Nữ anh hùng phát hiện virus corona chủng mới của Trung Quốc

Bác sĩ Trương Kế Tiên (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) được xem là người đầu tiên chẩn đoán dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra.

Người phụ nữ 54 tuổi này hiện đang là Chủ nhiệm khoa Hô hấp và bệnh nặng, Bệnh viện Đông Tây y kết hợp tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Phóng viên tờ Trường Giang nhật báo cho hay, phải hẹn rất nhiều lần bà mới chút thời gian gặp mặt. Đôi mắt mệt mỏi nhưng vấn ánh lên vẻ thân thiện, dáng vóc bé nhỏ chưa đầy 1m6, giọng nói nhẹ nhàng,  nếu bỏ bộ đồ bảo hộ, sẽ không ai biết bà là người đầu tiên phát hiện và báo cáo về virus corona chủng mới - người đang được coi như anh hùng ở Trung Quốc. 

Bác sĩ Trương Kế Tiên đang đọc kết quả chụp CT của một bệnh nhân điều trị tại bệnh viện 
Bác sĩ Trương Kế Tiên đang đọc kết quả chụp CT của một bệnh nhân điều trị tại bệnh viện 

Bài viết về bà trên tờ Trường Giang nhật báo ngày 30/1 đã khiến bà trở nên nổi tiếng trong bối cảnh đại dịch do virus corona đang trở thành nỗi ám ảnh trên toàn đất nước rộng lớn này. 

Phát hiện sớm vì không bỏ qua những điều bất thường

Sáng ngày 26/12/2019, khoa Hô hấp của bác sĩ Trương Kế Tiên tiếp nhận 2 bệnh nhân là một cặp vợ chồng già ở khu nhà đối diện bệnh viện lên cơn sốt, ho, đến khám. Kết quả chụp CT phổi cho thấy, virus gây ra bệnh của họ có dấu hiệu khác với các loại virus đã biết.  Bà Trương lập tức yêu cầu cậu con trai của hai người này cùng làm xét nghiệm. Kết quả phổi của người con cũng có biểu hiện tương tự bố mẹ trên phim chụp, mặc dù anh chưa có biểu hiện sốt, ho. 

Bác sĩ Trương Kế Tiên trong phòng cách ly một bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới
Bác sĩ Trương Kế Tiên trong phòng cách ly một bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới

Cùng ngày, một người bán hàng ở chợ hải sản Hoa Nam đến khám, tình trạng sốt cao, ho, kết quả phim chụp cũng như gia đình nọ. “Thông thường, cả nhà đến khám thì sẽ chỉ có 1 người bệnh, nhưng khi 1 nhà 3 người đều cùng một biểu hiện bệnh, thì chỉ có thể là bệnh truyền nhiễm", bác sĩ Trương nhận định. Bà cho các bệnh nhân này làm xét nghiệm tất cả các bệnh do virus gây ra, kết quả đều âm tính. Bước đầu bà Trương loại trừ nguyên nhân do cúm thường. 

Bác sĩ Trương với một số bệnh nhân đã hồi phục
Bác sĩ Trương với một số bệnh nhân đã hồi phục

Đến ngày 27/12/2019, bà làm báo cáo về 4 trường hợp này gửi lên phó viện trưởng Hạ Văn Quảng cùng các bộ phận liên quan của bệnh viện. Ngay lập tức, bệnh viện gửi thông báo đến Trung tâm kiểm soát dịch bệnh quận Giang Hán - nơi có chợ hải sản Hoa Nam. 

Ngày 28, 29/12/2019,  trong 2 ngày liên tiếp phòng khám bệnh viện Đông Tây y kết hợp Hồ Bắc nhận thêm 3 trường hợp nữa cũng đến từ chợ hải sản Hoa Nam với tình trạng tương tự, nâng tổng số nạn nhân lên 7 người. 

Đưa đồ ăn tới cho các bệnh nhân
Đưa đồ ăn tới cho các bệnh nhân

“Đó là bệnh chúng tôi chưa từng thấy. 4 người đều đến từ chợ hải sản Hoa Nam, chắc chắn có vấn đề ở đó", bác sĩ Trương phán đoán. 7 người bệnh đều có những biểu hiện giống nhau, chỉ khác mức độ nặng nhẹ. Một lần nữa, bác sĩ Trương đề nghị phải có hội chẩn gấp. 

1 giờ chiều ngày 29/12/2019, Viện phó Hạ Văn Quảng triệu tập họp khẩn cấp các khoa hô hấp, truyền nhiễm, huyết học, ICU, phóng xạ, dược, lâm sàng cùng 10 chuyên gia khác. So sánh 7 trường hợp ở bệnh viện cùng 2 trường hợp tương tự ở bệnh viện Đồng Tế và bệnh viện Hiệp Hoà, điểm chung là những người này đều đi qua chợ hải sản Hoa Nam. Các chuyên gia nhận định đây là một chủng virus mới, không giống các bệnh từ trước tới nay.  Viện phó Hạ Văn Quảng đã thống nhất báo cáo lên chính quyền tỉnh Hồ Bắc và Uỷ ban phòng chống dịch của tỉnh.

29/12 là ngày chủ nhật. Uỷ ban kiểm soát dịch tỉnh Hồ Bắc đã phản hồi lại trung tâm phòng chống dịch bệnh Vũ Hán, bắt đầu tiến hành tìm hiểu bệnh dịch. Nhiều chuyên gia, bác sĩ của các đơn vị trong Vũ Hán đã gặp 7 bệnh nhân, đưa 4 trong số đó chuyển đến bệnh viện Kim Ngân Đàn với thiết bị hiện đại hơn. Chỉ có 3 bệnh nhân trong 1 nhà được xem là trường hợp phát bệnh đầu tiên tiếp tục điều trị tại bệnh viện của bác sĩ Trương. Họ đều đã xuất hiện vào ngày 7/1 vừa qua. 

Trực giác bác sĩ

Ngay khi cuộc hội chẩn kết thúc, bác sĩ Trương Kế Tiên đã cho khoa Hô hấp thành lập phòng cách ly với 9 giường bệnh sẵn sàng cấp cứu. Tiếp theo đó, bà yêu cầu các y bác sĩ thực hiện nghiêm ngặt các quy định an toàn, đeo khẩu trang N95. "Chúng tôi chỉ dùng N95 khi vào thăm các bệnh nhân, còn ở khu vực khác chúng tôi dùng khẩu trang y tế thông thường", bà Trương nói. 

Để ứng phó tình hình, bà Trương cho mua ngoài 30 bộ đồng phục màu trắng để làm trang phục sử dụng riêng khi vào phòng cách ly: "Dù thế nào mặc thêm một bộ đồ bảo hộ vẫn tốt hơn".

Nữ anh hùng phát hiện virus corona chủng mới của Trung Quốc
Bác sĩ Trương mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị vào phòng cách ly thăm khám cho bệnh nhân
Bác sĩ Trương mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị vào phòng cách ly thăm khám cho bệnh nhân

Thời điểm ấy, virus corona chủng mới được nhận định có nguồn gốc từ động vật, chưa hề có đánh giá bệnh có lây từ người sang người, cũng chưa nhận định mức độ nguy hiểm của virus mới này, chính quyền Vũ Hán cũng chưa có động thái nào. Trang thiết bị, vật tư y tế riêng cho các ca bệnh này hầu như không có. Tuy nhiên bà Trương rất kiên quyết yêu cầu các bác sĩ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đó là lý do bà tự cho nhân viên trong khoa mua các đồ bảo hộ riêng. 

Những bộ đồ này được sử dụng tới ngày 22/1, trước khi Vũ Hán có lệnh "phong thành" để ngăn ngừa dịch lây lan. Đến 23/1, khi chính quyền vào cuộc, các y bác sĩ ở đây mới có đồ bảo hộ chuyên dụng. 

Bác sĩ Trương nói, đó là trực giác có được kể từ đại dịch SARS năm 2003. Năm đó, bà mới 37 tuổi, là thành viên tổ chuyên gia Giang Hán, nhiệm vụ mỗi ngày là đến các bệnh viện để nắm tình hình dịch: “Từ lúc đó tôi đã có dự cảm rồi. Thế nên việc đầu tiên của tôi là làm sao để các y bác sĩ an toàn". Mỗi bệnh nhân đều được hỏi rất kỹ về quá trình đi lại, lưu trú, chính vì vậy bà mới phát hiện điểm chung từ chợ cá Hoa Nam. "Ký ức dịch SARS khiến chúng tôi không thể chủ quan". 

Cũng nhờ sự chuẩn bị và đề phòng này mà các y bác sĩ của khoa chưa ai bị nhiễm virus chủng mới từ bệnh nhân. 

