Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer tại Anh và Mỹ , Facebook đang dần mất đi sức hút với giới trẻ, trong khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này lại đón nhận làn sóng người dùng trên 55 tuổi. Facebook đang dần trở thành mạng xã hội cho người lớn tuổi.
Số người dùng facebook trên 55 tuổi tăng gần 20% trong năm qua
Số người dùng facebook trên 55 tuổi tăng gần 20% trong năm qua. |
Chị N.M.T, ngụ Tân Bình, TP.HCM cho biết chị đã đặt tour để đưa mẹ đi du lịch Singapore. Vấn đề là suốt chuyến đi từ lúc ra sân bay làm thủ tục, cho đến ngày về, mẹ cô luôn háo hức chụp ảnh liên tục để đăng lên Facebook, thường xuyên cầm điện thoại xem có ai like, ai comment không. Bà hoàn toàn không để tâm vào chuyện gì khác, kể cả lúc thưởng thức buffet hay đi tham quan những nơi mà cô phải bỏ tiền ra mới vào được. Nhiều lúc bà tỏ ra suy tư, buồn vu vơ chỉ vì ai đó vào "còm men" bức ảnh của bà "thiếu thiện chí".
Ông T.V.B quê ở Thanh Hóa, vào TP.HCM sống cùng con trai ở Bình Thạnh đã gần 10 năm nay. Nhà có người giúp việc nên nhiệm vụ của ông mỗi ngày là trông nhà, đưa đón cháu nội đi học. Vì vậy, chiếc điện thoại thông minh trở thành cánh cửa kết nối ông và thế giới. Ngoài việc lướt web đọc thông tin, chủ yếu ông dùng mạng xã hội để liên lạc các con, họ hàng và bạn bè ở quê.
Việc kết nối lại được với những người bạn từ thời hoa niên khiến ông rất vui mừng. Trong lần về thăm quê gần đây ông cũng rất chăm chỉ đăng ảnh “cúng phây”, trong đó có “phóng sự” ông gặp các bạn thời chăn trâu làm tiệc gặp mặt ở quê bằng thịt chó. Vài giờ sau, bài đăng của ông bị vài người chia sẻ lại. Sau đó, rất nhiều bình luận thóa mạ, chửi bới của những người xa lạ trên mạng xã hội đã đổ bộ vào Facebook của ông. Ông đã phải đóng Facebook và nhập viện vì quá sốc.
Người lớn tuổi chia sẻ tin tức giả trên facebook gấp 7 lần so với người trẻ
Người già đang say sưa với thế giới mà internet mở ra cho họ. |
Theo Vinaresearch, trung bình 1 ngày người Việt Nam dành 2,12 giờ để truy cập mạng xã hội, riêng đối với Facebook thời gian truy cập mạng xã hội này là nhiều nhất (3,55 giờ), cao hơn so với mức trung bình 1,42 giờ. Theo báo cáo này, 55 triệu là số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam tính đến đầu năm 2018. Trên Facebook, số người dùng trên 65 tuổi tăng gần 20% trong năm qua. Tương tự, với Zalo, mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam, tỉ lệ người dùng trên 41 tuổi chiếm đến 7% và con số này đang không ngừng tăng lên.
Người già đang say sưa với thế giới mà internet mở ra cho họ. "Tham gia facebook tôi học tìm lại được bạn bè cũ, học được nhiều kiến thức để tự lo cho sức khỏe của mình, và cũng thấy gần gũi hơn với con cháu. Ít ra tôi hiểu được những gì chúng nó nói, điều mà trước đây tôi bị cho là "lạc hậu". Khi con cháu đi học đi làm, tôi thấy đỡ cô đơn, đỡ tủi thân hơn ngược lại còn thấy vui vẻ và minh mẫn". Bà L.T.H, 67 tuổi sống ở quận Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ.
Tác động của internet lên hành vi của người lớn tuổi không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà là câu chuyện chung của thế giới. Nghiên cứu từ Kaspersky Lab và B2B International cho thấy, trên toàn cầu, số lượng người già truy cập internet đang tăng khá nhanh. 84% người dùng ở tuổi 55 trở lên thường truy cập internet tại nhà nhiều lần trong ngày và 44% dành ít nhất 20 tiếng mỗi tuần cho internet. Tại Anh, tỉ lệ người từ 65-74 tuổi sử dụng internet đã tăng từ 52% vào năm 2011 lên 80% vào năm 2018.
