Rước tượng Phật Hoàng cao 2m từ Nam Định vào Tiền Giang

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông làm bằng gốm đỏ Luy Lâu sẽ vượt 2.000km từ Nam Định vào Tiền Giang.

Đây là hoạt động tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.

Ngày 6 - 20/12/2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức Lễ cung rước và an vị Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác - tỉnh Tiền Giang.

Tôn tượng Phật Hoàng được cung rước làm bằng gốm đỏ Luy Lâu ở tư thế ngồi lớn nhất từ trước đến nay (cao 2m), thể hiện hình ảnh Đức vua Trần Nhân Tông cởi bỏ Hoàng bào quy Phật. Bức tượng được Nghệ nhân quốc gia, họa sĩ Nguyễn Đăng Vông trải qua nhiều tháng lao động nghệ thuật tạo nên.

Trong dịp này, “Quần thể Không gian Thiền sư Việt” tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cũng được xây dựng.

Lễ rước Phật Hoàng. 
Lễ rước Phật Hoàng

Nét độc đáo của quần thể này phục dựng lại thánh địa Ngọa Vân - nơi Đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật - chất liệu chủ yếu là gốm cổ Luy Lâu, địa danh phát tích Phật giáo Việt Nam.

Lễ cung rước và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác... phối hợp tổ chức.  

Vua Trần Nhân Tông với chiến tích hai lần chỉ đạo quân và dân đánh thắng quân Nguyên. Sau chiến thắng, Ngài cởi Hoàng bào lên Yên Tử tu hành và hóa Phật.

Phật Hoàng là nhà tu hành giác ngộ ở cảnh giới cao, để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Giáo lý Phật Hoàng nổi bật tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời, đậm nét dân tộc và là một thành tố văn hóa Việt.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương