Sẽ có hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, các sĩ tử hãy tham khảo các lưu ý sau để có thể phát huy và đạt được kết quả tốt nhất.
Nên đến làm thủ tục dự thi
Quy chế thi quy định rõ trách nhiệm của thí sinh, trước ngày diễn ra kỳ thi thí sinh có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định ghi trong giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi: xuất trình CMND hoặc CCCD và nhận thẻ dự thi. Tuy nhiên buổi làm thủ tục dự thi không phải bắt buộc nên nhiều thí sinh không đến.
Trên thực tế, buổi làm thủ tục dự thi này rất quan trọng bởi nếu có những sai sót về thông tin, các sĩ tử sẽ có thời gian để báo cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, đây còn là thời điểm cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi, giải đáp các thắc mắc của thí sinh. Việc đến trường thi trước ngày thi chính thức cũng giúp thí sinh làm quen trước với địa điểm thi, từ đó chủ động và tự tin hơn. Do vậy, thí sinh không nên bỏ qua buổi làm thủ tục dự thi này.
Đến chậm 15 phút không được làm bài thi
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định. Nếu thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
Các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT cho thí sinh mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Quy định ra khỏi phòng thi sau khi nộp bài
Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ban hành quy định thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm, không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài.
Khi hết giờ làm bài, thí sinh phải nộp Phiếu Trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi và ký tên vào hai Phiếu thu bài thi. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Nắm chắc lịch thi THPT 2023
Lưu ý làm bài đạt điểm cao ở các môn thi
Toán: ghi lại để nhớ lỗi từng lặp lại
Bài thi toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Học sinh cần nắm kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm để tránh bị mất điểm vì các lỗi kỹ thuật.
Các em làm trước các câu dễ làm hoặc các câu mình chắc chắn. Sau đó quay lại làm những câu khó hơn. Tránh sa đà vào một số câu khó, mất nhiều thời gian, đến khi hết giờ không làm được những câu dễ.
Ngữ văn: nhớ quy ước "bàn tay phải"
Với môn ngữ văn các em cần nắm kiến thức cơ bản về các bước viết đoạn văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học, dạng bài đọc hiểu. Các tác phẩm văn học trong chương trình nằm trong phạm vi ra đề thi đã được các thầy, cô ôn tập ở trường. Các em có thể hệ thống lại theo các phương pháp khác nhau
Các em có thể tham khảo quy ước "bàn tay phải". Bàn tay có năm ngón thì ta quy ước mỗi ngón ứng với một bước trong phần viết đoạn. Ngón cái là nêu vấn đề/hiện tượng đời sống. Ngón trỏ là giải thích vấn đề/hiện tượng được đề nêu ra. Ngón giữa là bàn luận vấn đề hoặc trình bày về tính phổ biến của hiện tượng trong đời sống.
Ngón áp út là lật lại vấn đề/phản đề đưa ra các mặt ngược lại với vấn đề được nêu ra hoặc chỉ ra nguyên nhân, ảnh hưởng của hiện tượng đời sống đến bản thân và giới trẻ nói chung. Ngón út là rút ra bài học, giá trị cần hướng tới.
Vật lý: cẩn thận với đơn vị
Đề thi môn lý những năm gần đây có số câu hỏi cơ bản và vận dụng thấp khá nhiều. Vì vậy, việc đầu tiên là các thí sinh cần cố gắng làm tốt những câu này. Lý do vì câu khó và câu dễ số điểm đều bằng nhau, thí sinh đừng quá sa đà vào những câu vận dụng cao.
Trong quá trình làm bài, các em cần đọc đầy đủ các đáp án, không nên đọc lướt một đáp án, thấy đúng mà chọn ngay có thể nhầm; cẩn thận với những câu trắc nghiệm dạng phủ định có chữ sai và không đúng.
Hóa học: tránh những sai sót đáng tiếc
Đề môn hóa thường rải khắp chương trình lớp 12, chỉ có một số ý nhỏ thuộc chương trình lớp 10, 11. Về cấu trúc thì các câu hỏi thường được sắp xếp từ dễ đến khó. Do đó, thí sinh nên tranh thủ thời gian làm các câu dễ trước. Thí sinh cần lấy trọn điểm của 30 câu hỏi đầu tiên vì đây là những câu thuộc dạng cơ bản và vận dụng thấp.
Làm xong cần xem để tránh những sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc. Với những em thi hóa để lấy điểm xét tuyển vào ĐH chắc chắn sẽ dốc sức cho 10 câu hỏi cuối của đề. Đây là những câu thuộc dạng vận dụng cao nên thí sinh cần có sự ôn luyện kỹ lưỡng, giải nhiều bài tập... từ trước đó.
(Nguồn: Tổng hợp)