Thịt đông, món ăn độc đáo trên mâm cỗ Tết Việt

Thịt đông - nghe cái tên đã thấy “đông” về. Đây là món ăn duy nhất trong ẩm thực miền Bắc có dạng đông lạnh, không thể thiếu trong ngày Tết.

Thịt đông là món ăn truyền thống, độc đáo và tinh túy của người Việt, đặc biệt với người miền Bắc. 

Nguyên liệu làm món thịt đông độc đáo và tinh túy của người Việt. 
Nguyên liệu làm món thịt đông độc đáo và tinh túy của người Việt. 

Xứ Bắc mùa đông, đã giá rét lại còn mưa dầm. Chỉ có mùa đông buốt giá ấy mới có thể ngưng đong thứ mỡ lợn chảy ra sau quá trình ninh nhừ thành thứ thạch đông béo ngậy. Chính vì sống trong cái lạnh khắc nghiệt ấy, mà người ta phải nạp nhiều năng lượng hơn để liên tục sưởi ấm cơ thể. Vì vậy món ăn thơm ngon giàu đạm thịt đông ra đời.

 Có người thích thịt đông bởi miếng thịt sau khi được nấu đông mềm nhừ, hồng hồng, thơm vị hạt tiêu trong từng lớp đông sương trong vắt.

Có người lại thích cảm giác cắn miếng thịt đông lành lạnh mà ngọt lành quyện vào cơm nóng. Có người mê món ăn ấy là bởi, mỗi năm chỉ được ăn một mùa duy nhất. Và chỉ khi đông về, món thịt đông mới thực sự là thịt đông. Để rồi ba mùa còn lại cứ nhung nhớ không nguôi. Và nhất là với những ai phải xa xứ Bắc, mỗi độ đông về làm sao không nhớ món thịt đông cho cam.

Theo cách nấu truyền thống, thịt đông phải được làm từ 2 nguyên liệu chính là chân giò và bì lợn. Sau khi 2 thứ ấy được làm sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn thì ướp thêm đủ loại gia vị để tăng mùi hương như tiêu, nước mắm, mộc nhĩ… Khi thịt ngấm, đổ nước ngập thịt khoảng 5cm rồi cứ thế đun lửa nhỏ liu riu. Nấu đến khi thịt mềm nhừ, nước xâm xấp mặt thịt thì bắc ra.

Công thức chung là thế, nhưng những người nấu món thịt đông có kinh nghiệm và khó tính hơn thường rất cẩn thận trong từng khâu. Muốn có phần thạch đông đẹp thì từ khâu chọn nguyên liệu đã phải lưu ý mua đủ 1/3 lượng bì. Thịt đông cho quá nhiều hạt tiêu sẽ bị cay, át đi vị ngọt của mỡ lợn chảy ra. Nhiều mộc nhĩ thì nhanh vữa và chảy nước. Nhiều bì lợn lại đông cứng hoặc bị đóng nhiều mỡ trắng trên bề mặt thịt trông không đẹp mắt.

Với người xứ Bắc, trong mâm cỗ Tết, có thể thiếu giò thiếu chả chứ tuyệt đối không thể thiếu được bát thịt đông.
Với người xứ Bắc, trong mâm cỗ Tết, có thể thiếu giò thiếu chả chứ tuyệt đối không thể thiếu được bát thịt đông.

Khi nấu, phải canh không để lửa quá to khiến thịt bên trong sôi quá mạnh. Vừa đun phải vừa canh hớt bọt để thịt trong. Đặc biệt, khi bắc xoong thịt ra khỏi bếp phải thật nhẹ nhàng múc ra các bát để món ăn không bị “long chân”. Nếu bát thịt sau khi đã múc ra mà không được để yên, thì phần thạch khó có thể đóng đông đẹp như ý muốn.

Cầu kỳ cách nấu xưa, các cụ nhà ta thường hay đặt những bát thịt đông vào chiếc mâm, chờ sương lạnh buông xuống thì bưng ra đặt ở ngoài sân. Lời giải thích cùng với đó rằng, làm như thế để món ăn hấp thụ khí lạnh, sương giá của khoảnh khắc trời đất giao mùa mới có được tinh nguyên của vũ trụ.

Khi thịt đông lại trên bề mặt sẽ có một lớp mỡ màu trắng mịn như tuyết. Độ ngậy, mát khiến thịt đông trở thành món ăn hấp dẫn. Bát thịt đông được lật úp vào đĩa, cánh hoa giữa phần thạch trong tươi sắc. Miếng thịt mềm, hồng nhạt, có mùi thơm lạ. Nếm thử ngòn ngọn của chất đông hấp dẫn, ăn không ngấy. Khi ăn bạn dùng dao mũi nhọn lách xung quanh thành khuôn và úp ra đĩa để thưởng thức với cơm nóng, chấm nước mắm nguyên chất với chanh ớt, ăn với dưa hành, dưa cải, củ kiệu sẽ rất hấp dẫn.

Với người xứ Bắc, trong mâm cỗ Tết, có thể thiếu giò thiếu chả chứ tuyệt đối không thể thiếu được bát thịt đông. Mâm cơm tất niên cúng tổ tiên hạ xuống, cả nhà quây quần bên nhau cùng những vui buồn của ba trăm sáu mươi lăm ngày ngắn ngủi.

AN LY (t/h)

Thức ăn đường phố Sài Gòn vào top 5 ngon nhất thế giới, vượt qua nhiều thiên đường ẩm thực

Thức ăn đường phố Sài Gòn vào top 5 ngon nhất thế giới, vượt qua nhiều thiên đường ẩm thực

Tạp chí CEOWORLD (Mỹ) đánh giá thức ăn đường phố ở TP HCM đứng thứ 4 về độ ngon, trên nhiều thiên đường ẩm thực khác như Bắc Kinh, Tokyo, Seoul