Nữ Tiến sĩ người Tày là “công dân toàn cầu”

Nữ Tiến sĩ Emily Ngân Lương hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh. Cô cũng là giám đốc khóa cao học trẻ tuổi nhất Đại học London South Bank.

TS. Emily Ngân Lương (sinh năm 1986) có xuất phát điểm là một cô gái dân tộc Tày. Cô kể rằng cô sinh ra ở nơi chẳng hề có dấu vết của văn minh, không đường xi măng, không ti vi, không xe cộ, thậm chí chẳng có cả trường mẫu giáo. Lên 9 tuổi, Ngân theo bố mẹ chuyển ra thị xã Cao Bằng và cuộc đời cô thay đổi từ đó.

Ngân dần được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và lên cấp 3 thì đã thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Sau này cô thi Đại học Ngoại Thương Hà Nội và đỗ vào Khoa Tiếng Anh Thương mại. Tốt nghiệp trường Ngoại Thương, cô nhanh chóng tìm được công việc tốt ở Hà Nội. Mặc dù vậy, Ngân vẫn luôn ấp ủ một ước mơ đó là được khám phá thế giới bên ngoài, được học hỏi từ quốc gia có nền giáo dục hàng đầu quốc tế. Vì vậy, cô quyết định đi du học, lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ và trở thành một công dân toàn cầu như ngày hôm nay. Hiện tại, TS. Ngân Lương là Quản lý khóa học Thạc Sỹ Marketing - một trong những Giám đốc Khóa trẻ tuổi nhất của Đại học London South Bank, Anh Quốc.

TS. Emily Ngân Lương.
TS. Emily Ngân Lương.

Con đường trở thành một công dân toàn cầu của nữ Tiến sĩ trẻ không hề đơn giản. Bố mẹ là người đã tạo điều kiện cho TS. Ngân đến một thế giới khác để được tiếp cận giáo dục hiện đại hơn. Họ cho cô đi du học, để Ngân tự quyết định trong những giai đoạn quan trọng nhất. Và hơn hết, họ luôn tin tưởng tuyệt đối ở con gái. Ngân tiết lộ ban đầu chỉ định học xong thạc sĩ rồi về nước nhưng môi trường giáo dục ở Anh quá hấp dẫn khiến cô quyết tâm phải chinh phục. Năm 2012, cô hoàn thành luận văn Thạc sỹ về vai trò của mạng xã hội đối với quản lý nhà hàng trong ứng dụng thực tiễn marketing được Trường Đại học Strathclyde đánh giá cao, là nghiên cứu mẫu trong lĩnh vực nhà hàng tại Việt Nam và Vương quốc Anh.

Năm 2017, Ngân tiếp tục bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ trước Hội đồng gồm nhiều nhà khoa học danh tiếng về lĩnh vực kinh doanh, marketing. Cô gái Việt được phong tiến sĩ ngay sau khi bảo vệ luận án, đây là một thành tích hiếm có đối với những người làm nghiên cứu sinh tại Anh. Sau khi bảo vệ Luận án tiến sĩ, cô tiếp tục đặt mục tiêu tìm việc ở Vương Quốc Anh và đã nộp đơn vào làm giảng viên Marketing tại trường Đại học London South Bank. Ngân xuất sắc vượt qua rất nhiều ứng cử viên đến từ nhiều quốc gia và Hội đồng nhà trường chọn làm giảng viên của London South Bank University – trường đại học danh tiếng có chất lượng giảng dạy rất tốt tại Anh. Tiếp đó, Ngân được Hội đồng nhà trường bổ nhiệm làm Giám đốc quản lý Khóa cao học Marketing tại Đại học Kinh tế Nam London. Nữ Tiến sĩ trẻ tâm sự: "Ngoài việc quản lý khóa cao học marketing, tôi còn là giảng viên và là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực marketing khởi nghiệp. Vì số lượng công việc rất lớn, áp lực cao nên bắt buộc tôi phải có lịch phân bố rất cụ thể. Tôi chia việc mình ra theo ba trọng trách chính, cụ thể là quản lý khóa, giảng dạy và làm nghiên cứu. Thường thì thời gian sẽ phân bố đều cho những trọng trách đó nhưng cũng tùy từng thời điểm trong từng kỳ học, tôi sẽ ưu tiên việc nào cấp thiết hơn cần tập trung làm.

TS. Emily Ngân Lương bên sinh viên.
TS. Emily Ngân Lương bên sinh viên.

Chồng của TS. Ngân mang hai quốc tịch Anh, Đức và là người gốc Ấn hiện làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Ngân quen với anh từ khi cả hai học chung trường đại học ở Anh. Nói về quyết định lấy chồng của mình, Ngân cho biết: “Khi lấy chồng nước ngoài thì tôi thấy mình được trải điều thú vị là ngôn ngữ cũng như cách giao tiếp. Vì là người mang hai quốc tịch Anh, Đức và lại còn gốc Ấn nữa nên chồng tôi thông thạo ba thứ tiếng: Anh, Đức và Hindi. Khi giao tiếp với nhau chúng tôi dùng tiếng Anh, khi anh ấy nói chuyện với các em của mình thì dùng tiếng Đức, còn nói chuyện với bố mẹ thì dùng tiếng Hindi. Có thể nói, dù đa sắc tộc, đa văn hóa nhưng các thành viên trong gia đình vẫn tìm được sự hòa hợp với nhau”.

Hiện nay, mơ ước của nữ Tiến sĩ trẻ là luôn muốn trở về đóng góp cho quê hương Cao Bằng của mình. Cô hy vọng trong tương lai gần, các dự án và hoạt động hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số để nâng cao cuộc sống cho người đồng bào mình sẽ sớm được thực hiện. Khi TS. Ngân được mời tham gia xây dựng đề án phát triển du lịch và marketing du lịch cho tỉnh Cao Bằng. Cô không ngại mời gọi lãnh đạo London South Bank University và Đại học Loyola Chicago (Hoa Kỳ) tham gia, hỗ trợ dự án.

Đầu năm 2019, nữ Tiến sĩ trở về Cao Bằng 2 tuần, cô bố trí kín lịch làm việc với tỉnh. TS. Ngân biên soạn và lên lớp 2 buổi/ngày tập huấn khởi nghiệp cho nông dân; giao lưu với doanh nghiệp trẻ về lĩnh vực du lịch; được đóng vai trò là khách mời tham gia nghiệm thu Đề tài “Phát triển dịch vụ Logistics đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh”. Trong tương lai, nữ Tiến sĩ người Tày muốn tiếp tục được đóng góp sức nhỏ bé của mình để phát triển quê hương.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Hành trình trở thành nữ Tiến sĩ người Dao đầu tiên

Hành trình trở thành nữ Tiến sĩ người Dao đầu tiên

TS. Bàn Thị Quỳnh Giao đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để trở thành nữ tiến sĩ người Dao đầu tiên của Việt Nam.