Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới. Người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng. Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của hộ gia đình. Điều này trở thành một áp lực nặng nề với các bậc cha mẹ ngay cả khi có thu nhập ổn định ở mức khá.
Mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội thu hút sự tranh luận khi tiết lộ: Gia đình chị có thu nhập cả 2 vợ chồng khoảng 45 triệu/tháng, tính đầu tư cho 2 con học các trường như cấp 2 chất lượng cao như Trường THCS Đoàn Thị Điểm, THCS Archimedes Academy hay Trường THCS -THPT Newton, cả ăn, học và xe tuyến tầm 20 triệu (2 bé).
Chị cho biết, gia đình hiện đã có nhà riêng, không nợ nần, không phải nuôi ô tô, không có giúp việc nhưng cũng không có tiền tích lũy. Với tình hình như vậy, liệu sự đầu tư này có mạo hiểm quá hay không?
Ảnh minh họa |
Nên tiết kiệm tiền học để dự phòng...
Thực tế, trên mạng xã hội, hàng loạt cuộc bàn luận về việc thu nhập bao nhiêu thì nên cho con theo học trường tư, mức chi trả cho giáo dục của các gia đình ở thành phố chiếm bao nhiêu % tổng thu nhập, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thậm chí, thành viên một diễn đàn còn kết luận "thu nhập cỡ 80 triệu đồng/tháng mới nên cho cả 2 con học trường tư". Ý kiến này nhận nhiều tranh cãi. Người đồng ý, người không nhưng đa phần đều xác định mức chi cho việc học của con nên nằm ở mức 30% tổng thu nhập của gia đình.
Với trường hợp bà mẹ nói trên, nhiều người khuyên không nên mạo hiểm. Chi phí học của bé như vậy thì chiếm quá lớn so với tổng thu nhập. Nhiều bạn học ngoài học ở trường tư song vẫn phải đi học thêm các môn như tiếng Anh ở ngoài, lên lớp 4 học thêm Toán tiếng Việt để thi chuyển cấp trường chuyên. Chưa kể còn nhiều chi phí khác cho con chứ không phải mỗi học chính. Bố mẹ cũng nên có tích luỹ phòng trừ các trường hợp cần tiền như ốm đau,... Hiện tại bố mẹ chưa có tích luỹ, tương lai cũng không có tích luỹ vì chi khá nhiều cho tiền học của con và không có khoản đầu tư nào cho ra thu nhập thụ động thì khá căng thẳng.
"Cả học, ăn, xe tuyến như phải 12-13 triệu/bé ấy, chứ không phải 10 triệu đâu mẹ. Còn đầu tư hay không, thì chỉ tự mom quyết định. Cảm thấy co kéo được không, rồi mức sống hiện tại đang như thế nào, kinh tế ông bà ra sao, ông bà có hỗ trợ cho không.
Khi các con còn tiểu học thì sẽ thấy gánh được, nhưng khi các con lên cấp 2, cấp 3, là nhiều nhu cầu vô cùng. Ăn rất là khoẻ, quần áo cũng thay liên tục, chi phí linh tinh ngoài khá nhiều. Học thêm nếm ngoại khoá thì vô kể. Bạn tính đường dài 12 năm phổ thông và 4 năm đại học thử. Đại học thì nếu bạn nào năng động sẽ làm thêm nhưng chỉ đủ bù tiền tiêu riêng cho bản thân thôi", một người nêu ý kiến.
Phụ huynh khác cho biết, thu nhập gia đình nhà mình nhỉnh hơn, cũng không nợ nần, có tích luỹ rồi, đã từng định hướng sẽ cho con học tư. Nhưng sau 1 vài năm nuôi con thì chuyển hướng học công cùng với việc tích luỹ tài sản và bổ sung kiến thức bằng nhiều đường khác. Theo chị, nói chung nếu cố cho con học cũng được nhưng nếu không tích luỹ phòng khi có việc thì sẽ vất vả.
Hay "hy sinh đời bố, củng cố đời con"?
