Nhật ký nơi tuyến đầu chống Covid-19

Bác sĩ Đặng Văn Trí, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện C, ghi lại diễn biến một tuần bệnh viện bị phong tỏa do xuất hiện nCoV.

Dưới đây là một phần nhật ký của bác sĩ Trí.

20h25, ngày 26/7, ngày thứ ba phong tỏa

Ngày đầu, mọi việc tưởng như vỡ òa khi nghe hung tin. Ai nấy bần thần, cái cảm giác bần thần trong lo âu của một đại gia đình lớn. Việc đầu tiên chúng tôi phải đối mặt đó là lượng lương thực thực phẩm cho mỗi ngày và cho cả 14 ngày. Đó là một con số khủng. Sau đó, chúng tôi tập trung tái thiết khu vực trọng điểm cho bệnh nhân Covid-19 và phải vừa lo lắng hậu cần cho cả đội quân khổng lồ.

Ngày thứ hai, nhân viên y tế đã lấy lại tự tin, nhanh chóng kiểm soát chuyên môn, triển khai đồng loạt thể chế, quy trình, tái phân bố nhân lực, tổ chức lại cấu trúc cho phù hợp với điều kiện mới bởi khu cách ly F1 đang nằm ngay giữa toà nhà. Y bác sĩ chia nhau chuẩn bị hậu cần, dinh dưỡng, tự tay tạo ra những bữa cơm nóng hổi, trong khi hàng ngày họ chỉ khám bệnh, phát thuốc, mổ xẻ. Tất cả gắn bó với nhau như một đại gia đình, kết nối hơn trong bốn vách tường rào.

Ngày hôm nay đã là ngày thứ ba, và cũng như dự đoán, tình hình sẽ còn phức tạp khi có thêm một bệnh viện thực hiện phong tỏa. Thật chia sẻ với các đồng nghiệp.

1h26, 28/7, ngày thứ tư phong tỏa

Vậy là thời khắc 0h ngày 28/7 đã đi vào lịch sử Đà Nẵng khi lần đầu tiên phong tỏa cùng lúc ba bệnh viện lớn. Ai cũng hỏi, chúng tôi sống như thế nào phía bên trong bốn tường rào cách ly?

Bốn ngày trước, chúng tôi nhận được ba chìa khóa cổng. Khi cả ba cánh cửa của bệnh viện đều đóng lại, tất cả đều chạnh lòng dù biết tình huống này chỉ là tạm thời, dẫu biết tình cảm của cộng đồng vẫn dành thật nhiều cho chúng tôi nhưng vẫn lưu luyến. Những ngày tới đây, mẹ sẽ xa con, vợ xa chồng, những tình cảm ruột rà máu mủ sẽ tạm ngưng đọng lại, mang theo cái nhớ da diết khó tả. Chúng tôi sẽ bước vào "cuộc sống 4 mới" để hoàn thành thiên chức thiêng liêng của các thầy thuốc là đánh thắng Covid-19.

  Bệnh viện C Đà Nẵng bị phong tỏa từ ngày 24/7 để chống Covid-19. Ảnh: Đắc Thành.

Bệnh viện C Đà Nẵng bị phong tỏa từ ngày 24/7 để chống Covid-19. Ảnh: Đắc Thành.

Đầu tiên là cách sống và làm việc mới. Tất cả làm việc gần như 24/24, liên tục để sắp đặt và tái thiết môi trường làm việc, khắc nghiệt hơn, đôi lúc cảm thấy mất nhịp sinh học và thoáng quên mất thứ, ngày. Cuối tuần vừa rồi, nếu bình thường mọi người dành cho gia đình, thì giờ hầu như chẳng ai để ý.

Chúng tôi lao vào công việc, ăn những bữa cơm quá giờ giấc chỉ trong vài phút đồng hồ. Ngày thường khoảng 11h30 là nghỉ ăn trưa, các anh em thường ngồi với nhau để trao đổi chuyên môn, nói chuyện phiếm. Trong ngày chống dịch, y bác sĩ thường qua 12h30 đến 13h mới ăn, cũng rất vội vàng. Ai khẩn trương bố trí được thời gian thì ăn trước để bắt tay lại vào việc. Những ngày đầu công việc tăng gấp 3-4 lần nhưng lượng cán bộ y tế chỉ có 50%, 50% lực lượng còn lại phải bảo toàn ở nhà.

