Người mắc bệnh gout cần tránh những thực phẩm nào?

Thịt đỏ, hải sản, rượu bia là những loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh gout.

Khi bị bệnh gout (gút), người bệnh cần giảm được lượng acid uric và tăng cường đào thải acid uric qua thận. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ điều trị bệnh gout cấp tính, mạn tính và giúp làm giảm cơn đau hiệu quả.

Thịt đỏ: Là loại thực phẩm giàu protein. Nếu ăn quá nhiều, lượng protein dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo dưới da, đồng thời sản sinh ra các axit uric.

Bạn không phải kiêng thịt đỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên bạn nên tránh ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, ngựa, dê.

a.jpg
Nội tạng động vật gây hại sức khỏe. 

 Nội tạng động vật: Theo Mayo Clinic, các loại nội tạng động vật như gan, thận..., có chứa lượng purin cao, làm tăng mức độ viêm và nồng độ axit uric trong máu. Những thực phẩm có hàm lượng purin cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh gout. 

Hải sản: Những loại động vật có vỏ như tôm, sò điệp, trai..., cũng chứa hàm lượng purin cao hơn nhiều thực phẩm khác. Hợp chất này sẽ làm sản sinh ra các tinh thể axit uric, ứ đọng trong mô mềm và khớp. Ngoài ra, người bị bệnh gout cũng cần tránh những loại cá như cá cơm, cá mòi, cá thu, cá trích... 

Rượu bia: Bia và rượu chưng cất có thể gây mắc và tái phát bệnh gout, vì làm tăng mức độ axit uric trong cơ thể. Chúng cũng khiến người bệnh khó xử lý và đào thải axit uric ra khỏi cơ thể hiệu quả. 

thuc_pham_khong_tot_cho_nguoi_benh_gout_6-16333221.jpg
Măng tây cũng là thực phẩm không tốt người bị gout. 

Đồ uống có đường: Theo Webmd, nếu bị bệnh gout, bạn cần tránh đồ uống chứa chất ngọt nhân tạo như soda hoặc nước trái cây. Chất ngọt trong những loại đồ uống này có thể khiến bạn tăng cân, đồng thời, kích thích cơ thể sản xuất ra axit uric nhiều hơn. Nghiên cứu cho thấy nam giới tiêu thụ nhiều đường fructose sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh gout hơn.

Rau giàu purin: Một số loại rau chứa hàm lượng purin cao như măng tây, rau bina, súp lơ và nấm. Tuy nhiên, rau chứa lượng purin thấp hơn thịt, cơ thể chuyển hóa và bài tiết purin từ rau hiệu quả hơn. Bạn có thể thêm những loại rau này vào chế độ ăn uống, miễn là không ăn chúng hàng ngày.

Cà phê: Đồ uống chứa caffeine là thứ tuyệt đối không được cho người bệnh gout sử dụng. Caffeine là chất lợi tiểu khá mạnh, nghĩa là nó đẩy nước ra khỏi cơ thể. Điều này không tốt cho người bệnh gout. Khi cơ thể mất nhiều nước, axit uric sẽ tích tụ ở các khớp xương, gây đau dữ dội, khó chịu.

Người bị bệnh gout nên ăn ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả. Chỉ nên ăn từ 2-3 lần/tuần đối với các loại thức ăn chứa nhiều acid uric như: thịt, cá, hải sản, thịt gia cầm,..

Người bệnh cần duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý. Trong thực đơn cần tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả không chua, uống đủ nước hàng ngày từ 2 - 2,5 lít/ngày.

HẢI MY