Xe điện Trung Quốc ồ ạt "xâm chiếm" châu Âu, vấp đá tảng: Mất lợi thế lớn nhất

Xe điện Trung Quốc có lợi thế mạnh về giá, nhưng phải cộng thêm nhiều chi phí khi gia nhập thị trường châu Âu.

Trong thời gian qua, các hãng xe điện nội địa Trung Quốc đã phải cạnh tranh với các thương hiệu ngoại tại thị trường quê nhà, và thời gian gần đây đã dành chiến thắng với doanh số cao hơn. Theo Reuters, các hãng xe đó đang trên đường tới châu Âu, và cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Một vài khó khăn mà các hãng xe từ Trung Quốc sẽ phải đối mặt, theo Reuters, là định kiến về chất lượng, giá nhập khẩu, và thị trường xe điện kém phát triển hơn. Một vài nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đã tới châu Âu như NIO, BYD, MG sẽ phải vượt qua những khó khăn đó để lớn mạnh. Song, họ cũng đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn - Reuters nhận định.

Showroom của NIO tại thủ đô Oslo của Na Uy. Ảnh: Na Uy
Showroom của NIO tại thủ đô Oslo của Na Uy. Ảnh: Na Uy

Theo thống kê của Inovev, doanh số xe điện Trung Quốc tại châu Âu trong các năm qua đã tăng. Nếu như năm 2021 chỉ chiếm khoảng 4% thì tới năm 2023 đã tăng gấp đôi, trong khi đó thì năm 2022 đạt 6%. Không dừng tại đó, theo nghiên cứu của Allianz thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 11 mẫu xe điện mới nhắm đến phân khúc phổ thông ra mắt khách hàng châu Âu.

CEO của tập đoàn xe châu Âu Stellantis (đơn vị nắm giữ 14 thương hiệu xe Âu và Mỹ), ông Carlos Tavares đã đưa ra lời cảnh báo về một "cuộc xâm lược" của những mẫu xe điện giá rẻ Trung Quốc. Reuters cũng cho rằng các thương hiệu xe châu Âu đang run sợ. 

Song, các nhà sản xuất xe châu Âu cũng đang có kế hoạch của riêng mình để đấu lại, cùng với đó là kế hoạch giảm chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm. 

Tại Trung Quốc, ông Chen Shihua, Tổng thư ký hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, cũng đã căn dặn các thành viên của mình về việc mở rộng thị trường quá mạnh khiến mật độ bao phủ thị trường quá thấp. Ông cho rằng các thương hiệu Trung Quốc khi mở rộng ra thị trường toàn cầu sẽ không suôn sẻ: "Chúng ta cần chú ý đến các rủi ro... các công ty có thể quá phân tán, bước vào tất cả thị trường mà không có mục tiêu rõ ràng".

PHẢI TĂNG GIÁ

Một trong những việc cho thấy tham vọng rất rõ của các thương hiệu Trung Quốc trong việc gia nhập các thị trường châu Âu có thể thấy tại triển lãm ô tô IAA sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại Đức. Ở đây, các thương hiệu xe Trung Quốc sẽ tổ chức Hội thảo Phương tiện Năng lượng mới Thế giới (World New Energy Vehicle Congress). Đây là lần đầu tiên hội thảo diễn ra tại nước ngoài.

Reuters nhận định rằng ưu điểm vượt trội của các mẫu xe Trung Quốc so với các đối thủ là giá thành. Theo đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường Jato Dynamics, trong nửa đầu năm 2022, trung bình một chiếc xe điện tại Trung Quốc có giá khoảng 32.000 EUR (khoảng 830 triệu đồng), trong khi đó tại châu Âu thì lên tới 56.000 USD (khoảng 1,45 tỷ đồng).

Tuy nhiên, các thương hiệu Trung Quốc đang phải vật lộn để có thể bán xe tại châu Âu với mức giá rẻ như tại quê nhà. Theo ông Spiros Fotinos, giám đốc khu vực châu Âu của thương hiệu Zeekr - trực thuộc tập đoàn Geely Trung Quốc, cho rằng sẽ phải cộng thêm chi phí logistics, chi phí kinh doanh, thuế nhập khẩu và các chi phí để có được các chứng nhận của châu Âu. 

001 là một trong các mẫu xe Zeekr dùng để chinh phục thị trường châu Âu.
001 là một trong các mẫu xe Zeekr dùng để chinh phục thị trường châu Âu.

MG, thương hiệu Trung Quốc bán tốt nhất tại châu Âu, cho rằng vấn đề lớn nhất của họ là mang xe từ Trung Quốc tới các kênh phân phối tại châu Âu qua các cảng biển vốn đã quá tải, khiến cho thời gian chờ rất lâu. 

Bên cạnh đó, ông Alexander Klose, giám đốc các thị trường nước ngoài của start-up xe điện Trung Quốc Aiways, cho rằng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu (như là pin lớn hơn để quãng đường di chuyển mỗi lần sạc lớn hơn) cũng có thể khiến giá xe tăng lên.

