Cứ đến gần ngày vía Thần Tài (tức mùng 10 tháng Giêng hàng năm), nhiều người lại bàn tán rôm rả chuyện mua vàng để cầu một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió. Thế nhưng ở chiều hướng ngược lại, đúng như tên gọi của ngày này, nhiều người lại coi đây là thời điểm lý tưởng để mang vàng đi chốt lời nhằm ăn chênh lệch giữa giá bán và giá mua.
Sát ngày vía Thần Tài: Tôi chọn đem vàng bán chốt lời
Theo kinh nghiệm quan sát diễn biến thị trường trong thời gian dài, nhiều người nhận thấy không chỉ giá bán ra mà cả giá mua vào của vàng sát ngày vía Thần Tài đều tăng cao. Cũng vì thế, họ cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để mang vàng đi bán “chốt lời".
Anh Trọng (37 tuổi) - một chủ cửa hàng gỗ trên địa bàn Hà Nội đã mang vàng đi bán vào ngày mùng 5 Tết, với mức sinh lời khoảng vài trăm ngàn đồng/1 chỉ vàng.
Trước đó, anh Trọng đã “ôm” 38 chỉ vàng từ năm ngoái. Cho đến tháng 12/2023, trong thời điểm giá vàng liên tục chạm đỉnh, anh đã bán phần lớn vàng để “chốt lời" đậm. Còn lại một ít chỉ vàng, anh đợi đến sát ngày vía Thần Tài mới bán vì tin chắc gần ngày này, giá vàng mua vào sẽ tăng cao.
Anh Trọng chia sẻ kinh nghiệm bán vàng: “Năm nào trong Tết Nguyên đán hay ngày gần sát ngày vía Thần Tài thì mình cũng tranh thủ bán vàng. Mình luôn cố gắng bán vàng từ sớm, bởi vì lúc sau giá mua vào của vàng thường hạ rất nhanh. Bên cạnh đó, gần sát ngày vía Thần Tài thì tiệm vàng sẽ đông khách và họ không tiếp khách bán nữa".
Ảnh minh hoạ |
Một trường hợp khác, anh Chính (32 tuổi) - một nhân viên văn phòng ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), cũng chọn bán 2 lượng vàng trong ngày hôm qua. Đây là 2 lượng vàng cưới vợ chồng anh được tặng từ năm 2022, với giá mua tại thời điểm đó khoảng 52 triệu đồng/lượng. Và gần đây, anh Chính chọn bán lại vàng với mức giá 64 triệu đồng/lượng.
Anh nói tranh thủ bán vàng từ sớm vì sợ bán đúng ngày vía Thần Tài sẽ mất may mắn. Chưa kể, vào ngày vía Thần tài, các tiệm vàng ít tiếp khách bán và anh không muốn chờ đợi lâu.
Tương tự anh Trọng, anh Chính cũng đã quan sát diễn biến giá vàng từ những năm trước khi quyết định đi bán vàng. Anh cho biết: “Một phần mình bán vàng vì đã quan sát biểu đồ giá vàng của các năm trước. Cứ đến ngày vía Thần Tài là giá vàng nhảy dựng lên. Còn sau đó thì lên hay xuống còn tùy thuộc vào diễn biến kinh tế của trong nước và quốc tế.
Thêm nữa, theo quan điểm của mình, vàng chỉ là tài sản phòng thủ, không phải khoản đầu tư. Nên mình có thì muốn bán luôn, chứ không mua thêm tích trữ nữa. Giờ thị trường đang trong ‘bong bóng' giá vàng nên bán nhanh còn kịp. Còn nếu sau khi mình bán, giá vàng vẫn tăng tiếp thì cũng không sao. Bởi quan điểm của mình là bán vàng để ‘chốt lãi' thì không bao giờ sai".
Những tiệm vàng trước và trong ngày vía Thần Tài thường tấp nập kẻ mua, người bán (Ảnh minh hoạ) |
Trong khi đó, anh Đặng Dũng (33 tuổi, TP.HCM) vừa bán một số lượng vàng gần đây. Đồng thời anh cho rằng, ngày vía Thần Tài không phải dịp phù hợp với anh để đi mua vàng.
