Nhiều phụ huynh Hà Nội đang "khóc ròng" vì thương con, chỉ vài câu chữ mà chứa cả bầu trời tâm trạng của bậc làm cha mẹ

Bạn nghĩ sao về trường hợp này?

Năm nay, mỗi sĩ tử 2k9 Hà Nội được đăng ký 3 nguyện vọng tương ứng với 3 trường THPT trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nguyện vọng 1 chắc chắn là nguyện vọng mà phụ huynh và học sinh yêu thích nhất và đây cũng là nguyện vọng có điểm chuẩn cao nhất so với 2 cơ hội còn lại. Và để chắc suất trúng tuyển vào các trường THPT công lập, nhiều sĩ tử chọn các nguyện vọng 2, 3 có điểm chuẩn thấp hơn so với nguyện vọng đầu tiên, thậm chí nhiều em còn chấp nhận đánh đổi đăng ký vào trường ở ngoại thành cách xa nơi mình sinh sống để tăng cơ hội đỗ.

Cũng chính vì điều đó, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn, nhiều em vì trượt trường mà bản thân yêu thích, nên phải xác nhận nhập học tại những trường ở nguyện vọng 2, 3 xa trung tâm. Với những phụ huynh có con đỗ vào những trường ở ngoại thành, hiện tại họ không khỏi lo lắng việc đi lại hằng ngày của con sẽ như thế nào.

Mới đây, trong một hội nhóm tuyển sinh, một phụ huynh đã để lại tâm sự của mình về vấn đề này: "Mặc dù đã nộp hồ sơ cho con vào trường công. Tuy nhiên, nỗi lòng trĩu nặng với bao âu lo phía trước, liệu con và bố mẹ có chịu nổi không khi hằng ngày đi đi về về từ nhà tới trường 30km với 4 lượt buýt khứ hồi, mỗi lượt không tắc đường 1 tiếng".

Nhiều phụ huynh Hà Nội đang

Tâm sự của vị phụ huynh này chắc hẳn cũng là nỗi lòng của không ít ông bố bà mẹ khác đang gặp phải tình cảnh tương tự.

"Bây giờ lòng mẹ vẫn còn 'nặng trĩu' vì làm sao truyền động lực cho con được. Các con giờ học hành vất vả thật, mẹ cố gắng cùng con vậy chứ biết sao bây giờ", phụ huynh có nickname J.N nói.

"Con mình cũng từng rơi vào trường hợp tương tự. Quả thực con vất vả lắm nhưng sau khi cân nhắc, thấy kinh tế gia đình không quá khá giả nên mình tiếp tục động viên con học tập. Ngày thường không sao, nhiều hôm nắng mưa thất thường thì quả thực thương con đến phát khóc", người dùng T.B.N chia sẻ.

Phụ huynh L.A.N cũng để lại lời động viên: "Quả thực lo đấy mẹ ạ. Đi đi lại lại như vậy cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần học của con, lúc học dồn căng thẳng dễ mệt mỏi lắm, đành động viên con và để ý sức khỏe những lúc căng thẳng vậy".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài ra, nhiều phụ huynh vì quá thương con phải đi xa đến trường nên đã quyết bỏ trường công, để đăng ký cho con vào trường tư.

"Vì xa quá em buộc bỏ công cho con học tư", phụ huynh H.T bồi hồi chia sẻ.

Đồng quan điểm, phụ huynh A.L bày tỏ: "Mình nghĩ nếu có trường dân lập gần, chi phí không quá cao thì thà chọn gần còn hơn. Con mình đỗ nguyện vọng 2 trường công, cách nhà ông bà nội 5km, nhưng cách nhà mình tận 25km. Vậy nên, mình đã quyết định cho học dân lập, mình vất vả tí nhưng quản lý được con và con đi học không vất vả. Đến vào đại học, con cũng cố chọn trường gần nhà. Nhiều trẻ không ý chí có khả năng khéo tinh thần học tập của con xuống. Không gì bằng việc giữ sức khỏe và theo con thật sát để dạy dỗ và uốn nắn con kịp thời".

"Con từng học cách nhà 22km. Học được nửa kì bố mẹ phải cho nghỉ trường chuyên về học trường công cách nhà 6km. Ngày thường không sao, mưa gió, trời rét là khá vất vả", học sinh T.T.T kể lại.

Bạn nghĩ sao về trường hợp này?

Đông