Y bác sĩ bắt đầu có sự quan tâm và chia sẻ mới, gắn kết hơn. Bữa ăn quá giờ vẫn gọi chờ nhau, kỹ thuật chuyên môn khó vẫn quyết cùng hoàn thành, bệnh nhân diễn biến nặng lại cùng hội chẩn để giải quyết. Vẫn những tiếng gọi nhau "í ới" đó nhưng chân thành, sâu lắng. Tình đồng đội đồng môn gắn bó chúng tôi lại. Rồi chúng tôi lao đầu vào khám chữa bệnh trong điều kiện nghiêm ngặt hơn, đồng thời chống dịch Covid-19 ngay trong lòng bệnh viện và đảm bảo sinh hoạt, cung cấp ăn uống và các nhu yếu phẩm cho hơn 1.000 người. Chúng tôi cùng nhau hoàn thành hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác để mỗi công việc đều góp phần ngăn chặn sự lây lan và nhiễm chéo của nCoV, tiến tới dập dịch hoàn toàn.

Liệu nhân viên y tế sẽ trụ được bao lâu khi công việc chính chỉ là "nhìn - sờ - gõ - nghe" để chẩn đoán và điều trị bệnh? Giờ đây, chúng tôi phải biết tính toán phải cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao... để nuôi sống bác sĩ, điều dưỡng và các bệnh nhân khỏe mạnh. Y bác sĩ lần đầu có kinh nghiệm sống và làm việc trong khi bị phong tỏa, xoay xở để không mắc bệnh.

Bệnh viện đã có lương thực rồi, phải học cách chế biến bệnh nhân có chế độ ăn bệnh lý và đúng giờ, ví dụ người bệnh tim mạch phải bớt tí muối, bớt tí mỡ nhưng bớt ít là bao nhiêu, bởi hàng ngày bác sĩ, điều dưỡng chỉ tiếp xúc với bơm tiêm, kim tiêm và kéo, mấy ai tay dao tay thớt bao giờ. Có những y bác sĩ "nước mắt ngắn nước mắt dài" khi... cắt giả hành tại khu chế biến.

Tới hôm nay, chúng tôi dự trữ đủ lượng thực phẩm để sống đến một tháng, đầy đủ cơm ăn áo mặc với chừng 4 tấn gạo và một tấn đầy đủ rau, cá, thịt, tôm đông lạnh.

Các thầy thuốc đâu chỉ có biết "em Cô Vy" xinh đẹp nhưng nguy hiểm. Họ còn biết kỹ năng sinh tồn do "em Cô Vy" tạo ra!

Nhóm bác sĩ cũng học được công nghệ mới. Khi chưa cách ly y tế, chúng tôi giao ban chuyên môn hàng ngày bằng cách cùng ngồi quanh một bàn, trao đổi về những bệnh nhân trong đêm trực. Còn giờ đây, chúng tôi tiếp cận với các phần mềm họp trực tuyến như Meeting Zoom, Google Meeting... Mọi người nỗ lực hiểu biết nhiều nhất, chắc chắn nhất về tình hình bệnh nhân.

Chưa dừng lại ở đó, bệnh viện sử dụng công nghệ mới về camera để kề vai sát cánh với bệnh nhân, chống Covid-19 tại khu vực cách ly đặc biệt rất hạn chế vào, ra vì nguy cơ lây nhiễm rất cao cho thầy thuốc và lây chéo cho người khác.

Chỉ bấy nhiêu thôi, đã bốn ngày trôi qua, nhân viên y tế và những bệnh nhân vẫn sống tốt và sống khỏe. Tuổi thọ của "Cô Vy" chắc chắn sẽ rất ngắn ngủi khi tất cả chúng tôi đều quen dần với "cuộc sống 4 mới". Một ngày không xa, đội quân nCoV sẽ "thất trận"!

2h08, ngày 1/8, hết một tuần cách ly

Nơi tuyến đầu, chúng tôi luôn được sống và làm việc trong sự sẻ chia, đùm bọc của cả cộng đồng. Một cụ bà đã 81 tuổi đem theo hai bao gạo ủng hộ các bác sĩ ăn đỡ đói để chống dịch. Những lời động viên chân tình "Cố lên nghe mi", hay những tin nhắn vội vàng "Ở trong nớ cần bất cứ thứ chi thì mi cứ nhắn". Cứ thế và cứ thế, cuồn cuộn lên những dòng người và xe hối hả vận động chi viện cho bệnh viện. Mỗi ngày, hàng chục tấn hàng nhu yếu phẩm, thuốc men, phương tiện bảo hộ chống dịch được chuyển về. Tình người trong khó khăn kể làm sao xiết.