Anh cho hay: "Mình sẽ bán vàng vào ngày vía Thần Tài vì mình là nhà đầu tư, không phải người theo đuổi tâm linh. Trong ngày này, mình bán vàng theo số lượng, còn mua vào chỉ để tượng trưng, chẳng hạn mua 1 lá vàng để lấy may. Còn với mục đích mua tích trữ để kiếm lợi nhuận thì mình đã mua trước đó từ lâu rồi, giờ chỉ đợi ngày vía Thần Tài đến để chốt lời".
Anh Đặng Dũng cho hay, bên cạnh bán vàng vào ngày vía Thần Tài thì trong thời điểm cuối năm ngoái, anh đã chốt lời 30% vàng trong danh mục đầu tư khi giá vàng chạm mốc 75 triệu đồng/lượng.
Quan điểm của anh Đặng Dũng là mua vàng để tích luỹ dài hạn, tức khi nào thấy vàng sinh lời mới bán đi. Đợt này giá vàng tăng cao nên anh Dũng chọn mua vàng nhẫn, đồng thời anh đang dồn tiền để chuyển sang một số khoản đầu tư ổn định và sinh lời tốt hơn như cổ phiếu và bất động sản. Đặng Dũng dự tính đến quý 2 năm 2024, anh sẽ cân đối lại danh mục đầu tư của mình.
Ảnh minh hoạ |
Dân kinh doanh nói gì về chuyện mua vàng “lấy may" ngày vía Thần Tài?
Theo quan điểm dân gian, trong ngày vía Thần Tài (tức mùng 10 tháng Giêng), nếu mua vàng - vật tượng trưng cho phú quý, tài lộc - thì sẽ giúp mọi người làm ăn phát ăn tài phát lộc, thuận buồm xuôi gió và tiền bạc rủng rỉnh. Cũng vì thế, các tiệm vàng thời gian gần đây thường nhộn nhịp người mua - kẻ bán, bất chấp giá vàng vào dịp vía Thần tài tăng cao hơn ngày thường.
Ở diễn biến khác, nhiều người cho rằng, mua vàng vào ngày vía Thần Tài là hoạt động chủ yếu dành cho những người kinh doanh. Còn thực tế thì dân kinh doanh chưa chắc nghĩ vậy.
Anh Trọng - một chủ cửa hàng bán gỗ, dự định vẫn giữ thói quen mua 5 chỉ vàng trong ngày vía Thần Tài từ năm ngoái. Vì anh cho rằng với người làm ăn, việc này rất quan trọng.
“Những ngày này, giá vàng có cao hơn ngày thường thì mình vẫn mua với mục đích lấy may và tích lũy tài sản. Cầu tiền tài thuận buồm xuôi gió nên giá cả không quá quan trọng. Thêm nữa, mình mua vàng và chỉ bán khi được giá, nên về lâu dài thì mình không lo lỗ", anh Trọng chia sẻ.
Trái ngược với tinh thần mua vàng “xin vía” nói trên, anh Chính - một người kinh doanh trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu của ngành F&B, lại chưa từng mua vàng lấy may trong ngày vía Thần Tài.
Anh bày tỏ: “Mình tin may mắn là do bản thân tạo ra, chứ không cần đợi may mắn đến. Nếu là người chơi hệ tâm linh thì nên mua vàng vào ngày vía Thần Tài. Còn người chơi hệ thực dụng như mình thì cứ lãi là chốt đút túi chắc tay đã”.
Anh Chính cho biết thêm, anh không phải người đam mê chơi vàng. Vì theo anh, vàng không phải khoản đầu tư tài sản lý tưởng và sinh lời tốt. Hiện với dòng tiền cá nhân, anh chọn phân bổ thu nhập vào chứng khoán, gửi tiết kiệm và kinh doanh nhượng quyền thương hiệu.
Thị trường vàng thế giới chưa 'bắt được sóng' lạm phát
Giá vàng liên tục điều chỉnh giảm trong những phiên giao dịch gần đây do các số liệu lạm phát Mỹ liên tục tăng mạnh hơn dự kiến, dù lạm phát đã giảm khá mạnh so với mức đỉnh cao vào năm 2022.