Những bà mẹ vô địch

Chứng kiến nữ kiếm thủ trao chiếc huy chương vàng cho con trai, có lẽ chính nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao này đã tiếp thêm sức mạnh cho cô.

Đoàn Thể thao Việt Nam đã kết thúc kỳ SEA Games 31 thành công với kỷ lục về số lượng huy chương vàng giành được. Trong số đó, không thể không nhắc tới sự trở lại ngoạn mục của các vận động viên nữ. Những người đã mang vinh quang về cho Tổ quốc, sau thời gian dài nghỉ thi đấu để hoàn thành thiên chức của mình.

Từ “nữ hoàng” điền kinh...

Sau khi giành chiến thắng ở nội dung chạy tiếp sức nữ 4x400m, khán giả có mặt tại sân vận động Mỹ Đình chắc hẳn sẽ ngạc nhiên với hình ảnh bốn vận động viên nắm tay bé gái chạy quanh sân ăn mừng. Nhân vật đặc biệt xuất hiện trong màn ăn mừng đáng nhớ này chính là bé Cún - con gái nhà vô địch Nguyễn Thị Huyền.

“Hơn một tháng trời trước khi diễn ra SEA Games 31, em đã phải xa nhà để tập trung cho công việc luyện tập và thi đấu. Đến hôm nay, do quá nhớ con rồi, nên em đã nhắn chồng đưa cháu lên đây để hai mẹ con được gặp mặt”. Đó là những lời bộc bạch của Huyền, với người con gái vẫn đang ôm chặt lấy cổ mẹ.

Nguyễn Thị Huyền nắm tay con gái, ăn mừng chiếc huy chương vàng cùng đồng đội (Ảnh: internet)
Nguyễn Thị Huyền nắm tay con gái, ăn mừng chiếc huy chương vàng cùng đồng đội (Ảnh: internet)

Sau kỳ SEA Games năm 2017, chân chạy quê Nam Định đã nghỉ thi đấu để kết hôn rồi sinh con. Những tưởng, sự nghiệp thể thao đỉnh cao của cô sẽ khép lại. Trong lần theo dõi những người đồng đội trên tuyển thi đấu ASIAD tại Indonesia năm 2018, niềm đam mê thể thao đã thôi thúc vận động viên sinh năm 1993 quyết định trở lại.

Quyết tâm nghe theo tiếng gọi của bản thân, Huyền đã được tỉnh Nam Định tạo điều kiện tập luyện và không đặt nặng áp lực thành tích. Tuy nhiên, để chuyên tâm tập luyện một cách nghiêm túc, cô đã phải nỗ lực hy sinh thời gian bên con.

Huyền chia sẻ: “Sau khi sinh bé Cún năm tháng, do không thể vừa luyện tập, vừa giữ sữa nuôi con nên em đã dứt khoát cắt sữa sớm. Nhiều lúc, em nghĩ bản thân không thể vượt qua nổi. Sự mệt mỏi không thể diễn tả bằng lời và tưởng như cả thế giới đang đè vào mình. Nhưng một khi đã chọn đồng nghĩa phải nỗ lực hết sức. Bởi vậy, cứ mỗi lần nghĩ đến việc bỏ cuộc, em lại nhớ về thời điểm mình đã bắt đầu lại như thế nào, mình đã thiệt thòi ra sao”.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

May mắn, chồng của Huyền luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của cô. Để người vợ yên tâm cống hiến, ông xã Phạm Ngọc Quỳnh trở thành chỗ dựa vững chắc, đảm nhiệm toàn bộ việc chăm con. Ngay như đợt dịch vừa rồi, anh Quỳnh luôn phải đưa cháu theo lên trung tâm huấn luyện mỗi ngày. Tối về, ông bố lại tiếp tục cơm nước, tắm rửa cho con. Với việc phải thường xuyên xa nhà, hai vợ chồng cũng chỉ có thể gọi điện thăm hỏi và động viên nhau qua điện thoại.

“Cũng là người làm thể thao, tôi hiểu muốn trở lại thi đấu đỉnh cao phải tập trung 100% sức lực. Hơn thế nữa, việc tập luyện ngay sau khi sinh con rất vất vả. Bởi vậy, tôi cũng thường xuyên tâm sự và khuyên vợ cố gắng nỗ lực, còn mọi thứ cứ để tôi lo”, anh Phạm Ngọc Quỳnh, giảng viên khoa điền kinh của Trường đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) khẳng định.

Với sự tiếp sức từ gia đình, Nguyễn Thị Huyền ngay lập tức giành hai tấm huy chương vàng tại kỳ SEA Games 30 trên đất Philippines. Tiếp nối thành công ấy, tại kỳ Đại hội trên sân nhà, cô đã chiến thắng cự ly 400m, giúp Việt Nam lên ngôi ở phần thi tiếp sức 4x400m và chỉ xếp sau người đàn em Quách Thị Lan ở nội dung 400m chạy vượt rào. Cú đúp vàng trong năm nay đã đóng góp vào bộ sưu tập 10 tấm huy chương vàng của cô sau bốn lần tham dự SEA Games, giúp cô trở thành một trong những vận động viên điền kinh thành công nhất lịch sử Việt Nam.

Tới vận động viên đấu kiếm

Nếu như Nguyễn Thị Huyền là chân chạy vốn đã có nhiều thành công qua các kỳ SEA Games, Bùi Thị Thu Hà của Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam mới chỉ có được lần đầu giành huy chương vàng cá nhân tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31. Đã bảy năm rồi, chúng ta mới có vận động viên bước lên bục vinh quang ở nội dung này.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Giành chiến thắng nghẹt thở, Thu Hà đã gục ngã trên sàn đấu vì quá đỗi vui mừng. Khi ban huấn luyện chạy đến chia vui cùng nữ kiếm thủ, khoảnh khắc Thu Hà cởi mũ bảo vệ ra, tất cả đều xúc động khi chứng kiến những giọt nước mắt của chiến thắng và hạnh phúc. Đặc biệt hơn cả, cô mới chỉ tập luyện trở lại sau vỏn vẹn tám tháng nghỉ sinh con. Trái ngược với dáng vẻ oai phong, mạnh mẽ trong từng đường kiếm tấn công ở trận chung kết đơn nữ kiếm chém, hình ảnh người mẹ trẻ dịu dàng ôm lấy đứa con trai chắc chắn sẽ khiến mọi người phải trầm trồ.

“Lúc đầu khi mới quay lại em thấy mình rất yếu, không đủ thể lực và cả kỹ thuật vì nghỉ lâu quá. Đó là khoảng thời gian vất vả và khó khăn thật sự. Em đã cố gắng tập luyện mỗi ngày để cải thiện từng chút một. Bởi vậy, khi giành được tấm huy chương này, em cảm thấy rất vui”, Thu Hà chia sẻ sau chiến thắng.

Chạm trán các đối thủ được đánh giá đã mạnh hơn rất nhiều so với trước đây, lại thêm việc mới chỉ trở lại tập luyện thời gian ngắn sau khi sinh, chính Thu Hà cũng bất ngờ khi bản thân đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Chứng kiến hình ảnh nữ kiếm thủ vui mừng trao chiếc huy chương vàng cho con trai chín tháng tuổi, có lẽ chính nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao này đã tiếp thêm sức mạnh cho cô.

Bùi Thị Thu Hà và con trai chín tháng tuổi (Ảnh: internet).
Bùi Thị Thu Hà và con trai chín tháng tuổi (Ảnh: internet).

Ba ngày sau tấm huy chương vàng lịch sử, Bùi Thị Thu Hà tiếp tục cùng đồng đội Đỗ Thị Tâm, Phạm Thị Thu Hoài, Phùng Thị Khánh Linh chiến thắng các đối thủ đến từ Singapore ở trận chung kết đồng đội nữ kiếm chém. Với cú đúp vàng tại Đại hội lần này, Thu Hà đã có lần thứ ba liên tiếp vô địch nội dung đồng đội nữ kiếm chém tại các kỳ SEA Games. Cô cũng góp mặt vào danh sách những bà mẹ vô địch, nêu cao tấm gương phấn đấu không biết mệt mỏi vì vinh quang của Tổ quốc.

Kết thúc kỳ SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam có rất nhiều trường hợp vận động viên sau thời gian dài nghỉ thi đấu (để hoàn thành thiên chức làm mẹ) đã trở lại một cách ngoạn mục. Ngoài Nguyễn Thị Huyền và Bùi Thị Thu Hà, có thể kể đến những tấm huy chương bạc đầy tự hào của những “bà mẹ bỉm sữa” như Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Võ Thị Kim Phụng (cờ vua)...

Không chỉ cho thấy những giới hạn tuyệt vời họ có thể cải thiện từ sức mạnh, tốc độ hay thể lực, thành tích của họ là minh chứng cho niềm đam mê cháy bỏng và khát khao nỗ lực vượt qua khó khăn. Trên hết, sự tâm huyết và tình yêu nghề ấy chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tới các lứa thế hệ trẻ mai sau để mang về nấc phát triển mới cho sự nghiệp thể thao nước nhà.

Minh Đoàn

Chân dung hai cô gái tiêu biểu của SEA Games 31

Chân dung hai cô gái tiêu biểu của SEA Games 31

2 cô gái vàng có mặt trong danh sách VĐV tiêu biểu SEA Games 31 là Nguyễn Thị Oanh (Việt Nam) và Jing Wen Quah (Singapore).