Noi gương cha mẹ, giới trẻ quay về tích lũy vàng, hy vọng tương lai không “phú ông phú bà” cũng nhà, xe đầy đủ

Ngày càng nhiều người trẻ quan tâm đến vàng - một kênh đầu tư được coi là sinh lời an toàn và ổn định.

Quay lại mua vàng sau khi nếm trải đủ hình thức đầu tư 

Trên hành trình làm giàu, nhiều người trẻ thích hướng đến các hình thức sinh lời nhanh nhưng rủi ro cao như mua mã cổ phiếu, kinh doanh trực tuyến, đầu tư nhà đất… Nhưng ông bà bố mẹ chúng ta - những người trải qua bao thăng trầm cuộc sống, họ tin tưởng vào sức mạnh của tích lũy từng đồng bạc nhỏ và đầu tư an toàn. Vàng từ đó trở thành lựa chọn đầu tư được yêu thích của thế hệ lớn tuổi. Rồi sau này, họ lại truyền bài học mua vàng tích lũy tài sản được chiêm nghiệm qua một đời tới con cháu.

Câu chuyện của Bảo Trâm (28 tuổi, TP.HCM) là ví dụ. Hơn một năm nay, cô đã hình thành thói quen trích thu nhập hàng tháng để đi mua vàng. Giống như nhiều bạn trẻ khác, từ khá sớm, Bảo Trâm được mẹ khuyên nên mua vàng tích lũy nhưng cô không… quan tâm. Lý do là bởi cô nghĩ vàng là một kênh đầu tư chậm chạp. 

Đến năm 2021, sau khi đầu tư vào đúng lúc thị trường bùng nổ, Bảo Trâm nhanh chóng có một khoản lời từ đây. Cũng vì thế, cô lại càng không muốn tích lũy vàng.

Tuy nhiên, sang đến năm 2022, thị trường chứng khoán biến động mạnh và khắc nghiệt hơn. Đây là một giai đoạn hết sức khó khăn với cả Bảo Trâm và nhiều nhà đầu tư khác. Bởi nếu không đủ kiến thức lựa chọn mã cổ phiếu, họ có thể chạm đáy và không biết bao giờ mới hoàn vốn được. Lúc này, Bảo Trâm lại chuyển về mua vàng - một kênh tích lũy an toàn và lâu dài.

Bảo Trâm (Ảnh: NVCC)
Bảo Trâm (Ảnh: NVCC)

Cho đến hiện tại, Bảo Trâm vẫn đều đặn trích thu nhập hàng tháng sau khi nhận lương để mua vàng. Lựa chọn mua vàng của Bảo Trâm tương đối đơn giản. Có thời điểm dư dả, cô mua 5 chỉ - 1 cây vàng. Còn trong hơn một năm nay, cô chủ yếu mua vàng nhẫn 24k vì tin rằng chúng có thể sử dụng linh hoạt để vừa dự trữ vừa làm trang sức, quà tặng đám cưới cho bạn bè, người thân. Thêm nữa, do nhận thấy so với vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn bám sát với giá vàng thế giới hơn nên khiến cô càng an tâm.

Người có ảnh hưởng lớn nhất đến thói quen mua vàng của Bảo Trâm, không ai khác là mẹ cô. 

Từ khi mới đi làm và có dư chút xíu là mẹ đã khuyên mình nên mua vàng tích lũy. Mẹ mình ở nông thôn, không biết quá nhiều về chứng khoán, chứng chỉ quỹ, hay các kênh đầu tư khác. Mẹ vẫn theo hình thức đầu tư tích lũy của ông bà từ trước đến giờ là mua vàng. 

Ban đầu mình không mua vàng, vì mình không nghĩ là vàng có thể mang lại lợi nhuận cao mà dành tập trung vào chứng khoán. Nhưng sau dịch Covid năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc và mình đã chuyển sang đầu tư vàng theo lời của mẹ. Cho đến giờ mình mới thấy, quan điểm của ông bà ta luôn đúng”, Bảo Trâm nói.