Còn chúng tôi quen dần với mỗi sớm mai thức giấc đều nghe tin các con số tăng lên, có sẵn phương án để phản ứng, không còn thấp thỏm lo âu như ngày đầu. Về cơ bản, bệnh viện đã khoanh vùng, "cách ly trong cách ly", kiểm soát chặt chẽ từng khu vực, hạn chế và tuyệt đối việc di chuyển giữa các phân khu, triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chống lây chéo trong bệnh viện.

Bệnh viện đã có khu cách ly đặc biệt an toàn cấp độ 4 với đồng bộ trang thiết bị y tế và phương tiện sinh hoạt của người dương tính. Ví dụ, tòa nhà 3 tầng với 42 phòng, trong đó tầng 2 với cơ số 20 giường cho người dương tính, các phân khu cho người chờ ra viện và khu vực cho cán bộ y tế.

Rồi cũng quen dần nghe tiếng xe cáng ron reng thường ngày vẫn đưa bệnh nhân đi từ tờ mờ sáng. Xe này bây giờ có thêm chức năng đưa các suất ăn đến tận giường cho người bệnh vào sáng, trưa, tối. Trên 20.000 suất ăn, hơn 10.000 lít nước đóng chai và hàng tấn hàng nhu yếu phẩm được vận chuyển đến cho người bệnh và người cách ly chỉ trong một tuần, do y bác sĩ mặc đồ phòng hộ đích thân xử lý giữa tiết trời hè thường xuyên quanh 40 độ.

Một tuần qua cũng "khứ hồi" trên 15 tấn rác thải, tất cả phải xử lý như chất thải nguy hiểm độc hại, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ trước. Công việc nặng nhọc nay càng nhọc nhằn hơn. Nhưng rồi, không một tiếng than vãn, thở dài, dù rằng tối về "răng cái lưng ta hắn ê dữ". Thương cảm vô cùng!

Các bệnh nhân dương tính đã ổn định, tất cả hết sốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường, tâm lý rất ổn định và đặt trọn niềm tin vào thầy thuốc. Đã qua tuần đầu tiên, bệnh viện chưa xuất hiện thêm ca nhiễm mới, hy vọng đã bắt đầu!

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, trong đó có bao nhiêu là "câu chuyện cách ly". Có nam bác sĩ đã mừng rưng nước mắt khi ở trong khu cách ly sáng nay hay tin vợ ở quê đã sinh con trai, mẹ tròn con vuông; có những tiếng vỡ oà khi con gái rượu đã đỗ vào trường chuyên; con thơ ở nhà thiếu sữa mẹ bởi việc cách ly xảy ra quá đột ngột, mẹ cương sữa quá đau còn con thiếu vắng mẹ.

Các cung bậc cảm xúc cứ thế ngày nối ngày. Ngày đầu tiên, mấy ai nghĩ sẽ kiểm soát được tình hình, nhưng đến hôm nay hy vọng đã dần thành sự thật.

Đã thấm mệt, nhưng vẫn còn tiếp tục cho đến ngày cuối cùng. Giờ đây, cái sợ sệt lui dần, biết cách làm cách nghỉ hợp lý hơn để trường kỳ kháng chiến với "giặc Covid". Chúng tôi vững vàng hơn, sẵn sàng để vượt qua giới hạn lớn hơn. Dù biết phía trước vẫn còn nhiều trở ngại, chúng tôi vẫn sẽ đồng hành cùng các bệnh nhân thân thương của bệnh viện, sẽ chiến đấu và chiến thắng đại dịch lần này!

Chi Lê (ghi)

theo VnExpress

Lịch chiếu phim Hà Nội ngày 2/8 đầy đủ nhất

Lịch chiếu phim Hà Nội ngày 2/8 đầy đủ nhất

Trân trọng gởi đến bạn đọc lịch chiếu phim tại Hà Nội ngày 2/8 ở tất cả các rạp.