Ngược lại với luồng ý kiến trên, một số người cho rằng, đã chấp nhận đầu tư cho con học hành thì phải cố cắt giảm những nhu cầu khác. Có người chia sẻ, dù thu nhập gia đình tổng chỉ có 35 triệu, còn "nuôi" ô tô nhưng vẫn cho 1 đứa con học Archimedes và cố gắng sang năm "nhét" nốt thêm 1 bé vào đây. Cứ mạnh dạn, hy sinh đời bố củng cố đời con, đầu tư cho giáo dục thì không bao giờ lỗ.
Người khác tâm sự: "Nhà mình còn 3 đứa. Mỗi bạn mình chi tối đa 10 triệu cho việc đầu tư giáo dục. 2 bạn lớn học Newton đây. Thu nhập 2 vợ chồng tầm 55 triệu. Xác định mình nhịn chút để đầu tư cho con. 10 triệu là có thể học, ăn, đi xe hệ A của Newton rồi".
Lý lẽ của nhiều phụ huynh khi cho con học trường tư chất lượng cao là họ không mất thời gian, năng lượng để đưa đón con học thêm, học tăng cường hay câu lạc bộ, dã ngoại, trải nghiệm hay kỹ năng sống bởi ở trường, con được tiếp xúc đầy đủ, trực quan. Tiếng Anh của con cũng ổn. Hơn nữa, tại ngôi trường hiện tại, con thích thú, hạnh phúc khi đi học. Giáo viên tôn trọng, khuyến khích trẻ tự tin thể hiện mọi thứ vốn có của mình.
Thu nhập là chi tiết quan trọng để đưa ra quyết định trong nhiều tình huống nhưng mỗi người có quan điểm khác nhau về vật chất nên mọi so sánh đều khập khiễng. Đầu tư đúng đắn cho giáo dục là đầu tư thiết thực.
Chi tiền học cho con bao nhiêu là hợp lý?
Trên thực tế, không ít gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, không tự chủ được tài chính khi mạnh tay chi nhiều tiền cho con cái học hành. Thậm chí, có người phải đành lòng cắn răng nhìn con lâm vào cảnh "giữa đường đứt gánh" thay đổi môi trường vì học giữa chừng thì... hết tiền.
Đầu tư cho con là đúng, nhưng cần có giới hạn, và phải xem xét cả năng lực của con chứ không phải đầu tư mù quáng chạy trường chạy lớp, chỉ khổ con mình rồi cả bản thân mình nữa. Chẳng có công thức hay tỷ lệ nào là hoàn hảo cả, tùy hoàn cảnh của từng gia đình mà liệu cơm gắp mắm. Đầu tư cho con cái ăn học là việc nên ưu tiên nhưng chỉ có ích khi đứa trẻ chịu học dù là trường công, tư hay quốc tế. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi tiền cho con học nhưng bản thân đứa con thì lười, học lúc nào cũng đợi nhắc thậm chí la mắng thì cuối cùng cũng chẳng học giỏi nổi.
Một chuyên gia cho biết: "Tôi thấy nhiều bố mẹ chi hết 50-70% lương cho nhu cầu học hành của con cái. Theo tôi thấy thì quá rủi ro và lãng phí. Có nhiều cách để con bạn học tốt hơn mà không phải đi học thêm những nơi đắt tiền. Và nếu bạn muốn con giỏi tiếng Anh thì bạn nên chịu khó học tiếng Anh rồi giao tiếp với bé hàng ngày kết hợp học thêm một cách chọn lọc, hơn là đăng ký cho bé học hết lớp này đến lớp khác.
Bạn cũng nên cho các bé khám phá sở trường của mình giúp cuộc sống của bé thú vị hấp dẫn hơn. Cân đối khoản đầu tư và khoản chi cho con cái. Đừng bao giờ chi hết cho con cái và không để dành tiền để đầu tư như vậy lúc nào cũng túng quẫn, tài chính bấp bênh".
Chồng và hàng xóm ghét nhau ra mặt, biết lý do mà tôi dở khóc dở cười vì chuyện đã xảy ra cả chục năm
Lâu như vậy rồi mà chồng tôi không buông được lòng tự ái, vẫn cay cú.