Bà Tân Vlog khoe món ăn khổng lồ. |
Với YouTube, lượng người dùng trên 55 tuổi đã tăng tới 75% mỗi tháng trong năm 2018, từ đó nội dung dành cho độ tuổi này cũng tăng theo. Sự nhiệt tình của người lớn tuổi trong việc kết nối internet mang đến thế giới ảo rất nhiều bất ngờ. Những cụ ông, cụ bà làm cư dân mạng “dậy sóng” thời gian qua, như trường hợp ở Việt Nam là bà Tân Vlog khoe các món ăn khổng lồ, cụ bà Mastanamma 106 tuổi người Ấn Độ hướng dẫn nấu các món Ấn truyền thống trên YouTube ngày càng nhiều hơn.
Kéo theo đó, những “nút vàng”, “nút bạc”, danh hiệu cho những kênh nội dung thu hút lượng người xem lớn, không còn dành riêng cho các kênh nội dung được đầu tư bài bản hay kênh riêng của các ngôi sao trong làng giải trí.
Người già chia sẻ tin tức giả trên Facebook gấp gần 7 lần so với người trẻ. |
Ngoài việc kết nối, nắm bắt thông tin, người lớn tuổi khó lòng để hiểu được mặt trái của mạng xã hội. Việc quá chăm chú vào những lời bình luận trên mạng xã hội khiến tâm trạng của họ buồn vui bất chợt, gia đình từ đó cũng xảy ra những xích mích không đáng có. Chưa kể, việc liên tục đọc được những thông tin tiêu cực còn khiến họ bi quan, có cái nhìn lệch lạc với xã hội.
Đáng ngại hơn là lừa đảo qua mạng. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science, những người lớn tuổi có khả năng chia sẻ tin tức giả trên Facebook gấp gần 7 lần so với thế hệ trẻ. Nghiên cứu của Kaspersky cho thấy, 86% người già kết nối internet không nghĩ mình là mục tiêu của tội phạm công nghệ cao, và không có khả năng tự bảo vệ mình. Ngoài ra, trí nhớ suy giảm theo tuổi tác có thể làm suy yếu khả năng chống lại ảo tưởng về sự thật.
Họ cần sự kết nối gia đình, thay vì kết nối trên mạng xã hội
Con cái cần làm cho họ không cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, họ sẽ không phải tìm đến mạng xã hội, đó là giải pháp mang tính bền vững. |
Người lớn tuổi nhất là khi mới về hưu có nhiều thời gian hơn nên họ dễ bị chông chênh, hay hoài niệm về quá khứ, về vai trò xã hội của mình. Khi có mạng xã hội thì nhu cầu này được bày tỏ dễ dàng hơn.
"Ở tuổi này, họ thường xuyên đăng tải những điều không được tích cực về mặt cảm xúc là dễ hiểu. Song song bên cạnh đó thì như một quy luật tâm lý, người lớn tuổi vẫn tìm cách kháng cự với những cảm xúc tiêu cực tuổi già. Thế nên họ thường xuyên đăng ảnh để chứng tỏ cuộc sống của mình vẫn rất ổn, rất vui nhưng với hàm lượng quá nhiều, không kiểm soát được nên thành ra sống ảo.
Con cái cần làm cho họ không cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, họ sẽ không phải tìm đến mạng xã hội, đó là giải pháp mang tính bền vững. Đó cũng là cơ hội để người trẻ giúp đỡ người già về mặt công nghệ, giúp họ lọc thông tin, cái nào nên share, cái nào nên like, giúp họ bình tâm trước những thông tin nhiễu loạn. Vai trò giúp đỡ của người trẻ chỉ diễn ra hiệu quả khi sự kết nối là thực sự, nếp nhà là nhà thật sự" - ThS tâm lý TÔ NHI A chia sẻ.
Các chương trình đào tạo là cần thiết
Các chương trình đào tạo là cần thiết để bảo vệ người già được an toàn trên Internet. |
Để đảm bảo người già được an toàn trên môi trường Internet, cũng như tránh các nạn lừa đảo xảy ra do sự thiếu hiểu biết về công nghệ, các chương trình đào tạo là cần thiết. Những chương trình này sẽ hướng dẫn, chuẩn bị tâm lí và những cảnh báo cần thiết trước khi để người già gia nhập thế giới ảo.
Chúng có thể giúp người lớn tuổi trải nghiệm tốt hơn chất lượng cuộc sống, và quan trọng nhất là giúp họ tái hòa nhập lại với thế giới mà họ đã từng góp công xây dựng nên.
Bạo lực gia đình, vì sao phụ nữ cứ mãi cam chịu?
Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội. Bạo lực gia đình bao gồm bạo hành thể xác, tinh thần, tình dục.