Hành trình trở thành nữ Tiến sĩ người Dao đầu tiên

TS. Bàn Thị Quỳnh Giao đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để trở thành nữ tiến sĩ người Dao đầu tiên của Việt Nam.

TS. Bàn Thị Quỳnh Giao sinh năm 1977 tại Bắc Thái (cũ). Chị là con gái của tiến sĩ Bàn Tiến Tân (1945-1994), một người Dao Tiền sinh ra tại nơi núi cao Nguyên Bình (Cao Bằng). Ông cũng chính là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp Bàn Thị Quỳnh Giao sau này.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Quỳnh Giao luôn mơ ước mình sẽ trở thành một nữ luật sư, nhưng cha chị nói: “Con gái rượu mà đi học Luật thì ai sẽ ở gần bố? Thôi con cứ thi Sư phạm đi, bố con ta sống gần nhau chả tốt quá hay sao!”. Và rồi chị đã thi vào Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc theo mong muốn của cha. Vừa thi đại học xong thì cha chị mất do tai nạn giao thông. Nửa tháng sau, có kết quả thi đại học, chị là người có số điểm cao thứ hai vào Khoa Văn năm đó. Chị nhớ cha và thầm hứa sẽ không làm cha thất vọng. Tốt nghiệp đại học, chị về công tác tại Trường phổ thông cơ sở Giang Tiên (Phú Lương), suốt 10 năm gắn bó với công tác giảng dạy, chị luôn là giáo viên dạy giỏi, được học sinh yêu mến.

TS. Bàn Thị Quỳnh Giao thứ 2 từ trái sang.
TS. Bàn Thị Quỳnh Giao thứ 2 từ trái sang.

Năm 2008, chị quyết định học cao học. Sau đó, chị về công tác tại Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Mất hơn một năm, không biết phải làm gì, chị lại nghĩ đến cha - người đã từng là một tiến sĩ về Văn học dân gian, vậy hà cớ gì mà chị không bước theo ông? Như thế, vừa kế thừa được tủ sách của cha, vừa làm tiếp được những dự định của cha vẫn còn dang dở. Và tại một cuộc Hội thảo được tổ chức vào tháng 11 năm 2012, bài viết đầu tiên của chị đã được sử dụng. Đó là bài viết về tri thức chọn giống cây trồng của người Dao cổ. Bài viết cung cấp được rất nhiều kinh nghiệm của người Dao trọng việc chọn đất, làm đất, chọn giống cây trồng mà chủ yếu là giống lúa và giống ngô. Đó là những kiến thức mà chị biết rất rõ, bởi khi còn sống với cha mẹ chị đã là một nông dân chính hiệu. Điều này tưởng như rất đơn giản, nhưng nó lại rất có ý nghĩa với chị Quỳnh Giao lúc đó, nó cho chị có thêm động lực để tiếp tục công việc mới mẻ này.

Đến năm 2013, chị bắt đầu làm Luận án về mảng “khó nhằn” nhất của người Dao, đó là về dân ca nghi lễ. Thế giới tâm linh của người Dao được phản ánh rõ nét nhất trong dân ca nghi lễ, khi cắt nghĩa, giải mã được ý nghĩa của mỗi bài dân ca nghi lễ là đồng nghĩa với việc đưa mọi người tiếp cận gần hơn với thế giới tâm linh của người Dao. Có những lúc khó khăn quá chị định bỏ cuộc, song rồi lại hình dung ra ánh mắt khích lệ của cha, chị lại xách ba lô lên đường. Đi điền dã ròng rã từ năm 2013 đến hết năm 2015, đầu năm 2016 khi tư liệu đã khá dày dặn, chị bắt tay vào việc xử lý tài liệu và viết luận án. Và đến tháng 3 năm 2017, chị đã bảo vệ thành công luận án của mình, đúng tiến độ, được đánh giá là có nhiều đóng góp mới. Đúng ngày 20/11/2017, chị cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ với tất cả sự nỗ lực của mình và sự ủng hộ động viên của gia đình, đồng nghiệp. Hân hoan trong niềm vui hoàn thành nghĩa vụ học tập của bản thân không nhiều bằng vui sướng với niềm vui của gia đình, bởi cùng ngày hôm đó anh trai của chị là Bàn Tuấn Năng công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng được nhận bằng tiến sĩ.

TS. Bàn Thị Quỳnh Giao trogn ngày bảo vệ Luận án.
TS. Bàn Thị Quỳnh Giao trogn ngày bảo vệ Luận án.

Khi từ bỏ phấn trắng, bảng đen bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, TS. Bàn Thị Quỳnh Giao không mơ ước điều gì quá cao sang, chị chỉ mong muốn nhiều người biết đến văn hóa của tộc người mình. Chị đã “khoe” rất nhiều những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình bằng việc công bố những bài báo, những bài nghiên cứu, các đề tài về văn hóa của người Dao như: tục khâu áo cho ông bà, tục biếu tiền cho người chết, tín ngưỡng thờ thần Đế Mẫu, tín ngưỡng chia của cho người chết… Mỗi nét văn hóa chị đem “khoe” với công chúng, là một lần chị thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ những nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Chị luôn tâm niệm “Cuộc sống của bạn chỉ thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi bạn biết giữ gìn và nuôi dưỡng ước mơ, biết ghi nhận, biết tin vào những lời hứa”, đó chính là ước mơ gìn giữ văn hóa dân tộc mình và lời hứa không bao giờ được gục ngã trước sự nghiệt ngã của cuộc đời với người cha trước khi ông nhắm mắt xuôi tay. Vì thế mà cho đến bây giờ chị vẫn có thói quen xách ba lô lang thang khắp những bản làng của người Dao, người Mông, người Hà Nhì… để “khoe” những đặc sắc văn hóa của các tộc người với công chúng gần xa.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Câu chuyện khám phá vùng đất cửa biển của nữ tiến sĩ mê khảo cổ

Câu chuyện khám phá vùng đất cửa biển của nữ tiến sĩ mê khảo cổ

Khảo cổ học là nghề được cho không phù hợp với nữ giới. Nhưng vẫn có bóng hồng ngày đêm cặm cụi trên công trường khảo như Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.