Nước mắt cả đời đã rơi đủ mấy ngày này

9 giường bệnh ở khoa Hô hấp của bác sĩ Trương nhanh chóng quá tải khi bước sang năm mới. Số người nhiễm virus ngày một tăng. Bệnh viện Đông Tây y kết hợp trở nên quá tải.  

Bác sĩ Trương rơi nước mắt vì áp lực
Bác sĩ Trương rơi nước mắt vì áp lực

Suốt thời gian Tết nguyên đán, bệnh viện tiếp nhận một ngày hơn 100 bệnh nhân, có lúc lên tới 230 người, lượng người có biểu hiện tương tự 7 bệnh nhân đầu tiên ngày càng nhiều. Thậm chí bà Trương còn phải thuyết phục những bệnh nhân hô hấp mãn tính vẫn nằm trong viện xuất viện để nhường chỗ cho các ca cần cách ly. Việc thuyết phục không hề đơn giản. 

Khi phóng viên Trường Giang nhật báo đến chỗ hẹn gặp bà, một đồng nghiệp của bà ngăn lại: "Đừng vội vào, bác sĩ Trương đang khóc trong phòng khám bệnh". Quả thật, người phụ nữ tiếp báo chí khi vẫn đang xúc động. 

Hơn 500.000 nhân viên trong ngành y tế ở Vũ Hán đều đang đối mặt với áp lực lớn khi bệnh nhân quá đông. Họ gần như bị vắt kiệt sức. Khẩu trang, quần áo bảo hộ hết nhanh chóng. "Chưa từng đông bệnh nhân đến thế", bà Trương cảm thán. 

"Từ khi có dịch, chúng tôi không có khái niệm ngày nghỉ"

Suốt một tháng qua, các bác sĩ ở đây đều dốc toàn lực, hầu như không có ngày nào được ngủ tử tế. Đó là một chiến trường thực sự. "Chúng tôi không có khái niệm ngày nghỉ", bà Trương nói. 

Khi bài báo về bác sĩ được đưa lên Trường Giang nhật báo, người dân Trung Quốc coi bà là nữ anh hùng. Các trang mạng xã hội share và like bài báo liên tục, lượt đọc lên tới hơn 5 triệu lượt. Thế nhưng trong cuộc gặp lại vội vàng với phóng viên bên ngoài khu cách ly, bà nói: "Tôi không biết, công việc quá bận, tôi không có thời gian đọc báo". 

"Mọi người đừng khen tôi quá, tôi không đảm đương nổi. Tôi chỉ làm đúng trách nhiệm của mình", bà phân trần. 

Ngành y tế Trung Quốc cũng đứng trước chỉ trích vì việc không có phản ứng kịp thời khi bệnh dịch bắt đầu lây lan. Tuy nhiên,mặc dù được ca ngợi, bà vẫn hết sức bảo vệ các đồng nghiệp: "Y học phải có một quá trình đánh giá, không phải hôm nay thấy ngay ngày mai đã kết luận rồi. Nếu không làm việc kịp thời làm sao chúng tôi xác định chủng loại virus và công bố virus nhanh như thế". 

Hiện bệnh viện dã chiến Hoả Thần Sơn mới xây xong ngày 3/2 đã lập tức tiếp nhận bệnh nhân. Với quy mô 1000 giường, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ đầu ngành trên cả nước quy tụ về, bà Trương hy vọng dịch bệnh sẽ sớm đẩy lùi. Đa phần bệnh nhân đến Hoả Thần Sơn là bệnh nhân nặng, nhiều người trong số đó chuyển từ bệnh viện bác sĩ Trương. Bà Trương cho rằng đó là một ví dụ cho thấy việc Trung Quốc đang nỗ lực như thế nào. 

Hiện số người chết do bệnh dịch do virus corona chủng mới gây ra đã lên tới hơn 420 người trong tổng số hơn 20.000 mắc bệnh. Trong ngày 4/2, Trung Quốc xác định có thêm 65 trường hợp tử vong, con số cao nhất từ đầu mùa dịch tới nay.  

MN (Theo Trường Giang nhật báo)

Bệnh viện dã chiến Vũ Hán tiếp nhận bệnh nhân nhiễm corona

Bệnh viện dã chiến Vũ Hán tiếp nhận bệnh nhân nhiễm corona

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn đã tiếp nhận các bệnh nhân đầu tiên vào hôm nay 4/2, đây là bệnh viện với tổng cộng 1.000 giường bệnh,