Ông bà, bố mẹ có thói quen tích luỹ tài sẩn để mua nhà, mua đất... và sau này họ truyền lại bài học cho con cháu (Ảnh: Di Anh)
Ông bà, bố mẹ có thói quen tích luỹ tài sẩn để mua nhà, mua đất... và sau này họ truyền lại bài học cho con cháu (Ảnh: Di Anh)

Tương tự Bảo Trâm, Gia Hưng (25 tuổi, TP. Hà Nội) cũng được bố mẹ khuyên mua vàng từ khi kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Là một sinh viên ngành Tài chính và từng thấm qua nhiều trải nghiệm mất tiền vì đầu tư nên Gia Hưng hiểu, cậu không nên quá coi trọng hay quá khinh thường bất kỳ kênh đầu tư nào. Cũng vì thế, nếu như nhiều người trẻ coi vàng là chỗ cất tiền lương sinh lời kém thì Gia Hưng lại nghĩ đây là kênh đầu tư an toàn.

Năm 2020, cũng từ xuất phát điểm nghe bố mẹ, các dì dưới quê khuyên mua vàng “chỉ toàn có lời, chưa bao giờ giá đi xuống" nên Gia Hưng cũng trích tiền mua vàng. 

Sau đó, anh chàng bắt đầu tìm hiểu thị trường và cách thức mua vàng trên báo, các clip trên mạng xã hội thì nhận thấy giá vàng luôn tăng, đồng thời có những đợt biến động lớn. Cũng từ đó, Gia Hưng bắt đầu hình thành thói quen mua 1 chỉ vàng bất kỳ khi nào có dòng tiền nhàn rỗi. 

“Mình là người tính toán khá kỹ trong chuyện tiền bạc. Quan điểm đầu tư của mình là đảm bảo an toàn, tiền đã vào túi thì sẽ không bao giờ để tiền rơi. Cũng vì thế vàng có thể ít thu được lợi nhuận với nhiều người. Nhưng với mình, vàng đem lại sự cân bằng trong danh mục tài sản, khi đặt cạnh các khoản đầu tư rủi ro hơn", Gia Hưng chia sẻ.

Gia Hưng tích trữ vàng với quan điểm
Gia Hưng tích trữ vàng với quan điểm "tiền đã vào túi thì không để tiền rơi" (Ảnh: Di Anh)

Nếu hỏi các cô, các chú chuyện mua vàng, nhiều người sẽ cho hay họ mua để tích lũy dài hạn. Tức là họ mua vàng nhưng không lướt sóng ngay mà dự trữ với số lượng lớn, sau này bán đi để phục vụ mục tiêu quan trọng của đời mình như mua nhà, mua xe, đóng học phí cho con… Những người trẻ đi theo con đường mua vàng của thế hệ ông bà bố mẹ cũng không ngoại lệ.

Bảo Trâm nói về cách cô sử dụng số vàng hiện có: “Mình chắc chắn tất cả những ai biết đầu tư thông minh đều hướng đến mục đích lâu dài và để dành cho con cái sau này. Giống như ông bà ngày xưa, dẫu họ làm ra bao nhiêu thì vẫn mua vàng để dành cho con cho cháu. 

Mình chưa có gia đình nên toàn bộ số vàng tích lũy sẽ dùng việc đám cưới sắp tới, sau đó có thể mua nhà, mua xe hoặc kinh doanh riêng. Nếu sau này có con cháu thì chắc chắn mình sẽ vẫn tích lũy vàng cho con cháu sau này. Vì mình tin trong tương lai dài hạn vàng sẽ lại tiếp tục tăng”.

Tiếp lời, Gia Hưng hài hước cho hay: “Mình mua vàng để sau này có tiền cưới vợ (cười). Hoặc mình sẽ tích lũy nhiều chỉ vàng để dùng chúng mua nhà ở Hà Nội, tương tự như cách bố mẹ mình đã bán vàng để sửa lại nhà ở quê và nuôi con ăn học".

