Vừa qua, tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ (KIWIE 2024), 08 nhà nữ khoa học Việt Nam đã giới thiệu 12 sáng chế và giải pháp hữu ích của nhiều lĩnh vực đã đạt 13 giải thưởng. Trong đó, PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê đã vinh dự nhận Huy chương Đồng cho giải pháp hữu ích “The process of producing detergent products containing Saponin from soapberry” (Quy trình sản xuất chế phẩm tẩy rửa chứa Saponin từ bồ hòn). Công trình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 3371 ngày 20/09/2023.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê nhận Huy chương Đồng cho công trình nghiên cứu “The process of producing detergent products containing Saponin from soapberry” (Quy trình sản xuất chế phẩm tẩy rửa chứa Saponin từ bồ hòn) tại KIWIE 2024 |
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê hiện đang là Giảng viên cao cấp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hóa học và Ứng dụng, Trường Đại học Thủy lợi. Là một nhà nữ khoa học đồng thời cũng là một giảng viên tâm huyết và yêu nghề, PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên nghiên cứu khoa học. Cùng gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê về hành trình nghiên cứu khoa học của chị!
Chúc mừng PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê! Cảm xúc của chị như thế nào khi là một trong 8 nhà khoa học nữ đạt giải thưởng tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ (KIWIE 2024)?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Đến với KIWIE 2024, đoàn Việt Nam có 08 nhà khoa học nữ với 12 phát minh và 16 sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực. Lần đầu tham gia Triển lãm Quốc tế, tôi mang tới KIWIE 2024 giải pháp hữu ích “The process of producing detergent products containing Saponin from soapberry” (Quy trình sản xuất chế phẩm tẩy rửa chứa Saponin từ bồ hòn) và 02 sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là Nước rửa tay Sapohand và Nước rửa chén Sapowash.
Có thể nói, đây là cơ hội quý giá để tôi và các nhà khoa học nữ Việt Nam giới thiệu phát minh và sản phẩm của mình đến cộng đồng quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà sáng chế nữ khác, đồng thời tìm kiếm tiềm năng hợp tác và thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình.
Thực sự tôi cảm thấy rất vui và xúc động khi được nhận Huy chương Đồng tại KIWIE 2024. Đặc biệt, niềm vui của tôi được nhân lên gấp bội khi có sự đồng hành của con gái lớn Vương Đặng Lê Mai. Cháu hiện đang làm việc tại Lyon (Pháp) và đã bay sang Seoul đồng hành cùng mẹ và các nhà khoa học Việt Nam.
PGS.TS. Đặng Thị Thanh Lê luôn ấp ủ những dự định về sản phẩm phục vụ cuộc sống từ chăm sóc sức khỏe cho đến làm đẹp. |
Hiện nay, sống xanh và tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều ngành nghề hướng đến việc sử dụng nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường. Đây có phải động lực để chị cùng đồng nghiệp nghiên cứu “Quy trình sản xuất chế phẩm tẩy rửa chứa Saponin từ bồ hòn”? Chị có thể chia sẻ về quá trình thực hiện nghiên cứu cũng như những ấp ủ của chị về lĩnh vực này?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Trước khi đến với khoa học, nghề nghiệp của mình là làm mẹ - đó là sự nghiệp lớn nhất của mình. Tôi luôn mong muốn mang đến tất cả những điều tốt đẹp nhất cho các con của mình, về sức khỏe, về trí tuệ, môi trường sống... Do vậy các sản phẩm mà tôi ấp ủ và nghiên cứu luôn tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe gia đình và chăm sóc sắc đẹp từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên sẵn có trong nước. Tôi có 3 cô con gái nên những điều này lại càng là ưu tiên hàng đầu (cười).
Các chế phẩm tẩy rửa chứa Saponin từ bồ hòn mà nhóm tập trung nghiên cứu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển ngành Kỹ thuật Hóa học trong Trường Đại học Thủy lợi. Nhóm nghiên cứu thật may mắn được sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường và sự tài trợ của Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm trong quá trình phát triển sản phẩm.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu của tôi đã cho ra đời 3 dòng sản phẩm từ thiên nhiên đó là: các sản phẩm tẩy rửa (Nước rửa tay Sapohand và Nước rửa chén Sapowash, Dầu gội đầu Sapohair); các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (Nước rửa mặt thảo dược Beauty Power, Serum trị mụn thảo dược Beauty Power); các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (Nước mắm cà cuống Leinlep). Đây đều là những sản phẩm tiêu dùng thường ngày của mọi gia đình. Ngoài ra, nhóm đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng trong nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trong thời gian tới sẽ có thêm một số sản phẩm nữa.
Chị có thể chia sẻ về cơ duyên đến với ngành nghiên cứu Hóa học cũng như hành trình học tập và chọn nghề của mình?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Khi học trung học phổ thông, tôi học kém môn Hóa, hè năm lớp 10 bác Lê Đình Khuy - nhà giáo đã nghỉ hưu dạy thêm cho tôi và chị gái (hoàn toàn miễn phí). Với sự hướng dẫn tận tình của bác, chỉ sau 3 buổi học tôi đã có kết quả tốt. Và tôi theo nghề Hóa như một sự tri ân đối với người thầy lớn - người bác của mình.
