Thổ cẩm Lô Lô, niềm tự hào và… nỗi lo

Phụ nữ Lô Lô phô diễn bản sắc văn hóa của mình qua trang phục với họa tiết hoa văn cầu kỳ được thêu bằng tay.

Chúng tôi đến Mèo Vạc (Hà Giang) vào những ngày cuối năm. Sương mù dày đặc đến thành nặng hạt, tầm nhìn xa không quá 20m. “Quá mù ra mưa”, người miền xuôi gọi kiểu thời tiết này như vậy. Mọi thứ thành mờ ảo trong nhiệt độ không vượt quá 10 độ C khiến những người miền xuôi phải co ro ngại ngần mỗi khi bước ra đường. Ngạc nhiên là trẻ em vẫn đi học bình thường. Người dân ở đây nói chỉ khi nào nhiệt độ xuống 1 - 2 độ C thì bọn trẻ mới phải nghỉ học.

Cái lạnh của nhiệt độ thấp cộng hưởng với sương mù khiến cái buốt giá tăng lên, khiến ta thèm lửa, và muốn tụ lại bên nhau quanh những chảo than hồng rực. Người Mèo Vạc bây giờ ít sưởi củi. Họ dùng một thứ than chắc nịch được om từ những thanh gỗ nghiến nhỏ không chế tác được đồ mộc nữa. Than này thậm chí còn cháy đượm và bền hơn cả than đước ở Nam Bộ. Bên một chảo than như thế, người ta có thể nói đủ thứ chuyện…

Hoa văn trên thổ cẩm Lô Lô
Hoa văn trên thổ cẩm Lô Lô

Mãi tới ngày cuối cùng trong 5 ngày ở Mèo Vạc, chúng tôi mới gặp được một nữ nghệ nhân thêu thổ cẩm nổi tiếng. Bà Doãn Thị Mỷ năm nay 74 tuổi, cư trú ngay trong thị xã Mèo Vạc và sinh sống bằng một quầy tạp hóa với sự trợ giúp của cô con gái duy nhất và chồng cô ấy.

Người Lô Lô (thường tự gọi là người Di) có gốc từ phía Nam Trung Quốc, trong những cuộc nội chiến từ nhiều thế kỷ trước đã chạy loạn sang vùng núi này và định cư trong một cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số. Người Lô Lô có niềm tự hào về lịch sử văn minh đã có từ hàng ngàn năm trước, với chữ viết, trật tự thiết chế xã hội hoàn hảo và bản sắc văn hóa không thể trộn lẫn.

Với người phụ nữ Lô Lô, cái họ phô diễn bản sắc văn hóa của mình chính là trang phục với họa tiết hoa văn cầu kỳ được thêu bằng tay, một công việc được thực hiện bền bỉ suốt tuổi thanh xuân của họ, thậm chí cả khi đã làm vợ, làm mẹ. Cứ lúc nào rảnh rỗi, bên bếp lửa bập bùng, họ lại thêu.

Những đường thêu phức tạp với chỉ thêu đủ những màu cơ bản trên nền vải lanh truyền thống màu đen được sắp xếp bên nhau tạo nên một hòa sắc rực rỡ. Họa tiết trên mũ, áo, quần, và tấm đắp ngang hông thoạt nhìn có vẻ khá đơn giản, nhưng soi kỹ vào lại thấy độ phức tạp và tinh tế của những người phụ nữ Lô Lô vô cùng xinh đẹp này.

Chú ý hơn nữa, ta có thể thấy trên các bộ trang phục của phụ nữ Lô Lô, có những họa tiết không giống nhau. Thông thường đó là những hình tam giác đủ màu được ghép rất khéo bằng những miếng vải nhỏ, nhưng ở những bộ trang phục cầu kỳ hơn lại là những họa tiết thổ cẩm thêu tay tinh xảo. Đó là sản phẩm của một thời, mà ngày nay ít người còn đủ kiên nhẫn để làm ra nó.

Phụ nữ Lô Lô với bàn tay khéo léo thêu hoa văn trên trang phục truyền thống (Ảnh: Trần Việt -TTXVN)
Phụ nữ Lô Lô với bàn tay khéo léo thêu hoa văn trên trang phục truyền thống (Ảnh: Trần Việt -TTXVN)

Bà Doãn Thị Mỷ nói, để có một bộ trang phục tuyệt đẹp như thế, bà phải mất 3 năm. Bà Mỷ học thêu từ năm 15 tuổi. Con gái vùng cao thường lấy chồng sớm. Nhưng bà Mỷ không muốn sớm bị ràng buộc. Là một cô gái xinh đẹp và có cá tính, bà thích đi nương, đi rừng, hát Sình ca mỗi mùa xuân về hơn là ru rú trong nhà.

Nhưng đúng sinh nhật 15 tuổi, mẹ bà (vốn thêu rất giỏi) bảo con gái Lô Lô không biết thêu thùa là thứ vứt đi. Nên hoặc là học thêu, hoặc là phải cưới chồng, mà là cưới một… anh nghiện cả rượu lẫn thuốc phiện, vì người đàng hoàng không ai thèm cưới con gái không biết thêu. Ông bố thì đặt con dao quắm sắc lẻm bên cạnh, bảo “hoặc học thêu, hoặc tao gặt đầu mày xuống”.