Xuất hiện từ sớm tại một tiệm vàng ở quận 1 (TP.HCM), nhân ngày vía Thần Tài, Trần Gia Linh (quận 5) đã tranh thủ thời gian rảnh để mua 1,5 chỉ vàng nhằm cầu may đầu năm trong ngày vía Thần tài 2024 (tức ngày 19/2). Dù còn khá trẻ nhưng cô nàng đã hình thành thói quen mua vàng khi có tiền dư, không kể ngày vía Thần tài.

Tương tự Gia Hưng và Bảo Trâm, Gia Linh mua vàng để tích trữ cho con, sau này có việc cần dùng đến thì con cầm vàng đi bán. “Mình thấy tích góp vàng rất lời. Mình mua vàng như một cách tiết kiệm tiền để có của dư của để", cô nàng chia sẻ.

Nhiều người trẻ quan tâm đến chuyện mua vàng từ sớm nhờ ảnh hưởng của bố mẹ (Ảnh: Di Anh)
Nhiều người trẻ quan tâm đến chuyện mua vàng từ sớm nhờ ảnh hưởng của bố mẹ (Ảnh: Di Anh)

Nói không với đầu tư lướt sóng, chỉ tính chuyện mua bán vàng trong dài hạn

Một điểm chung giữa Bảo Trâm và Gia Hưng là họ luôn hướng đến tích lũy vàng trong dài hạn, mang lại sự an toàn cho danh mục đầu tư. Đây cũng là cách mà nhiều người trẻ hiện nay áp dụng khi mua vàng - một kênh có thể sinh lời không cao nhưng luôn giữ được sự ổn định so với các khoản đầu tư khác.

Riêng Bảo Trâm, cô không coi vàng là kênh lướt sóng, vì không biết bao giờ “sóng kẹt", tức sinh ra thua lỗ rồi có thể ân hận với khoản tiền bỏ ra.

Bảo Trâm lý giải: “Vì khoảng cách giữa giá mua và giá bán của vàng hiện nay thường chênh nhau đến 1 triệu đồng/chỉ. Do đó, nếu muốn có lời, thì mình phải đợi khi giá mua vào của tiệm vàng tăng cao hơn so với giá bán tại thời điểm mua vào. Mà đây là chuyện khó diễn ra trong ngắn hạn.

Đặc biệt trong thời điểm kinh tế như hiện nay, giá vàng liên tục biến động, nên mình sẽ không biết lúc nào sóng kẹt. Việc lướt sóng vàng sẽ đem lại cho mình cảm giác lo sợ, hồi hộp mỗi ngày không biết vàng lên hay xuống. Cá nhân mình luôn tôn trọng những thứ thu nhập đều đặn và bền vững. Vì chỉ khi đầu tư bền vững thì tài sản đó mới ở với mình lâu dài”.

Bảo Trâm không đầu tư lướt sóng vàng vì không biết bao giờ sóng kẹt (Ảnh: Di Anh)
Bảo Trâm không đầu tư lướt sóng vàng vì không biết bao giờ sóng kẹt (Ảnh: Di Anh)

Đồng quan điểm với Bảo Trâm, Gia Hưng cho hay: “Nguyên tắc mua vàng của mình là trên thị trường, khi giá vàng tăng lên hoặc giảm xuống đột ngột mình cũng mặc kệ. Vì về dài hạn, giá vàng luôn tăng. Do đó, mình chỉ cần đợi khi thị trường vàng bình ổn, mình đem vàng đi bán, chỉ cần chốt được phần trăm lãi đề ra ban đầu là ổn".

Một trường hợp khác, Thuý Quỳnh (27 tuổi, Hà Nội) là một giáo viên đã hình thành thói quen mua vàng từ tiền nhàn rỗi cách đây 7 năm. Cô nêu quan điểm về chuyện mua vàng: “Khi nào có tiền nhàn rỗi và lâu lâu không dùng đến thì mình sẽ mua vàng, bao giờ rất cần tiền thì mình mới bán. Mình sẽ không mua vàng khi giá vàng đang lên liên tục, càng nhiều người bàn về vàng thì mình càng không mua”.

