Ông chủ Sunhouse đầu tư 15 tỷ vào nhựa làm từ bột mì và vỏ trấu

Anh Nguyễn Châu Long - nhà sáng lập và điều hành công ty Thiên Kim An với thương hiệu Bioplas, nhựa sinh học được làm từ bột mì và võ trấu, đã thuyết phục được Shark Phú rót tiền đầu tư.

Nhựa sinh học làm từ bột mì và võ trấu có khả năng phân hủy thành đất, nước, CO2 và không để lại vi nhựa.

Sản phẩm nhựa được làm từ các hạt nhựa sinh học, túi nhựa phân hủy sinh học với thành phần chính là PLA, PBAT, và tinh bột mì do chính công ty anh sản xuất. Theo anh Nguyễn Châu Long, sản phẩm của anh là nhựa sinh học 100%, không có nhựa thông thường, sau khi tự hủy sẽ không để lại vi nhựa, sản phẩm đã được kiểm nghiệm tại châu Âu và Mỹ, được chứng nhận OK-Compost.

desktop5.jpg
Những sản phẩm nhựa sinh học. 

Mang dự án lên chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 4, nhà sáng lập khẳng định nếu dự án thất bại sẽ bán 4 căn nhà để trả.

Hiện BioPlas đã thành công trong việc tạo ra các dòng sản phẩm nhựa sinh học dùng cho sản xuất bao bì mềm, tương tự bao bì nhựa thông thường như túi T-shirt, túi đựng thực phẩm, găng tay,... và nhựa sinh học dùng trong việc sản xuất khay, ly, chén, muỗng.

Ngoài sản xuất nguyên liệu, BioPlas đã có một nhà máy sản xuất găng tay sinh học và một số sản phẩm bao bì sinh học khác. Tham vọng của BioPlas là gọi được thêm vốn để mở rộng quy mô và hướng tới công suất 1.000 tấn/tháng.

Doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành xong giai đoạn 1 với số đầu tư 16 tỷ đồng. Để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo và mở rộng sản xuất, anh Châu Long đã đến Shark Tank để kêu gọi 4,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần, và chỉ bán tối đa 35% nếu có đề nghị đầu tư.

bioplas.jpg
CEO Nguyễn Châu Long, người sáng tạo ra nhựa sinh học. 

Doanh nghiệp thuyết phục đầu tư bằng dự kiến sẽ chia thị trường mục tiêu ra làm 2 loại với 2 sản phẩm chủ lực khác nhau. Tại thị trường quốc tế là hướng tới xuất khẩu hạt nhựa, bao bì nhựa sang châu Âu, Nhật và Mỹ.

Tại thị trường nội địa, bên cạnh bán sản phẩm, doanh nghiệp hướng đến mục tiêu chuyển giao công nghệ, giúp các khách hàng Việt Nam tự sản xuất, từ đó tiếp tục xuất khẩu sang các nước.

Shark Phú đã đưa ra đề nghị 4,5 tỷ đổi lấy 25% cổ phần khi nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm.

Tuy nhiên startup chủ động này đề nghị 15 tỷ cho 25%. Trong vòng 3 năm, nếu doanh nghiệp làm không được hoặc bị phá sản, startup giữ nguyên 3 căn nhà hiện tại trả cho Shark Phú.

Shark Phú quyết định xuống tiền với khoản vay chuyển đổi 15 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm kèm cam kết thế chấp 3 căn nhà. Sau 3 năm, nếu chuyển đổi sẽ tương đương 35% cổ phần, và startup chấp nhận. 

VIÊN VIÊN