Sự thật đằng sau công việc mơ ước: Rất nhiều phi hành gia đã qua đời một cách đau lòng như thế này ngoài vũ trụ

Để thực hiện những cuộc thám hiểm vũ trụ kỳ thú, con người đã phải hy sinh rất nhiều.

Làm phi hành gia luôn là ước mơ lớn của nhiều đứa trẻ. Đây có thể coi là một nghề nghiệp vô cùng đặc biệt và đòi hỏi tài năng, chuyên môn cũng như đam mê và sức mạnh thể lực rất cao. Đối với mọi người theo đuổi nghề nghiệp cao quý này, được bước chân ra ngoài không gian, phiêu lưu những vùng đất chưa được biết đến là giấc mơ lớn nhất. Nhưng trong 50 năm qua, đã có hàng loạt thảm kịch xảy ra trong những chuyến bay vào vũ trụ. Các phi hành gia phải đánh đổi nhiều nhất, có những khi là bằng chính mạng sống của mình. 

Trong nửa thế kỷ qua, khoảng 30 phi hành gia và nhà du hành vũ trụ đã thiệt mạng trong khi huấn luyện hoặc thực hiện các nhiệm vụ không gian nguy hiểm. Trong đó, theo ông Nigel Packham, phó giám đốc đảm bảo an toàn và sứ mệnh của NASA, đã có 21 người chết trong không gian. Có 5 sứ mệnh bay vào vũ trụ – 3 của NASA và 2 của Liên Xô – đã kết thúc với cái chết thương tâm. Jim Hermanson, giáo sư hàng không và du hành vũ trụ tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết: “Các vụ tai nạn thường là sự kết hợp của các tình huống bất thường, lỗi thiết bị, lỗi của con người, chính trị và quản lý”.

Những người thiệt mạng ngay trên mặt đất

Thời kỳ đầu trong cuộc chạy đua vào vũ trụ, cả NASA và Liên Xô đều trải qua rất nhiều vụ tai nạn máy bay phản lực gây chết người khi phi công đang thử nghiệm các máy bay đẩy bằng tên lửa. Vụ hỏa hoạn trên tàu Apollo 1 vào tháng 1 năm 1967 là nổi tiếng nhất, khiến các phi hành gia Gus Grissom, Ed White và Roger Chaffee thiệt mạng một cách kinh hoàng. Trong quá trình mô phỏng phóng, một tia lửa lạc trong cabin của tàu vũ trụ nối đất chứa đầy oxy nguyên chất đã bốc cháy. Một đám cháy khổng lồ không thể kiểm soát nổ ra ngay lập tức, dẫn đến cái chết thương tâm của phi hành đoàn khi đang cố gắng vô ích để mở cửa thoát thân.

  Làm phi hành gia là nghề nghiệp thú vị, nhưng vô cùng nguy hiểm

Làm phi hành gia là nghề nghiệp thú vị, nhưng vô cùng nguy hiểm

Các thảm họa ngoài không gian

Hai thảm họa nguy hiểm nhất liên quan đến sứ mệnh tàu con thoi của NASA. Vào tháng 1 năm 1986, tàu con thoi Challenger phát nổ sau 73 giây phóng, khiến 7 người trong phi hành đoàn thiệt mạng. Vụ tai nạn xảy ra do nhiệt độ lạnh bất thường ở Cape Canaveral, khiến một số chất bịt kín của tên lửa mất đi tính linh hoạt. Khí nóng rò rỉ ra ngoài, đốt cháy thùng nhiên liệu và gây ra vụ nổ lớn. Ban quản lý cũng có một phần trách nhiệm khi tiến hành vụ phóng trái với cảnh báo của một số kỹ sư NASA.

Một vụ tai nạn tàu vũ trụ chết người khác xảy ra vào tháng 2 năm 2003, khi tàu con thoi Columbia bị vỡ trong quá trình quay trở lại khí quyển, khiến 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Nigel Packham, người giúp điều tra nguyên nhân thảm họa, cho biết Columbia bị hư hại trong quá trình phóng khi một miếng xốp cách nhiệt bị vỡ - điều xảy ra trong hầu hết các lần phóng trước và sau Columbia. Nhưng trong trường hợp này, tấm xốp đã va vào cánh tàu con thoi làm nó bị hỏng. Cánh bị hư hỏng không thể chịu được nhiệt độ cao khi quay trở lại khí quyển khiến con tàu tan vỡ trong không trung.

