Người mẹ khuyết tật một mình nuôi con, dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ

Nguyễn Thị Thơm sinh năm 1987, tại xã Đa Phúc, Hà Nội. Sinh ra là một em bé khỏe mạnh, lành lặn cho đến khi lên hai tháng tuổi, một cơn sốt nặng đã khiến cả gia đình hoảng loạn. Bế con đi khắp nơi, từ trạm xá làng đến bệnh viện trên thành phố, nhưng tất cả đều chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Đôi chân của Thơm không thể cứu chữa.
Người mẹ khuyết tật một mình nuôi con, dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ

Với đôi chân không lành lặn, Thơm phải làm quen với những bước đi chậm chạp, xiêu vẹo. Song, sự khác biệt này chưa bao giờ khiến cô nản lòng. Khao khát được đến trường mãnh liệt đã giúp Thơm thuyết phục mẹ, người từng lo sợ con mình sẽ thiệt thòi so với bạn bè, cho cô bắt đầu hành trình tìm con chữ đầy nghị lực.

Tuổi thơ của Thơm lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha mẹ. Thế nhưng, bi kịch ập đến khi Thơm 7 tuổi, cha cô qua đời vì bạo bệnh. Ba năm sau, mẹ cũng rời xa chị mãi mãi. Trong khoảnh khắc đó, mọi điểm tựa dường như sụp đổ.

Dẫu vậy, Thơm không gục ngã. Với ý chí bền bỉ và niềm tin vào chính mình, Thơm tiếp tục đến trường cho đến hết lớp 9. Sau đó, chị tìm đến nghề may, một lựa chọn tưởng chừng khó khăn với đôi tay yếu và cơ thể khuyết tật, nhưng chính nghề này đã mở ra cho Thơm một con đường sống đầy ý nghĩa.

Tiệm may nhỏ dệt nên yêu thương

Trong căn phòng nhỏ nơi góc thôn Xuân Lai, tiếng máy may đều đặn vang lên mỗi ngày. Với chị Thơm, đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là cách chị kết nối yêu thương. Chị vừa kiếm sống bằng nghề may vá tại nhà, vừa nhận sửa quần áo miễn phí cho những người khó khăn hơn. Không dừng lại ở đó, chị còn truyền nghề cho những người cùng cảnh ngộ.

Điển hình là cô Nguyễn Thị Lập, một phụ nữ khuyết tật lớn tuổi cùng xã. Cả đời cô Lập gắn bó với ruộng đồng, nhưng nhờ sự kiên nhẫn hướng dẫn của chị Thơm, cô đã học được nghề may và có thêm một công việc ổn định để trang trải cuộc sống.

Người mẹ khuyết tật một mình nuôi con, dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ

Ngôi nhà nhỏ của chị Thơm giờ đây còn là nơi gặp gỡ thường xuyên của các chị em khuyết tật trong xã. Họ tìm đến không chỉ để học nghề, làm việc mà còn để sẻ chia, động viên nhau trong cuộc sống.

Bên cạnh công việc, chị Thơm còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Từ việc quyên góp, kêu gọi ủng hộ người khuyết tật lúc đau ốm, đến những cuộc thăm hỏi, sẻ chia đầy ấm áp giữa những con người từng một lần "hụt chân" giữa dòng đời. Với chị Thơm, giúp được một người cũng là cách giúp chính mình. Chị hiểu rõ cảm giác cần một bàn tay chìa ra đúng lúc để không gục ngã.

Điểm tựa cuộc sống

Dù cuộc sống không hề dễ dàng, chị Nguyễn Thị Thơm vẫn lựa chọn làm mẹ đơn thân. Con gái lớn của Thơm, em Nguyễn Thị Hương, năm nay học lớp 10. Xuất hiện tại trường quay chương trình "Trạm Yêu Thương", Hương đã khiến nhiều người xúc động khi chia sẻ về mẹ: "Có những lần bị người khác trêu chọc về mẹ, con cũng buồn nhưng con rất tự hào về mẹ. Con rất thương mẹ vì mẹ đã sinh ra con vất vả và nuôi con khôn lớn."

Người mẹ khuyết tật một mình nuôi con, dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ

Nói về ước mơ của mình, Hương mong muốn sẽ đỗ đại học để sau này chăm sóc mẹ thật tốt. Nghe những lời chân thành ấy, chị Thơm không giấu nổi ánh mắt rưng rưng xúc động.

Chương trình "Trạm Yêu Thương" số phát sóng "Dệt nên yêu thương" sẽ đưa khán giả đến gần hơn với hành trình sống giàu nghị lực và nhân ái của chị Nguyễn Thị Thơm người phụ nữ khuyết tật đã âm thầm "may lại" hy vọng cho bản thân và những mảnh đời yếu thế bằng đôi tay không trọn vẹn, nhưng trái tim thì luôn đầy ắp yêu thương.

Hoàng Toàn

Người lái đò thầm lặng cho trẻ em khuyết tật ở Giao Thủy

Người lái đò thầm lặng cho trẻ em khuyết tật ở Giao Thủy

Trường Trẻ em Khuyết tật huyện Giao Thủy là nơi những cô giáo thầm lặng chắp cánh tri thức, yêu thương và hy vọng, giúp trẻ khuyết tật vững bước hòa nhập cộng đồng.