Sản phẩm sữa Hikid do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Phương Linh (địa chỉ tại 33 Nguyễn Như Đổ, phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội) nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Việt Nam đang vấp phải làn sóng chỉ trích từ dư luận vì hành vi quảng cáo bị cho là thổi phồng, thiếu căn cứ khoa học và có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Quảng cáo.
Mới đây, trên fanpage “Hikid Vietnam” – nơi có hơn 10.000 lượt thích và hơn 11.000 lượt theo dõi – các nội dung quảng bá sản phẩm liên tục xuất hiện với những cụm từ gây chú ý như “Hikid - số 1 chiều cao” hay “100g Hikid = 2mg CBP = 20L sữa tươi”. Những lời lẽ "thần thánh hóa" công dụng.
Tuy nhiên, theo Luật Quảng cáo hiện hành, những cụm từ như “số 1”, “duy nhất”, “tốt nhất” chỉ được phép sử dụng nếu doanh nghiệp có đầy đủ bằng chứng được chứng nhận bởi các tổ chức khảo sát thị trường hoặc qua các cuộc thi, triển lãm chính thống có quy mô khu vực hoặc quốc gia.
![]() |
Fanpage có tên “Hikid Vietnam” quảng bá sản phẩm sữa Hikid "nổ" công dụng. |
Thực tế, đến nay, chưa có bất kỳ công bố chính thức nào từ phía Hikid hay Công ty Phương Linh khẳng định sữa Hikid là sản phẩm “số 1 về tăng chiều cao” tại Việt Nam. Việc so sánh “100g Hikid = 2mg CBP = 20L sữa tươi” trong đoạn clip quảng cáo càng gây tranh cãi. CBP – Colostrum Basic Protein – là một thành phần chiết xuất từ sữa non. Tuy nhiên, so sánh trực tiếp với sữa tươi như vậy có thể gây hiểu nhầm rằng giá trị dinh dưỡng của Hikid vượt trội, trong khi sản phẩm thực tế chỉ là thực phẩm bổ sung chứ không thể thay thế bữa ăn chính hay nguồn dinh dưỡng thiết yếu hàng ngày.
Trước làn sóng phản đối, Công ty Phương Linh đã phát đi thông cáo chính thức đăng tải trên fanpage “Hikid Vietnam”, trong đó thừa nhận có thiếu sót trong việc diễn đạt nội dung so sánh hàm lượng CBP. Công ty thừa nhận rằng chưa có cơ sở khoa học chính thức nào chứng minh con số quy đổi CBP như trong thông điệp quảng cáo, đồng thời cam kết sẽ điều chỉnh lại thông tin truyền thông theo hướng minh bạch hơn.
![]() |
Công ty nhập khẩu và phân phối sản phẩm đưa ra thông cáo báo chívề vụ việc. |
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có Văn bản số 741/ATTP-NĐTP gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xử lý hoạt động quảng cáo sản phẩm sữa Hikid có dấu hiệu sai phạm. Cục nhấn mạnh việc xử lý các nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và đề nghị có phản hồi chính thức về kết quả kiểm tra.
Không chỉ sữa Hikid, Cục An toàn thực phẩm cũng tiếp tục ban hành Văn bản số 754/ATTP-NĐTP yêu cầu kiểm tra hoạt động quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ – một sản phẩm khác đang bị báo chí phản ánh có dấu hiệu “thổi phồng” công dụng đến mức bị mô tả như “thần dược chữa tự kỷ”.
Theo đó, Cục yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo của sản phẩm Nutri Brain IQ, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, đồng thời báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm và thông tin đến các cơ quan báo chí.
Các động thái trên cho thấy cơ quan quản lý đang quyết liệt xử lý tình trạng quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, đặc biệt với các sản phẩm liên quan đến trẻ em và sức khỏe cộng đồng. Việc doanh nghiệp "nói quá" về công dụng thực phẩm bổ sung không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và sức khỏe người dùng khi sử dụng sai mục đích. Nhất là thời gian gần đây hàng trăm nhãn hiệu sữa giả bị phanh phui đang gây xôn xao dư luận.
Da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ: Chuyên gia chỉ ra những sai lầm của các mẹ
Da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích vượt trội, nhưng nhiều mẹ vẫn hiểu sai. Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân và cách thực hiện đúng.