TP.HCM đón học sinh tới trường như thế nào?

Sau khi quyết định thí điểm dạy học trực tiếp từ 13/12 đối với lớp 1, 9, 12 trong hai tuần được UBND TP.HCM ban hành, rất nhiều trường trên địa bàn thành phố đã họp giáo viên, bàn phương án đón học sinh, xử lý khi có F0 và kế hoạch chăm sóc học sinh chưa tiêm vaccine.

Việc thí điểm dạy học trực tiếp được TP.HCM thực hiện từ 13 - 25/12. Sau hai tuần thực hiện đi học lại, thành phố sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế có nhiệm vụ tham mưu cho UBND TP. HCM quyết định việc tiếp tục mở rộng cho học sinh đến trường hay không.

Hiện nhiều trường THPT đang gấp rút vệ sinh, sửa chữa phòng học, và tổ chứ họp phụ huynh để phổ biến kế hoạch đón học sinh trở lại trường.

Công nhân sơn, sửa trần nhà tại trường THCS Minh Đức, quận 1 sau thời gian làm khu điều trị F0. Ảnh: vnexpress
Công nhân sơn, sửa trần nhà tại trường THCS Minh Đức, quận 1 sau thời gian làm khu điều trị F0. Ảnh: vnexpress

Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đang khử khuẩn, vệ sinh bàn ghế, phòng học sau thời gian trưng dụng làm điểm tiêm vaccine. Trường cũng đã trang bị thêm khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay, quần áo chống dịch, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn tay, thùng đựng chất thải.

Ngoài ra, nhà trường cón lắp thêm nhiều quạt thông gió tại các phòng học để tăng sự thông thoáng. Camera cũng được trang bị thêm tại khu làm việc, khuôn viên nhằm giám sát việc tuân thủ quy định phòng dịch, truy vết F0, F1 nếu có. Phòng cách ly được chuẩn bị cho trường hợp giáo viên, học sinh có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, khó thở.

Để đảm bảo an toàn, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ quyết định tách các lớp 12 làm đôi để đảm bảo giãn cách 500 học sinh. Hai lớp tách được bố trí gần nhau, giáo viên giảng bài ở phòng này sẽ được kết nối trên màn hình ở phòng kế bên.

Hiện tại, trường có 98% học sinh tiêm đủ hai mũi; số còn lại chưa tiêm vì từng là F0, đang kẹt ở quê hoặc có bệnh nền. Nhà trường xác định sẽ quan tâm đặc biệt với nhóm 2% này để đảm bảo an toàn cho các em và bạn bè.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã đưa ra phương án xử lý khi có F0 xuất hiện trong trường, đồng thời hướng dẫn các trường thực hiện. 

Vấn đề đảm bảo an toàn cho các học sinh chưa tiêm vaccine vẫn được đến trường đều được các trường và các Sở, ban ngành quan tâm và đưa ra các phương án, giải pháp.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết ngành giáo dục xác định học sinh chưa tiêm vaccine có quyền lợi đến trường như học sinh đã tiêm đủ. Khi trở lại học trực tiếp, thầy cô phải quan tâm đặc biệt đến những học sinh này từ việc hỗ trợ học đến đảm bảo an toàn trong quá trình sinh hoạt tại trường.

Tại các trường Tiểu học và mầm non, nhiều trường dự báo, số học sinh lớp 1 đi học thí điểm có thể sẽ không nhiều. Các trường đều nhận định điều khó nhất là tạo tâm lý yên tâm và nhận được sự đồng thuận của cha mẹ.

Học sinh trường tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) trong ngày đầu trở lại trường ngày 20/10. Ảnh: vnexpress
Học sinh trường tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) trong ngày đầu trở lại trường ngày 20/10. Ảnh: vnexpress

Do đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, "Các phương án tách lớp, phân luồng, giãn cách sẽ được triển khai như cách làm trước đây. Giờ vào lớp, ra về được bố trí lệch giữa các lớp để hạn chế tập trung đông người", hiệu trưởng một trường tiểu học quận 3 cho biết.

 Đồng thời, trong ngày đầu tập trung, giáo viên sẽ làm quen với học sinh, hướng dẫn các em kỹ năng phòng dịch, xây dựng nề nếp. Những ngày tiếp theo, trường củng cố kiến thức đã dạy online song song với việc dạy bài mới.

Cô Ngô Thị Chí Hiếu, Hiệu trưởng trường Mầm non 2/9, huyện Hóc Môn cho biết, trường có thể tách 6 lớp thường thành 12 lớp nhỏ để đảm bảo giãn cách. 

Tại trường Mầm non Ngôi Làng Vui Vẻ (quận Bình Thạnh), nhà trường cho biết sẽ xây dựng mô hình "vòng tròn an toàn", xác định ba nguồn lây nhiễm với trẻ gồm: cha mẹ, người thân; giáo viên, nhân viên trường và cộng đồng xung quanh.

Theo đó, khi học trở lại, các em cần được xét nghiệm Covid-19 bằng nước bọt hàng tuần hoặc gia đình cung cấp kết quả tự xét nghiệm âm tính của các thành viên. Việc này được áp dụng cho cả giáo viên, nhân viên trường.

Ngoài ra, các giờ học thể thao, ra chơi, ăn trưa, trẻ đều được tách riêng biệt. Các lớp được bố trí để trẻ không tiếp xúc, lối đi thiết kế một chiều, giảm thiểu học sinh đối mặt nhau. "Khi triệt tiêu nguy cơ ở các nguồn lây nhiễm chính sẽ giảm rủi ro đến mức thấp nhất, tạo thành vòng tròn an toàn bảo vệ trẻ", thầy Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngôi Làng Vui Vẻ cho biết.

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, khi học trực tiếp sẽ xảy ra nguy cơ học sinh nhiễm bệnh tại trường và lây cho người thân trong gia đình. Do đó, điều khác cần quan tâm là người thân trong gia đình học sinh đã được tiêm vaccine hay chưa, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Diệu Thuần (t/h)

TP HCM không còn đơn vị cấp huyện ở vùng cam

TP HCM không còn đơn vị cấp huyện ở vùng cam

TP HCM thuộc cấp 2 - vùng vàng, thuộc mức nguy cơ trung bình - không thay đổi so với tuần trước.