Bà Mỷ thời trẻ
Bà Mỷ thời trẻ

Thế là cô gái 15 tuổi cặm cụi học thêu trong nước mắt. Nhưng có lẽ trời cho cô Mỷ cái năng khiếu để trở thành một nghệ nhân thêu thùa. Chỉ một tháng sau, cô bắt đầu thấy mê thích những hoa văn nổi bật trên nền vải lanh do chính mình tạo ra. Trong hàng chục năm sau đó cô Mỷ xinh đẹp trở thành một tay thêu nổi tiếng trong cộng đồng người Lô Lô ở Mèo Vạc. Ngoài những mẫu thêu đơn giản mà mẹ truyền dạy cho, cô Mỷ xinh đẹp còn mày mò học thêm ở những người già trong vùng những mẫu thêu phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh tế đặc biệt.

Trong khi mở cho chúng tôi xem những mảnh thổ cẩm bà còn lưu giữ như một kỷ niệm trong nhà, bà chỉ những đường thêu tinh xảo, và giải thích cặn kẽ ý nghĩa của chúng. Đây là những quả núi, những mái nhà sàn mà người Lô Lô chọn làm nơi sinh sống, đây là những chi tiết nói về trải nghiệm sinh sản duy trì nòi giống của người phụ nữ (một triết lý kỳ lạ chỉ có trong họa tiết thổ cẩm của người Lô Lô mà chỉ họ mới hiểu), đây là cỏ, đây là hoa… Thậm chí những đường viền cũng được sáng tạo bằng những đường thêu xen màu. Bà Mỷ nói bà dứt khoát từ chối những đường viền kết bằng vải, hoặc thêu đơn sắc.

Con gái bà Mỷ trong trang phục thêu tay.
Con gái bà Mỷ trong trang phục thêu tay.

Rồi cô Mỷ xinh đẹp cưới chồng, có con như mọi người phụ nữ khác. Năm 45 tuổi, bà Mỷ bắt đầu dạy thêu cho các cô gái trong vùng. Lúc đầu tự phát, rồi được Hội Phụ nữ giúp cho tổ chức thành những lớp dạy thêu chính quy hơn. Những kỳ trưng bày trang phục thổ cẩm Lô Lô trở thành điểm nhấn quan trọng trong những mùa lễ hội của địa phương.

Nhưng rồi một sáng kiến khiến bà Mỷ thấy buồn. Đó là người ta bắt đầu thêu những mảnh vải nhỏ để  bán làm đồ lưu niệm cho khách du lịch. Càng nhiều khách du lịch đến Mèo Vạc, nghề thêu “lưu niệm” càng phát triển, vì làm nhanh hơn và nó nhanh mang lại tiền bạc. Sau hàng chục năm như thế, người Lô Lô vắng dần những bộ trang phục thêu tay, mà chỉ còn những bộ trang phục được thiết kế trên máy dệt công nghiệp (phần lớn từ Trung Quốc mang sang).

Phụ nữ Lô Lô ở Mèo Vạc chỉ cần đính thêm vào đó những sợi kim tuyến lấp lánh, hoặc những họa tiết hoa bông như những phụ kiện trang trí thêm… Vẫn rực rỡ đấy, vẫn rộn ràng đấy… mà không còn thấy những chi tiết đầy sáng tạo, đầy triết lý của những người phụ nữ dịu dàng tinh tế nữa. Thậm chí đến vải lanh truyền thống cũng không còn nữa, vì còn người thêu đâu mà cần vải dệt?

Trong ánh chiều nặng sương đang xuống dần, bà Mỷ ngước đôi mắt nhìn mông lung, và nói với giọng buồn thấm thía: “Đến con gái mình nó cũng không muốn học thêu nữa. Nó bảo bộ trang phục thêu 3 năm mới thành, nếu có bán ra cũng chỉ được hơn chục triệu. Làm ăn thế chết đói mẹ ơi…”. Chúng tôi đề cập đến một chương trình bảo tồn do cơ quan văn hóa và Hội Phụ nữ bảo trợ, thì bà cười buồn và lắc đầu: “Khó lắm.

Thổ cẩm Lô Lô, niềm tự hào và… nỗi lo

Giờ không biết có ai ngoài tôi còn nhớ cách thêu không. Mà tôi thì… có nhớ cũng không dạy nổi nữa. Mắt mờ rồi, không cầm kim chuốt chỉ được nữa rồi”. Hóa ra từ chục năm nay, mắt bà Mỷ đã kém hẳn do mấy chục năm ròng kim chỉ trong ánh đèn dầu và lửa sưởi. Thời thế đổi thay, cộng với sự sút kém về thị lực khiến bà Mỷ chấp nhận buông xuôi.

Chúng tôi bàn đến việc cần đưa bà Mỷ về Hà Nội khám mắt, nếu còn có thể thì sẽ thay thủy tinh thể cho bà để mắt bà tinh tường trở lại. Đó có thể sẽ trở thành động lực nội sinh để bà khởi động lại niềm ham thích thêu thùa của những cô gái Lô Lô hiện đại. Muốn thay đổi một hiện trạng nào đó, phải thay đổi từ chính mình trước. Câu nói này không thể đúng hơn với câu chuyện về thổ cẩm Lô Lô. Nghĩ đến khả năng phục hồi được nghề thêu, bà Mỷ vui hơn một chút. Bà nói có thể làm được, vì nguyên liệu vải lanh và chỉ thêu vẫn mua được từ Cao Bằng. Bà lặp lại với niềm háo hức kỳ lạ “Cao Bằng vẫn có!”.

Chữ “có thể” bao hàm một hy vọng. Được chăng?

Trịnh Thanh Nhã

Áo dài thổ cẩm tơ tằm: Những thiết kế mang linh hồn của người Việt xưa

Áo dài thổ cẩm tơ tằm: Những thiết kế mang linh hồn của người Việt xưa

Những mẫu áo dài của NTK Vũ Việt Hà tái hiện ký ức, những dấu ấn truyền thống trong cách ăn vận, lối sống của người dân Việt Nam thời xưa cũ.