Sau khi bão số 4 (bão Noru) vừa đi qua thì lũ đột ngột đổ về khiến người dân không kịp trở tay. Đường tắc, cầu trôi khiến hàng ngàn người đang bị cô lập.
Ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - cho biết đêm 28/9, trời bắt đầu đổ mưa to từ 0g đến 3g sáng 29/9, mưa to không ngớt, nước lũ lên rất nhanh, tràn vào gần 100 nhà dân, nhiều nhà hiện đã ngập sâu hơn 1,5m.
Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều xã bị ngập sâu từ 1 - 3m, nhiều xã bị lũ chia cắt.
Người dân xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An di dời tài sản khi nước lũ dâng cao - Ảnh: Phan Ngọc |
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã hỗ trợ các nhà bị ngập nặng di dời tài sản và người đến nơi an toàn. Mưa lớn đã khiến đập thủy lợi ở xã Quỳnh Tam bị sạt lở và có nguy cơ vỡ.
Đm 28/9, hàng trăm người đã phải đội mưa đóng cọc tre, đóng bao cát để gia cố thân đập. Hiện thân đập đã cơ bản an toàn, nhưng UBND xã vẫn cắt cử lực lượng theo dõi.
Nước lũ cũng khiến thân đập ở xã Quỳnh Lâm bị vỡ 150m, hơn 2.000 nhà dân bị ngập sâu từ 0,3 đến gần 1m.
Tối 28/9, đoạn Quốc lộ 7 qua xã Lạng Khê, huyện Con Cuông bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuống đường khiến giao thông bị tắc nghẽn hoàn toàn. Dù lực lượng chức năng đã cố gắng dọn dẹp đất đá nhưng do mưa to nên sáng 29/9, đoạn đường này vẫn chưa được thông. Quốc lộ 48 đi các huyện Quế Phong, Quỳ Châu hiện cũng bị ngập sâu.
Ở tỉnh Hà Tĩnh, nước ngập ở nhiều xã thuộc hai huyện miền núi Hương Sơn và Hương Khê. Từ chiều 28/9, nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến tuyến độc đạo vào bản Rào Tre bị ngập sâu hơn 1,5m, cô lập hoàn toàn gần 50 hộ đồng bào dân tộc Chứt.
Ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 thuộc Cục Quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, tuyến Quốc lộ 8A lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) đang tiếp tục xảy ra sạt lở mái taluy ở nhiều điểm. Điểm sạt lở nghiêm trọng nhất là eo Cô Gái (thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) với khoảng 1.000m3 đất đá tràn xuống đường, gây ách tắc hoàn toàn.
Ở tỉnh Quảng Nam, nước lũ khiến đường 14D qua huyện Nam Giang bị hư hỏng nặng, các phương tiện không thể lưu thông. Đoạn từ Bến Giằng đi thôn Pà Dá, xã Cà Dy có đến 11 điểm sạt lở, ước có hàng ngàn m3 đất đá tràn xuống lòng đường. Đất đá sạt lở do lũ đã chia cắt hoàn toàn tuyến đường ĐT 606 qua huyện Tây Giang.
Nước đang rút dần, nhưng người dân xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn đang bị mắc kẹt. Nước chảy xiết trên sông Bến Hải đã cuốn trôi cây cầu tạm ra giữa sông. Ông Hồ Non - ở thôn Cây Tăm - cho hay, bà con trong thôn cũng đã trữ lương thực nhưng sinh hoạt gặp nhiều bất tiện.
Ông Trần Văn Tặng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô - cho biết, hiện nước đang rút nhưng địa phương vẫn đang bị chia cắt. UBND xã đã thông báo với đơn vị chức năng sớm có biện pháp khôi phục cầu hoặc xây cầu, đồng thời cắt cử lực lượng chốt chặn, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tỉnh Quảng Bình cũng có 17 điểm giao thông bị ngập và 1 điểm bị sạt lở, chủ yếu nằm ở các xã vùng núi, biên giới, thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy. Các nơi này đang bị ngập sâu từ 0,7 - 1,2m.
Thị trường thực phẩm ở TP.HCM không bị ảnh hưởng bởi bão Noru
Thị trường thực phẩm ngày 29/9 không có nhiều biến động mặc dù miền Trung vừa trải qua cơn bão số 4 và theo ghi nhận, hàng hóa tại một số chợ ở TP.HCM vẫn dồi dào.