Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu Toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Diễn đàn Đối thoại Chính sách với chủ đề “Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh khẳng định: “Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động của Hội nghị P4G, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế hướng tới một tương lai phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.” Ông nhấn mạnh, tăng trưởng xanh không chỉ là đích đến mà còn là động lực thúc đẩy phát triển bền vững.
Những chiến lược cụ thể và định hướng rõ ràng
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi mô hình phát triển sang hướng xanh, tuần hoàn và ít phát thải là xu thế tất yếu.
Nhà nước Việt Nam đã sớm ban hành các chiến lược và chương trình hành động cụ thể, như Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh từ năm 2012 và các phiên bản cập nhật đến năm 2050. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh cũng đang được đẩy mạnh.
Đáng chú ý, Chương trình KH&CN quốc gia “Net Zero” KC.16/24-30 do Bộ KH&CN chủ trì, được xem là điểm nhấn trong nỗ lực hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26.
Cơ hội cho khởi nghiệp xanh
Hiện nay, Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó khoảng 5-7% hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi xanh, như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó là một hệ sinh thái hỗ trợ khá phát triển, với hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 200 quỹ đầu tư và nhiều không gian làm việc chung.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh cho rằng để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp xanh hiệu quả và bền vững, cần có sự tham gia chủ động của tất cả các bên liên quan – từ khu vực công, tư nhân đến các tổ chức quốc tế. “Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để định hình tương lai xanh và bền vững cho Việt Nam và thế giới,” ông nói.
![]() |
Phiên thảo luận: Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững |
Những thách thức cần vượt qua
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, mặc dù các startup xanh tại Việt Nam đang phát triển nhanh, nhưng vẫn gặp không ít rào cản. Trong đó, vấn đề huy động tài chính và khung pháp lý phù hợp là những trở ngại lớn.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chuyên sâu trong các lĩnh vực như kinh tế tuần hoàn, quản lý carbon hay sản xuất vật liệu sinh học còn hạn chế. Thói quen tiêu dùng chưa thực sự thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cản trở sự phát triển của thị trường xanh.
Để khắc phục, ông Quất đề xuất các giải pháp như xây dựng bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, phát triển bộ chỉ số đánh giá tác động môi trường-xã hội-kinh tế cho startup công nghệ xanh, và thúc đẩy liên kết giữa viện – trường – doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ.
Kinh nghiệm quốc tế và vai trò của công nghệ
Tại Diễn đàn, ông Malle Fofana – Giám đốc khu vực châu Á của Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) – chia sẻ: “Trên toàn cầu, 75% các công nghệ xanh còn đang ở giai đoạn sơ khởi và cần được chuyển hóa thành các sản phẩm, dịch vụ hữu hình.”
Ông Fofana nhấn mạnh vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giải quyết các thách thức về khí hậu, đồng thời kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ giữa các chính phủ, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và tổ chức quốc tế để biến công nghệ khí hậu thành “tài sản của thế hệ tương lai.”
Một trong những điểm nhấn của Diễn đàn là Phiên thảo luận mở với chủ đề “Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”, quy tụ đại diện của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ. Phiên thảo luận tập trung vào việc làm rõ vai trò của hợp tác công - tư trong việc huy động nguồn lực và tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp xanh.
Hội nghị P4G 2025 do Việt Nam đăng cai có chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, thể hiện định hướng phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững. Mục tiêu của hội nghị là thu hút nguồn lực quốc tế, đặc biệt cho các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, KH&CN và đổi mới sáng tạo – các trụ cột quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21.
Nữ trí thức tỏa sáng tại Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh"
ThS Trần Thị Hương Giang, đại diện Hội Nữ trí thức Việt Nam, đã xuất sắc giành giải Ba tại Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh"