máu trong y khoa gọi là rối loạn chuyển hóa lipid. Trong cơ thể chúng ta có hai loại cholesterol tốt và xấu. Bệnh mỡ máu xảy ra khi các cholesterol tốt ít đi, cholesterol xấu tăng lên, gây ra rối loạn mất cân bằng cholesterol trong cơ thể. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng cholesterol xấu gây bệnh mỡ máu thường gặp như ít vận động, ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, hút thuốc lá, rượu bia, gia đình có người bị mỡ máu..
Đặc biệt là mỡ máu không phân biệt người gầy hay mập, nếu người gầy mà ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động, hút thuốc lá, rượu bia thì vẫn bị nhiễm mỡ máu. Chưa kể, mỡ máu còn có thể bị tăng theo tuổi tác, bệnh lý về gan mật tụy, bệnh thận, bệnh lý rối loạn chuyển hóa lipid máu. Còn ở người mập, béo phì nguy cơ cao hơn nên khả năng bị bệnh mỡ máu cao hơn” - ông giải thích thêm.
Lý do khiến ông Lưu bị mỡ máu cao dù gầy là ăn thịt mỡ, mỡ lợn thường xuyên trong nhiều năm liên tục (Ảnh minh họa) |
Với trường hợp của ông Lưu, bởi vì ông thường xuyên tập thể dục, “cơ địa” vốn khó tăng cân, lượng ăn không quá nhiều mà duy trì lâu năm nên quá trình mỡ máu tăng cũng chậm hơn và cơ thể không béo. Tuy nhiên, nhìn kỹ sẽ thấy tổng thể cơ thể ông gầy nhưng phần bụng lại to do tích tụ mỡ nội tạng. Sau khi được lọc máu khẩn cấp, ông Lưu ở lại bệnh viện điều trị trong 8 ngày. Xuất viện rồi ông vẫn cần theo dõi ngoại trú, dùng thuốc kiểm soát mỡ máu và thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường tập luyện, tái khám định kỳ.
Bác sĩ Xu cảnh báo rằng mỡ máu cao ngoài viêm tụy cấp còn có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Có thể kể đến như gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, thiếu máu cục bộ mạc treo, viêm hoại tử chi dưới, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Healthline
Cách ăn táo giúp hiệu quả giảm cân, “đánh tan” mỡ máu gấp nhiều lần được chuyên gia bật mí
Táo luôn được xếp vào danh sách thực phẩm tốt cho sức khỏe, sẽ càng tốt hơn nếu bạn làm 1 việc đơn giản sau: nấu chín táo.