Hiện Gia Hưng đang quan sát sự biến động của thị trường thông qua việc gia nhập các hội nhóm thảo luận giá vàng và chăm chỉ đọc tin tức vàng tăng giảm thường xuyên. 

Còn Bảo Trâm lại có cả một nhóm bạn chơi chung đều thích tích lũy vàng. Tại đây, nhóm bạn của cô đều chủ động update giá vàng lên xuống mỗi ngày. Nếu thời điểm nào, họ cảm thấy giá vàng ổn và đang có tiền dư thì sẽ rủ nhau cùng mua.

“Mình không tham gia vào group mua bán vàng nào cả. Mình chọn vàng là kênh tích lũy lâu dài và tin tưởng vào khả năng tích lũy của bản thân. Giống như việc góp gió thành bão, tháng này mình mua ít nhưng sau 1 năm nhìn lại mình sẽ có rất nhiều, từ đó quy đổi vàng ra thành những tài sản có giá trị khác như nhà, đất”, Bảo Trâm chia sẻ.

Cả Bảo Trâm và Gia Hưng đều đánh giá tình hình thị trường vàng trước khi chính thức mua (Ảnh: Di Anh)
Cả Bảo Trâm và Gia Hưng đều đánh giá tình hình thị trường vàng trước khi chính thức mua (Ảnh: Di Anh)

Do ý thức được về dài hạn thì vàng mới mang lại khoản sinh lời tốt, do đó hiện nay cả 3 bạn trẻ đều áp dụng công thức “không để trứng vào cùng một giỏ" trong danh mục đầu tư. Nhờ đó, họ có thể giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào “một giỏ" mà không sinh lời tiềm năng, đồng thời đảm bảo đa dạng hóa nguồn thu nhập.

Gia Hưng cho hay, hiện nay danh mục đầu tư được anh chàng phân bổ như sau, gồm 15% mua vàng, 15% gửi tiết kiệm và số tiền còn lại đầu tư vào kinh doanh online. Trong khi đó, Thuý Quỳnh chia tiền nhàn rỗi thành 3 phần. Một phần gửi tiết kiệm và một phần mua cổ phiếu. Số tiền còn lại (tức 15% tiền tích luỹ) cô dồn để mua vàng với mong muốn sinh lời “chậm mà chắc".

Còn về phía Bảo Trâm, bên cạnh mua vàng thì cô còn một sổ tiết kiệm ngân hàng, một mã chứng khoán giữ từ năm 2021. Thỉnh thoảng, cô còn mua tiền đô tích trữ và bảo hiểm nhân thọ.

“Mình nghĩ, nếu các bạn trẻ muốn có một khoản tiết kiệm lâu dài và an toàn thì hãy chọn vàng. Vàng không phải là nơi cho bạn nhân đôi tài sản hay làm giàu qua một đêm nhưng đây là kênh đầu tư an toàn cho bạn thói quen tích lũy tài sản và quản lý tài chính. Còn nếu có kiến thức lựa chọn mã cổ phiếu thì có thể chọn chứng khoán để sinh lời hoặc đầu tư kinh doanh riêng nếu bạn tự tin và chấp nhận rủi ro mà nó mang lại.

Mình mong các bạn trẻ có thể tập cho mình thói quen tiết kiệm đầu tư mỗi tháng, tích sản dài hạn, vì cuộc sống sẽ có lúc thịnh lúc suy, không ai mà không gặp phải khó khăn. Chỉ cần bạn có một khoản tài sản tích lũy, thêm khả năng quản lý tài chính tốt thì mình tin bạn sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn cách dễ dàng”, Bảo Trâm nhận định.

Vân Anh - Design: Thành Đạt

Diva Mỹ Linh trở thành biểu tượng hài hước mới của Vbiz: Đi mua vàng ngày Thần Tài mà khiến ai cũng bật cười

Diva Mỹ Linh trở thành biểu tượng hài hước mới của Vbiz: Đi mua vàng ngày Thần Tài mà khiến ai cũng bật cười

Năng lượng trẻ trung, nhí nhảnh của diva Mỹ Linh khiến cộng đồng mạng vô cùng thích thú.