Sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ thành quả sáng tạo của nữ trí thức, tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo động lực cho nữ khoa học tiếp tục đầu tư, phát triển các ý tưởng mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều nữ trí thức còn thiếu nhận thức về tầm quan trọng của SHTT, gặp khó khăn trong việc đăng ký, quản lý tài sản trí tuệ và thiếu nguồn lực để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, sáng tạo của mình.
Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030, trong đó chỉ rõ một nội dung trong quan điểm chỉ đạo là “đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”. Việc hiện thực hóa quan điểm này không thể thành công nếu thiếu vai trò của phụ nữ.
![]() |
Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nữ trí thức, bao gồm các chương trình đào tạo, tập huấn về SHTT, hỗ trợ đăng ký và quản lý tài sản trí tuệ. |
Nhận thức được điều này, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nữ trí thức, bao gồm các chương trình đào tạo, tập huấn về SHTT, hỗ trợ đăng ký và quản lý tài sản trí tuệ.
TS Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Cục SHTT đã và đang triển khai nhiều hoạt động để đồng hành cùng phụ nữ, đặc biệt là các nhà khoa học nữ, trong nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh. Trong đó, phải kể đến hoạt động phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam và Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) triển khai thành công chuỗi các khóa tập huấn trực tuyến về thương mại hóa tài sản trí tuệ dành cho các nhà nữ khoa học và nữ doanh nhân của Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023.
“Cục SHTT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các đối tác quốc tế để triển khai các hoạt động hướng tới phụ nữ, khơi dậy tiềm năng đổi mới sáng tạo trong mỗi chị em phụ nữ, tạo động lực để các chị em phụ nữ tạo ra nhiều giá trị mới từ hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như khai thác hiệu quả giá trị của các kết quả đổi mới sáng tạo đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định.
Chia sẻ với tạp chí Phụ nữ Mới, bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp chia sẻ, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã thành lập Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp từ năm 2016. Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam (gồm các nhà khoa học và doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học bằng nhiều hình thức:
Thứ nhất, giới thiệu trực tuyến các sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trên 2 website của trung tâm: www.sanphamkhoahoc.vn và www.scienceproduct.vn.
Thứ hai, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm KHCN của các nữ khoa học và nữ doanh nhân đổi mới sáng tạo tại văn phòng và tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm KHCN tại các vùng, miền.
“Hiện nay, với sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các sản phẩm của nữ khoa học cũng có nhiều cải tiến về bao bì, nhãn mác, cũng như chất lượng. Nhờ vậy, khi chúng tôi tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, cũng được doanh nghiệp nồng nhiệt đón nhận. Chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động giới thiệu, kết nối liên tục để cho các doanh nghiệp biết được các nữ khoa học nghiên cứu gì, họ có thể giúp gì cho doanh nghiệp. Hiện nay, xu hướng lựa chọn công nghệ mới đối với các doanh nghiệp là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
![]() |
Bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp chia sẻ về nhiệm vụ hỗ trợ cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam của Trung tâm |
“Chúng tôi cũng kết nối, phối hợp tổ chức các triển lãm trong nước và ngoài nước cho các nữ khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia giới thiệu sản phẩm, để giúp họ tìm được nhiều bạn hàng hơn.
Ngoài ra, chúng tôi đang triển khai thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao nhận thức về SHTT và sử dụng công cụ SHTT trong sản xuất kinh doanh và nghiên cứu khoa học” cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Thông qua nhiệm vụ này, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các nữ trí thức, nữ doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nữ sáng chế nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, cung cấp các giải pháp hỗ trợ họ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phục vụ cuộc sống và có được nguồn thu từ chính các kết quả nghiên cứu để tiếp tục tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của mình” – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp cho biết.
![]() |
Các hoạt động hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp không chỉ giúp các nữ trí thức vượt qua những rào cản về nhận thức và tiếp cận, mà còn tạo điều kiện cho họ khai thác tốt hơn các cơ hội từ kết quả nghiên cứu của mình. |
Chia sẻ về hành trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của mình, ThS Trần Thị Hương Giang, nghiên cứu viên của Phòng Hệ Gen học chức năng - Viện Nghiên cứu hệ Gen - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, nhờ những kiến thức đã học tại các lớp về SHTT (IP) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp tổ chức giai đoạn 2022-2023, Hương Giang đã nhận thức được những vai trò và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Do đó, khi quyết định thành lập công ty dược phẩm sinh học với tên gọi Công ty GenaTech, ThS Trần Thị Hương Giang đã thực hiện đăng ký bảo hộ tên thương mại của GenaTech dưới dạng text và 2 nhãn hiệu. GenaTech cũng đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cho hai giải pháp đổi mới và đã nhận quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nhờ vậy, GenaTech cũng tự tin giới thiệu sản phẩm chủ lực men vi sinh GenaCillus (được bảo hộ thương hiệu) ra thị trường. Genatech cũng tích cực marketing, xây dựng thương hiệu và tiếp thị với IP, tạo ra giá trị từ tài sản trí tuệ và phát triển chiến lược sở hữu trí tuệ phù hợp với mục tiêu kinh doanh tổng thể.
“Nhờ áp dụng IP ngay trong quá trình thành lập, Công ty Genatech rất may mắn được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế tại Singapore. Vượt qua 29 quốc gia và 70 đơn vị dự thi, may mắn là Genatech được WIPO lựa chọn là đơn vị duy nhất tham gia Festival đổi mới sáng tạo Shetrade. Nhờ vậy, thương hiệu Genatech cũng thu hút được sự quan tâm, chú ý đưa tin của các cơ quan báo chí. Cũng trong một thời gian rất ngắn, doanh thu đã tăng gấp 15 lần so với những ngày đầu” - ThS Trần Thị Hương Giang chia sẻ.
Có thể thấy, Nhà nước và các cơ quan quản lý đã nhận thức rõ vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, qua đó, đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đào tạo và phát triển năng lực SHTT cho phụ nữ. Các hoạt động này không chỉ giúp các nữ trí thức vượt qua những rào cản về nhận thức và tiếp cận, mà còn tạo điều kiện cho họ khai thác tốt hơn các cơ hội từ kết quả nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn trong việc hỗ trợ cộng đồng nữ trí thức, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Việc liên tục cập nhật chính sách, mở rộng các chương trình hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ là các bước đi thiết yếu để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Qua đó, không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn khẳng định vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại, đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước trong kỷ nguyên mới.
---------
(Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì).
Tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và Đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ”
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược nghiên cứu, phát triển Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045