Việt Nam: cấy phôi nhân bản thành công, chờ đón những chú bò nhân bản vô tính chào đời trong năm 2020

Tháng 11/2019, PGS.TS Nguyễn Văn Thuận và cộng sự đã cấy phôi nhân bản thành công vào 12 con bò mang thai hộ, và hiện đang chờ đón những chú bò nhân bản vô tính chào đời tại Việt Nam trong năm 2020.

Bò nhân bản vô tính là dự án tâm huyết của PGS.TS Nguyễn Văn Thuận và nhóm cộng sự. Dự án thành công sẽ đánh dấu một bước đột phá lớn trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Nói về lý do thực hiện dự án này, PGS.TS Nguyễn Văn Thuận cho hay những năm 1976, Nhật Bản đã tặng cho nước Mỹ và Úc hai cặp bò Nhật Bản với chất lượng thịt cao. Với lợi thế về kỹ thuật chăn nuôi và lai tạo giống dựa trên công nghệ cao, hai nước Mỹ và Úc đã tạo thành công đàn bò với giá trị kinh tế rất cao, sau đó xuất khẩu ra các nước, trong đó có Việt Nam (bò kobe nguồn gốc Úc).

Tuy nhiên, vì nguyên tắc buôn bán thương phẩm không được nhân giống nên con cái bị tiêm thuốc cho tiêu buồng trứng, con đực thì bị thiến.

Do đó, nhóm nghiên cứu của ông muốn sử dụng công nghệ chuyển nhân tế bào để nhân bản con bò vô sinh đã bị giết mổ thành những con bò có khả năng sinh sản bình thường trở lại.

PGS. TS Nguyễn Văn Thuận cùng cộng sự nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Nguồn: khampha.vn
PGS. TS Nguyễn Văn Thuận cùng cộng sự nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Nguồn: khampha.vn

Lần đầu thực hiện ở môi trường mới là Việt Nam nên nhóm nghiên cứu phải bắt đầu lại mọi thứ: Đầu tư và vận hành phòng thí nghiệm (Lab), chuyển giao công nghệ, chuyên môn hóa, nuôi cấy trứng bò đã chết chín trở lại trong phòng thí nghiệm, tạo phôi nhân bản, chuẩn bị bò mang thai hộ, chuyển cấy phôi...

“Hầu như chúng tôi làm việc ngày đêm tại Lab, kỹ lưỡng từng bước. Ban ngày, tôi làm việc hành chính và giảng dạy. Từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối, tôi tập trung cho nghiên cứu dự án, hai ngày cuối tuần tôi xuống trang trại bò để theo dõi tình hình”- PGS.TS Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.

Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, tháng 11/2019 vừa qua, nhóm của ông đã cấy phôi nhân bản thành công vào 12 con bò mang thai hộ và sẽ tiếp tục chuyển cấy phôi trong thời gian tới cho đủ 50 con bò cái mang thai hộ. Nhóm nghiên cứu của ông hy vọng rằng trong năm 2020, bò nhân bản vô tính sẽ ra đời tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Thuận tại trang trại bò nhân bản tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: khampha.vn
PGS.TS Nguyễn Văn Thuận tại trang trại bò nhân bản tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: khampha.vn

PGS.TS Nguyễn Văn Thuận hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi đang rất nóng lòng chờ kết quả. Nếu thành công, chúng tôi sẽ chứng minh được rằng không chỉ các nước phát triển mới nắm được công nghệ cao, mới có khả năng tạo ra một động vật mới từ một tế bào của một động vật đã chết, mà Việt Nam cũng làm được như vậy. Nó cũng sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trong y học về sản suất protein tái tổ hợp cho người và sản xuất nội tạng sinh học”.

PGS -TS Nguyễn Văn Thuận hiện đang là trưởng khoa kiêm trưởng bộ môn công nghệ sinh học tại trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

PGS -TS Nguyễn Văn Thuận Thuận từng học ở Nhật Bản về công nghệ sinh học sinh sản, tái biệt hóa tế bào đến nhân bản động vật những năm 1994. Năm 2007, ông sang Hàn Quốc vừa giảng dạy, vừa học hỏi về kỹ thuật tạo động vật chuyển gen.

“Ở nước ngoài, chúng tôi làm nhân bản là bình thường nhưng tôi muốn ứng dụng những cái đã học được cho Việt Nam, cho chính quê hương mình.” Cuối năm 2012, ông quyết định từ bỏ vị trí giáo sư tại Hàn Quốc để trở về Việt Nam cũng một phần để hiện thực hóa chúng.

Thanh Trà (t/h)

Vì sao thịt bò Wagyu Nhật Bản lại đắt nhất thế giới?

Vì sao thịt bò Wagyu Nhật Bản lại đắt nhất thế giới?

Thịt bò Wagyu là một trong những loại thịt đắt nhất thế giới khi có giá bán lên tới 400 USD/kg, cao gấp trăm lần thịt bò thường.