  Khu tưởng niệm các phi hành gia tử nạn của NASA

Khu tưởng niệm các phi hành gia tử nạn của NASA

Thảm họa Soyuz 11

Trạm vũ trụ đầu tiên đậu trên bầu khí quyển Trái đất là Salyut 1 của Liên Xô, được phóng (không có người lái) vào ngày 19 tháng 4 năm 1971. Chỉ vài tháng sau, vào ngày 6 tháng 6, ba phi hành gia Soyuz 11 – Georgi Dobrovolski, Vladislav Volkov và Viktor Patsayev – nhận nhiệm vụ tiếp cận Salyut 1 thành công. Sau khi lên tàu, họ đã sống 3 tuần ngoài Trái đất, lập kỷ lục mới về thời gian ở trong không gian lâu nhất lúc bấy giờ. 3 phi hành gia cũng thực hiện vô số thí nghiệm tập trung vào cách cơ thể con người đối phó với thời gian không trọng lượng kéo dài.

  Các phi hành gia Georgi Dobrovolski (trái), Vladislav Volkov (giữa) và Viktor Patsayev (phải)

Các phi hành gia Georgi Dobrovolski (trái), Vladislav Volkov (giữa) và Viktor Patsayev (phải)

Vào ngày 29 tháng 6, các phi hành gia được đưa trở lại tàu vũ trụ Soyuz 11 và bắt đầu hạ cánh xuống Trái đất. Và đó là lúc bi kịch xảy ra.

Ở trên mặt đất, cách công tác để đón Soyuz 11 trở lại dường như diễn ra suôn sẻ. Con tàu vũ trụ dường như đã vượt qua bầu khí quyển một cách tốt đẹp và cuối cùng hạ cánh xuống Kazakhstan theo kế hoạch. Mãi cho đến khi đội cứu hộ mở cửa hầm, họ mới phát hiện cả 3 thành viên phi hành đoàn bên trong đều đã chết.   

Sau khi phát hiện phi hành đoàn Soyuz 11 không phản hồi, đội y tế đã cố gắng hô hấp nhân tạo một cách vô ích.  

Kerim Kerimov, chủ tịch Ủy ban Nhà nước kể lại: “Bên ngoài, không có thiệt hại gì cả. Đội cứu hộ gõ cửa bên cạnh nhưng không có phản hồi từ bên trong. Khi mở cửa sập, họ thấy cả ba người đàn ông nằm trên ghế dài, bất động, với những mảng màu xanh đậm trên mặt và những vệt máu từ mũi và tai. Cơ thể Dobrovolski vẫn còn ấm. Các bác sĩ đã hô hấp nhân tạo. Dựa vào báo cáo của chính họ, nguyên nhân cái chết là do ngạt thở”.

Vụ tai nạn chết người được xác định là do van bị lỗi trên phương tiện hạ cánh của tàu vũ trụ bị bung ra trong quá trình tách khỏi mô-đun. Ở độ cao 168 km, sự kết hợp chết người giữa van rò rỉ và chân không của không gian nhanh chóng hút hết không khí ra khỏi cabin phi hành đoàn, làm giảm áp suất. Và vì van được giấu bên dưới ghế của các phi hành gia nên họ không thể khắc phục sự cố kịp thời.

  Các phi hành gia đã tử vong sau khi thực hiện chiến tích

Các phi hành gia đã tử vong sau khi thực hiện chiến tích

Do hậu quả trực tiếp của cái chết do giảm áp suất của phi hành đoàn Soyuz 11, Liên Xô đã nhanh chóng chuyển sang yêu cầu tất cả các phi hành gia phải mặc bộ đồ vũ trụ điều áp trong quá trình quay trở lại khí quyển - một thông lệ vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Sự cố này là sự cố duy nhất từng xảy ra bên ngoài bầu khí quyển Trái đất.  

Nigel Packham cho biết hiện nay có khoảng 650 người đã bay vào vũ trụ và con số đó sẽ còn tăng nhanh do số lượng các chuyến bay vũ trụ thương mại ngày càng tăng. “Sẽ không bao giờ không có rủi ro. Đó là cái giá phải trả cần thiết để vào không gian", ông nói.

Nguồn: Live Science, Astronomy

Chi Chi

Phát hiện ngôi sao có từ tính mạnh nhất trong vũ trụ, hơn Mặt trời 43.000 lần

Phát hiện ngôi sao có từ tính mạnh nhất trong vũ trụ, hơn Mặt trời 43.000 lần

Việc phát hiện một ngôi sao có từ tính gấp 43.000 lần so với Mặt trời có thể giúp làm sáng tỏ bí ẩn về cách hình thành của sao nam châm.