Sau cơn lũ lịch sử, rất nhiều nơi rơi vào tình cảnh rường lớp ngập bùn, tường sập, sách vở bị cuốn trôi...
Cô giáo Đỗ Thị Cẩm Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai 2 (xã Quảng Phú, H.Quảng Điền), cho biết: “Những gì tận dụng được chúng tôi đều đã sửa sang lại. Chiếu cũng vừa mua lại một ít để phục vụ cho trẻ em có thể đến trường trong ngày thứ hai này. Nhưng có những thứ quả thực quá sức với trường”.
Trường mầm non Sao Mai 2 trước đó đã bị bão số 5 thôi bay hệ thống mái che, nhà chòi ngoài trời cho trẻ. Chưa kịp khắc phục thì lại tiếp tục hứng chịu thêm các cơn bão mới trong 2 tuần.
Ở Trường mầm non Phong Bình 2, xã Phong Bình (H. Phong Điền), các giáo viên đang bận rộn với việc dọn dẹp sau lũ. Dù nay đã là thứ 2 nhưng các em vẫn chưa thể đến lớp vì chưa dội bùn kịp. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Linh chia sẻ: “Do trường thấp hơn mặt đường nên phải dùng xe rùa và các phương tiện thủ công để dọn. Chúng tôi đã huy động tổng lực, dọn suốt mấy ngày nay nhưng cũng mới tàm tạm”.
Trường lớp tại Quảng Trị tan hoang sau lũ. ẢNH: THANH LỘC |
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết con đường đến trường của thầy trò còn vô cùng gian nan. Bởi nước rút, giáo viên phải băng trên từng “núi rác” để vào trường. Chưa kể là hàng loạt thiết bị, bàn ghế, sách vở của học sinh bị hỏng. Hiện trường đang cố gắng dọn bùn rác và tìm sách vở, tài liệu nhưng đồ dùng có thể sửa chữa được. "Chúng tôi thiếu máy nổ để bơm nước, thiếu xe xúc ủi để đẩy rác…”, cô giáo Kim Oanh nói.
Cô Oanh cho biết thêm: “Ở vùng trũng nên nhà các thầy cô cũng ngập sâu, máy tính, giáo án, tài sản và đồ dùng bị trôi và hư hỏng”. Các em đang thiếu sách vở, áo quần, cặp sách, giày dép, thậm chí phương tiện đi lại cũng hỏng nhưng vì các tiệm sửa xe đang quá tải nên không nhận sửa xe máy điện và xe đạp.
Theo Thanh Niên, trường An Xá, thuộc Trường mầm non Lộc Thủy (xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy) hiện nước còn chưa rút hết. Hai dãy tường rào bị vỡ vụn, đổ sập, 2 phòng học bị sập tường, toàn bộ đồ chơi bị ngập bùn.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, xác nhận sáng nay (26.10) vẫn còn khoảng 20% số trường phải tiếp tục dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả mưa lũ, chưa thể đón học sinh trở lại trường.
Ông Tân nói: “Sở chỉ đạo trường nào dọn lũ, vệ sinh, khắc phục xong có thể an toàn thì đón học sinh trở lại, tránh để học sinh nghỉ dài ngày. Nhưng chưa khắc phục xong, chưa an toàn thì chưa đón học sinh”.
Theo hống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh cho thấy, riêng tiền sách vở của học sinh tạm tính tổng thiệt hại khoảng trên 10 tỉ đồng; đồ dùng dạy học, thiết bị mầm non, bàn ghế, sách vở, trường học tốc mái, hư hỏng hàng rào... và các hạng mục khác của ngành giáo dục thiệt hại ước tính 24,8 tỉ đồng.
Tại Quảng Trị, nhiều trường đã tiến hành dọn dẹp để đón học sinh đi học lại. Tuy nhiên, ông Võ Văn Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, đối với một số trường ở vùng cô lập như Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh (H.Hướng Hóa) vẫn chưa có phương án cụ thể. Không chỉ vậy ngành giáo dục Quảng Trị cũng đang rất cần các nguồn hỗ trợ như dung dịch diệt khuẩn, xà phòng, sạp nằm bán trú, máy phát điện, bồn trữ nước, bàn ghế học sinh, máy vi tính, sách vở...
Quảng Trị ước tính ngành giáo dục thiệt hại gần 60 tỉ đồng, trong đó có 308 trường/điểm trường bị ảnh hưởng với gần 3.000 phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh bị hư hại hoặc ngập nước.
Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT H.Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết chỉ có một số trường dạy học trở lại từ hôm nay (26.10), rất nhiều trường khác còn phải lo tổng vệ sinh và rà soát kỹ mức độ an toàn. Ông Nguyễn Văn Thông, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết ước tính ban đầu ngành giáo dục thiệt hại 180 tỉ đồng do nhà cửa của giáo viên, học sinh vùng lũ bị ngập sâu nên sách vở, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập hư hỏng nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ TT&MT: "Không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ"
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng lũ lụt đang diễn ra tại miền Trung có nguyên nhân do biến đổi khí hậu cực đoan.