Người ta thường nói “nghề chọn người”, có lẽ câu nói này cũng có phần đúng với tôi. Tôi cũng hay nói đùa với bạn bè là mình tu nghiệp ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi sinh con gái lớn mình đang học thạc sĩ, khi sinh còn gái thứ hai mình đang học tiến sĩ, và đến bé thứ ba thì làm phó giáo sư. Ông xã mình cũng nói vui rằng mình hợp với sinh đẻ, sinh thêm một bé nữa để làm giáo sư.
Theo chị những thách thức trong sự nghiệp của một nhà khoa học nữ là gì? Chị đã làm cách nào để vượt qua những khó khăn trong công việc?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học từ năm 1997. Phải nói rằng, làm nghiên cứu khoa học đã vất vả rồi, nhưng phụ nữ làm nghiên cứu khoa học còn vất vả hơn. Dù là tại thời điểm bắt đầu hay bây giờ, giai đoạn nào cũng đều có những khó khăn riêng. Tuy nhiên thách thức và thử thách lớn nhất đối với tôi là phải vừa hoàn thành sự nghiệp làm mẹ làm vợ, vừa làm tốt công việc mà mình đang theo đuổi.
Phụ nữ thường phải đảm nhận nhiều thiên chức nên không thể dành nhiều thời gian và tâm trí cho công việc. Thói quen làm việc, khả năng tư duy khoa học và kinh nghiệm sống đã giúp tôi quản trị tốt quỹ thời gian, sắp xếp công việc hợp lí. Và may mắn là tôi đã giữ được cân bằng cả về công việc, gia đình, sức khỏe, bạn bè và đời sống tâm hồn của bản thân.
Thực ra chẳng có gì dễ dàng đến trong cuộc đời này, tôi hay nói với các con: “Không có gì từ trên trời rơi xuống, tất cả đều phải nỗ lực cố gắng thì mới có thành quả”. Khó khăn thử thách thì nhiều, những lúc đó tôi luôn tâm niệm lời hát ru và lời dạy của bà ngoại: “Ở đời khôn khéo chi đâu, có chăng cũng chỉ hơn nhau chữ cần”, “kiến tha lâu cũng đầy tổ cháu ạ”.
Điều gì là bước ngoặt để tạo nên thành công của chị như ngày hôm nay?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Tôi không dám nhận là mình thành công, những kết quả ngày hôm nay có được đều khởi nguồn từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và đặc biệt là từ sự nghiệp làm mẹ và làm vợ. Tôi đã nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của gia đình khi theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học. Ba con gái là động lực, nguồn cảm hứng cho mẹ trong tất cả mọi công việc và trong cuộc sống. Ông xã là người tôi luyện cho tôi bản lĩnh vững vàng an yên tự tại và cũng là nhà tài trợ chính cho 4 mẹ con trong 28 năm qua.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: “Thách thức và thử thách lớn nhất đối với tôi là phải vừa hoàn thành sự nghiệp làm mẹ làm vợ vừa làm tốt công việc mà mình đang theo đuổi” |
Một ngày của chị như thế nào khi vừa làm nghiên cứu khoa học và vừa đi giảng dạy?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Cái này nói thì dài kỳ và nhiều tập (cười). Khi các con còn nhỏ thì tôi cũng khá bận rộn. Tuy nhiên, hiện tại các con tôi đã trưởng thành, con gái lớn 27 tuổi đang làm việc tại Pháp và cũng là đồng nghiệp của mẹ, con gái thứ hai đang học Đại học Kinh tế quốc dân, còn con gái út đang học trung học phổ thông. Các con đều đã tự lập và trưởng thành nên tôi cũng có nhiều thời gian dành cho công việc và cho bản thân mình hơn.
Lịch trình một ngày của tôi cũng khá nhẹ nhàng, làm việc tại phòng nghiên cứu từ 7 giờ sáng, khi có lịch sẽ giảng dạy trên lớp. Tôi thường có mặt ở nhà lúc 18 giờ và buổi tối dành 1 tiếng rưỡi cho việc luyện tập thể thao. Tôi tham gia Câu lạc bộ Dancesport Vũ Huy Hồ Thành Công để thư giãn, rèn luyện sức khỏe và giữ gìn vóc dáng.
Trên cương vị một nhà nữ khoa học, chị muốn gửi gắm thông điệp gì đến các bạn trẻ đang muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Kỷ luật, kiên trì và nhẫn nại là chìa khóa vạn năng giúp bạn đạt được kết quả. Và điều quan trọng nữa đó là phải học cách quản trị tốt thời gian và cảm xúc của mình, việc này sẽ giúp bạn đến đích dễ dàng hơn. Tập trung trí lực vào công việc chính mà mình theo đuổi, các khó khăn thử thách luôn xuất hiện, nhưng những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình không nên quá bận tâm, khi cần thiết hãy coi như không nhìn hay nghe thấy.
Chị có thể chia sẻ về dự định của chị trong năm 2024 và các năm tiếp theo?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Trong thời gian tới, tôi cố gắng hoàn thành sứ mệnh làm mẹ và tiếp tục các công việc đang theo đuổi. Sắp xếp thời gian để đi du dịch cùng gia đình và tham gia các công việc thiện nguyện, giúp đỡ các học sinh vùng sâu vùng xa.
Xin cảm ơn PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê. Chúc chị luôn mạnh khỏe và có nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn!
60 báo cáo khoa học tham gia Hội nghị Nữ khoa học lần thứ III-2023
Chiều 10/11, tại Hà Nội, Hội NTT VN phối hợp với ĐH Phenikaa tổ chức 3 Hội thảo chuyên đề trước thềm Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ III