Công an TP. Hà Nội cho biết thời gian gần đây đã liên tiếp nhận đơn trình báo người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng và nhiều nhất là 57 tỷ đồng vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng.
Một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa phổ biến có thể kể đến như: Kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối, quyền chọn nhị phân…
Giai đoạn giá của một số đồng tiền mã hóa, tiền ảo tăng trong thời gian qua cũng là thời điểm các đối tượng phạm tội tăng cường hoạt động quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên không gian mạng thông qua các sàn giao dịch, các website đối tượng đưa ra.
Mặc dù chiêu trò của các đối tượng lừa đảo không mới nhưng rất tinh vi nên khiến nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy. (Ảnh minh hoạ: Guardian) |
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng phương thức đầu tư tài chính dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp. Các sàn này được quảng cáo là có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, có thể rút vốn bất cứ lúc nào,...
Sau khi nhà đầu tư tham gia vào nhóm (Zalo, Telegram), các đối tượng và thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục nhà đầu tư tham gia giao dịch đầu tư tài chính cũng như mua bán tiền ảo, tiền mã hóa.
Khi nhà đầu tư vào nhóm, các đối tượng liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục họ tham gia đầu tư tài chính, mua bán tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản. Để tạo “uy tín”, thời gian đầu những kẻ lừa đảo sẽ trả hoa hồng cho các nhà đầu tư rất đúng hạn. Thậm chí, có những nhà đầu tư “chim mồi” liên tục khoe chiến tích chốt lời để kích thích lòng tham của nạn nhân. Khi nạn nhân chuyển số tiền lớn thì các app bị sập và biến mất.
Tại Việt Nam, khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý, xử lý với tiền mã hóa chưa rõ ràng. Người dân vẫn có thể tham gia giao dịch tiền số công khai trên mạng, thông qua các sàn giao dịch quốc tế lẫn trong nước, hoặc vào các hội nhóm, diễn đàn.
Người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường. (Ảnh minh hoạ) |
Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác, chỉ tin tưởng vào nền tảng, sàn giao dịch có uy tín, được xác thực và cấp phép bởi Nhà nước, cẩn trọng trước lời đề nghị hoặc giới thiệu đầu tư qua mọi hình thức, đặc biệt là không gian mạng.
Ngoài ra, cần cảnh giác lời mời đầu tư với lãi suất cao bất thường và các khoản phí không rõ ràng. Nên tìm hiểu kỹ phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư, đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư.
Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo chuyên gia tài chính hoặc luật sư để đưa ra quyết định thông minh, an toàn và giảm rủi ro lừa đảo. Trong trường hợp gặp tình huống nghi ngờ lừa đảo, hãy liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Tràn lan thông tin "Đào, phở và piano" chiếu đồng giá 45k tại CGV, Lotte, sự thật hay chỉ là chiêu lừa đảo?
Mới đây, cộng đồng mạng lan truyền thông tin CGV và Lotte đã chiếu "Đào, phở và piano" đồng giá 45.000 đồng tại tất cả các cụm rạp.