Tri ân những "Huyền thoại Trường Sơn": Gặp gỡ những người phụ nữ làm nên lịch sử

Hà Nội tri ân "Huyền thoại Trường Sơn" chương trình xúc động tôn vinh những người phụ nữ đã góp phần làm nên con đường huyền thoại và chiến thắng lịch sử 30/4.
Tri ân những

Ngày 24/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến đầy xúc động với chủ đề “Huyền thoại Trường Sơn”. Sự kiện ý nghĩa này là một trong những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng thời tri ân những người phụ nữ đã góp phần làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Các đại biểu tham gia chương trình. Ảnh: PNTĐ
Các đại biểu tham gia chương trình. Ảnh: PNTĐ

Tham dự chương trình có lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, Hội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, cùng đại diện các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của những nhân chứng lịch sử vô cùng quý báu: các nữ chiến sĩ thuộc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, các nữ cựu thanh niên xung phong, các bác, các cô là vợ thương binh nặng và cán bộ Hội cơ sở thuộc gia đình chính sách tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

BàLê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình giao lưu
BàLê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình giao lưu "Huyền thoại Trường Sơn". Ảnh: PNTĐ

Phát biểu khai mạc bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội, đã nhấn mạnh giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975.

"Chiến thắng này không chỉ là kết quả của ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước bất diệt, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, ghi dấu sự hy sinh to lớn của hàng triệu người dân yêu nước, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam 'Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang'", đồng chí Lê Kim Anh khẳng định.

Chương trình "Huyền thoại Trường Sơn" là lời tri ân sâu sắc gửi tới những người phụ nữ đã góp phần làm nên huyền thoại ấy. Đó là những nữ chiến sĩ thuộc Đại đội nữ lái xe mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh - đơn vị nữ lái xe duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biểu tượng cho tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam và sự độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó còn là những nữ cựu thanh niên xung phong những cô gái Hà Nội mảnh mai năm xưa đã gác lại bút nghiên, tình nguyện dấn thân vào tuyến lửa Trường Sơn, không ngại gian khổ, hy sinh, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Chương trình cũng bày tỏ sự xúc động và trân trọng đối với những người vợ kiên cường, mạnh mẽ, những "điểm tựa hạnh phúc" của các thương binh nặng, những người đã âm thầm hy sinh, chăm sóc, động viên chồng vượt qua nỗi đau chiến tranh, xây dựng tổ ấm và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.

Nhân dịp này, đồng chí Lê Kim Anh đã bày tỏ niềm tự hào và trân trọng gửi lời tri ân sâu sắc tới các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước, đặc biệt là các nữ cựu chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, các mẹ/vợ liệt sĩ, nữ thương binh, vợ thương binh tham gia chương trình.

"Noi gương những thế hệ đi trước, các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên, thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ dấu mốc 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội và phụ nữ toàn Thành phố sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, phát huy truyền thống tốt đẹp, hăng hái tham gia xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, vì cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới", đồng chí Lê Kim Anh xúc động chia sẻ.

Chương trình đã mang đến những giây phút lắng đọng, xúc động khi giao lưu trực tiếp với những nhân chứng lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn. Ảnh: PNTĐ
Bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn. Ảnh: PNTĐ

Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về những năm tháng lái xe giữa bom đạn, vận chuyển hàng hóa và thương binh trên tuyến đường huyết mạch. Bà xúc động nhớ lại sự gian khổ, hy sinh của đồng đội, những cung đường hiểm trở và tinh thần đoàn kết, kiên cường của những nữ lái xe "tóc dài". Bà tự hào khi câu chuyện về Đại đội nữ lái xe Trường Sơn được cả nước biết đến và yêu thương, được viết thành sách và xuất bản song ngữ.

Bà Bùi Thị Vân, người từng được ví là
Bà Bùi Thị Vân, người từng được ví là "Hoa khôi" của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn. Ảnh: PNTĐ

Bà Bùi Thị Vân, người từng được ví là "Hoa khôi" của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, đã kể về quyết định "trốn nhà đi bộ đội" từ năm 16 tuổi và hành trình trở thành một nữ lái xe dũng cảm. Bà chia sẻ những khó khăn ban đầu khi làm quen với chiếc xe lớn, những đêm lái xe xuyên rừng dưới mưa bom bão đạn, và cả câu chuyện tình yêu đẹp như một đóa hoa rừng nảy nở giữa chiến trường với người thương binh kiên trì đạp xe hàng chục cây số thăm bà. Câu chuyện tình yêu và sự hy sinh của bà đã lay động trái tim của khán giả.

Bà Hoàng Thị Kim Vinh, nữ cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ. Ảnh: PNTĐ
Bà Hoàng Thị Kim Vinh, nữ cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ. Ảnh: PNTĐ

Bà Hoàng Thị Kim Vinh, nữ cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ, đã nghẹn ngào khi nhớ lại khoảnh khắc gửi con thơ mới hai tuổi cho ông bà để lên đường tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Bà kể về những năm tháng mở đường 15A từ Thanh Chương đến Hà Tĩnh, nỗi nhớ con da diết và sự hy sinh thầm lặng khi chồng hy sinh năm 1968. Dù vậy, bà vẫn kiên cường vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục cống hiến cho đến ngày đất nước hòa bình.

Chương trình cũng lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động từ bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành, vợ chồng thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Song đã kể về hành trình chăm sóc người chồng bị mù hai mắt, mang đầy thương tích, và người con đầu lòng bị nhiễm chất độc hóa học. Tình yêu, sự kiên trì và đức hy sinh cao cả của bà đã trở thành nguồn động lực lớn lao cho ông Thành vượt qua nỗi đau, tham gia công tác xã hội, trở thành Chủ tịch Hội người mù Việt Nam.

Vợ chồng bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành - thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh PNTĐ
Vợ chồng bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành - thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh PNTĐ

Bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh nặng Lê Đức Thuận, đã chia sẻ câu chuyện cảm động về tình yêu và sự lựa chọn đồng hành cùng người thương binh mất 81% sức khỏe. Bà đã vượt qua mọi khó khăn, xây dựng một gia đình hạnh phúc và tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ các gia đình chính sách, thương bệnh binh.

Cuối cùng, chương trình đã có cuộc trò chuyện sâu sắc với Nhà văn, Đại tá Vũ Thị Hồng, người đã dành cả cuộc đời để ghi lại những ký ức về chiến tranh và những người phụ nữ nơi chiến trường qua những trang viết chân thực và xúc động. Bà bày tỏ sự kính phục trước sự hy sinh cao cả, lòng thủy chung và tinh thần kiên cường của những người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến.

Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã trao tặng những phần quà tri ân ý nghĩa đến các bác, các cô - những người đã làm nên “Huyền thoại Trường Sơn”. Ảnh PNTĐ
Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã trao tặng những phần quà tri ân ý nghĩa đến các bác, các cô - những người đã làm nên “Huyền thoại Trường Sơn”. Ảnh PNTĐ

Chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn” đã khép lại trong không khí xúc động và tự hào. Những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc của các nhân chứng lịch sử đã tái hiện một thời kỳ gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc, làm nổi bật vai trò và sự hy sinh to lớn của những người phụ nữ Việt Nam. Đây là lời tri ân sâu sắc, là sự nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của độc lập, tự do và tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc.

Hoàng Toàn

Thăm và tặng quà các nhân chứng lịch sử Hoàng Sa

Thăm và tặng quà các nhân chứng lịch sử Hoàng Sa

Ngày 19/1/2021, tròn 47 năm ngày Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm phi pháp quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.