KHÓ KHĂN KHI THUYẾT PHỤC KHÁCH HÀNG

Ngoài MG (vốn là một thương hiệu lâu đời của Anh được tập đoàn SAIC của Trung Quốc mua lại) đã là thương hiệu được nhiều người châu Âu biết tới, các thương hiệu như XPeng, NIO cần phải xây dựng niềm tin nơi khách hàng.

Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu thị trường cho thấy các khách hàng xe điện tiềm năng tại châu Âu không nhận ra các thương hiệu Trung Quốc; trong khi đó, những khách hàng nhận diện được lại cho thấy sự ngần ngại khi mua. Một chuyện đáng nhắc tới là các thương hiệu từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã phải mất nhiều thập kỷ để thuyết phục và phát triển được sản phẩm đúng với gu của khách hàng châu Âu.

Theo kết quả khảo sát của YouGov trong năm 2022, chỉ có khoảng 14% trong tổng số 1.629 người tiêu dùng Đức tham gia khảo sát biết về tập đoàn BYD - nhà sản xuất xe điện lớn thứ 2 thế giới sau Tesla. Trong khi đó, khoảng 17% biết tới NIO, 10% biết đến thương hiệu Lynk & Co của Geely, và chỉ có khoảng 8% biết đến XPeng. 

Trong số 95% khách hàng biết đến Tesla, có 10% sẽ cân nhắc lựa chọn làm chiếc xe tiếp theo, nhưng với xe Trung Quốc thì chỉ tối đa 1% cân nhắc mua.

Atto 3 là một trong những mẫu xe nổi bật của BYD tại châu Âu.
Atto 3 là một trong những mẫu xe nổi bật của BYD tại châu Âu.

Start-up xe điện Aiways cho biết rằng họ quyết định không quảng cáo về nơi sản xuất vì khách hàng trở nên rụt rè với các sản phẩm từ Trung Quốc. Thực tế, nhiều mẫu xe của Trung Quốc đã đạt chuẩn 5 sao do NCAP châu Âu đánh giá, tức có được chất lượng vượt yêu cầu, cũng nhằm để thuyết phục khách hàng. 

Ông Spiros Fotinos, giám đốc khu vực châu Âu của Zeekr - Geely, cho rằng thương hiệu sẽ cố gắng giành niềm tin nơi người dùng qua hệ thống showroom và các chương trình lái thử, là nơi mà người tiêu dùng châu Âu có thể tới và tận tay đánh giá sản phẩm.

Ông cho rằng: "Khi họ trực tiếp tiếp xúc sản phẩm... so sánh với một sản phẩm châu Âu tương tự mà họ biết, chất lượng và trang bị [trên xe của chúng tôi] đều cao hơn rất nhiều". Ông cho rằng chất lượng xe cao hơn những gì họ hình dung sẽ là một yếu tố ăn điểm.

Không chỉ các thương hiệu từ các tập đoàn tư nhân, nhà làm xe GAC do chính phủ Trung Quốc sở hữu, đồng thời là nhà bán xe điện lớn thứ 3 Trung Quốc, đã mở một văn phòng thiết kế tại Milan, Ý để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng trước khi đi tới bước bán hàng.

CEO Aiways, ông Alexander Klose, cho rằng: "Cách duy nhất để đi vòng qua [những định kiến] là phải cạnh tranh".

Trung Quốc "nắm đằng chuôi" chuỗi cung ứng pin xe điện

Pin là bộ phận đơn lẻ có giá trị cao nhất trên một chiếc xe điện. Chi phí sản xuất pin là một trong những điều quan trọng khiến xe điện từ Trung Quốc có giá thành rất cạnh tranh với đối thủ.

Quá trình sản xuất pin có thể nhìn từ khâu khai thác quặng, tinh chế quặng, sản xuất linh kiện, và hoàn thiện pin. Tại các khâu kể trên, Trung Quốc đều là quốc gia nắm giữ tỷ trọng cao, ví dụ như năm giữ khoảng 41% mỏ cô-ban trên toàn thế giới, tinh chế 67% lượng liti toàn thế giới, sản xuất hầu hết linh kiện pin. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang sản xuất khoảng 54% số xe điện toàn thế giới.

Theo The New York Times.

Nhật Quỳnh

Cận cảnh 'nghĩa địa' xe điện khổng lồ ở Trung Quốc

Cận cảnh 'nghĩa địa' xe điện khổng lồ ở Trung Quốc

Sự bùng nổ nhờ trợ cấp đã giúp xây dựng Trung Quốc thành một gã khổng lồ về ô tô điện nhưng lại để lại những khu đất đầy cỏ dại trên khắp đất nước tràn ngập những phương tiện chạy bằng pin không mong muốn.

Đọc nhiều nhất