Chiều chuộng: Bao nhiêu là đủ?

Người ta trách phụ nữ hay chiều, mà ít hỏi chiều đến thế nào là đủ? Thế nào để nói được hết tình yêu, đủ hạnh phúc mà không bị dằn vặt.

Đầu tiên, phải định nghĩa đã, chiều thì có những mấy loại: chiều chuộng, nuông chiều, cưng chiều... Nhưng mà cứ tóm lại một cách giản đơn, là tôn trọng ý thích của ai đó, đáp ứng những nhu cầu của họ, thì được gọi là chiều. Toàn thể phụ nữ thích được chiều, và toàn thể đàn ông cũng vậy. Tất nhiên toàn thể trẻ em còn thích được chiều hơn nữa... Trong bài này, tạm tách phần chiều trẻ em ra. Vì nói chung, trẻ em luôn được chiều và người chiều luôn được khuyến cáo, chiều lắm sẽ làm hư con, nhưng nói chung vẫn chiều. Cũng tách luôn phần chiều của người đàn ông, vì họ nhiều cách, nhưng hay phụ thuộc vào các ngày quy định trong năm như kiểu ngày 8-3. Chỉ còn mỗi chuyện phụ nữ chiều.

Bếp là nơi đòi hỏi rất nhiều sự chiều, mà ở bếp, chiều không có nghĩa là vụ lợi (Ảnh minh họa).
Bếp là nơi đòi hỏi rất nhiều sự chiều, mà ở bếp, chiều không có nghĩa là vụ lợi (Ảnh minh họa).

Phụ nữ hay chiều người khác, dù cũng hay được khuyến cáo, chớ dại chiều chồng, vì đàn ông (thực ra tính cách cũng gần với trẻ con), được chiều dễ sinh hư, dễ đòi hỏi, dễ ảo tưởng là mình đáng được thế. Mà có lẽ bởi điều này, nên nhiều chị em bây giờ, cứ nghe ai hỏi “Sao mày chiều chồng (mẹ chồng, bố chồng, bạn bè, con cái, anh em...) thế?” là giãy lên đành đạch như thể bị xúc phạm. Hình như lâu rồi, cái quan niệm về sự chiều chuộng nó biến đổi ghê gớm. Chiều ai đó là mình xuống giá, mình hạ mình. Phải kém người ta mình mới phải chiều. Chiều để lấy lòng, chiều để nịnh...

Mà cũng chẳng hiểu sao, nhiều người hỏi ai câu chiều thế, cũng cứ với giọng chê bai. Chiều được (chồng, mẹ chồng, bố chồng, bạn bè, anh em, con cái...) là tốt, là giỏi chứ sao! Không biết chiều thì mới là điều đáng nói. Các cụ ngày xưa bảo: “Những người thắt đáy lưng ong/ vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con” là khen hoàn toàn, cả người lẫn nết, chẳng lẫn ý chê bai nào cả.

Bây giờ, hễ một đứa con hay một ông chồng được kể là hư, một người trong gia đình được kể là cư xử thái quá. Kiểu gì câu đầu tiên người kể chuyện cũng được nghe câu đầu tiên là: Ai bảo chiều. Chiều như vậy là nguyên nhân gây ra mọi sự đối xử không tốt với nhau. Người đi chiều thì dại, người được chiều thì lợi dụng. Mọi mối quan hệ hóa ra rất thẳng băng, đừng dễ dãi cho nhận, rồi thiệt, rồi bị lên án.

Ô hay, sống trên đời nghĩ thế, dễ thường đời chẳng ai quý ai, thương ai, muốn chăm chút ai nữa. chẳng ai quan tâm đến nhu cầu của người khác, đến niềm vui của người khác, chỉ quan tâm mỗi cái tôi của mình.

Ừ thì, chẳng nói cho đến cùng được, quan niệm từng người. Thực tế và kinh nghiệm cũng của từng người. Không ai khôn hơn ai. Nên có bàn cũng chỉ dám ngấm ngầm nghĩ rằng mình dại, mình hay chiều, thì mình có lỗi làm hư người khác. Nhưng có sao đâu, nếu là tấm lòng mình.

Hơn nữa, chiều ở đâu không nói, bếp là nơi đòi hỏi rất nhiều sự chiều, mà ở bếp, chiều không có nghĩa là vụ lợi. Cũng chẳng phải bởi cái câu “con đường đi đến trái tim gần nhất là con đường đi qua dạ dày”, đúng nhưng chưa đầy đủ, trong bếp, việc đầu tiên phải nghĩ đến là chiều một ai đó, đồng thời chiều cả mình.

Có những bữa ăn mà nhìn vào đã thấy người phụ nữ trong nhà rất biết chiều. Trời vừa nắng nóng, có bát canh rau, có đĩa cà muối xổi, chút thịt băm cho con, chút cá kho nhừ cho mẹ... Không cần mâm cao cỗ đầy, không cần thịt bò Úc hay cá hồi Na Uy, miễn là nhẹ nhõm hợp khẩu vị, đủ dinh dưỡng, ai cũng tìm được món mình thích trên mâm. Lặt vặt thế thôi, nhỏ xíu như bát nước chấm hay trái ớt, nhưng mà không dễ, bởi nếu không quan tâm đến nhau, là chẳng thể có nổi những thứ lặt vặt ấy.

Có một cái sự chiều rất dễ như thế, sống với nhau trong cùng một nhà, khó gì đâu mà không chiều được. Trong bếp, người ta không mấy khi phải ăn năn vì đã chiều người khác quá, nếu chứng kiến sự ấm áp vui vẻ trong mỗi bữa ăn gia đình. Không ai sợ mình thiệt khi chiều người thân yêu của mình. Bởi cả người chiều lẫn người được chiều đều hạnh phúc...

Người ta trách phụ nữ chuyện hay chiều, mà ít hỏi chiều đến thế nào là đủ? Chiều đến thế nào để nói được hết tình yêu, hoăc chiều đến thế nào thì đủ hạnh phúc mà không bị dằn vặt. Có thể chiều một ai đó hết mức không, nếu thương yêu tận cùng? Chiều, nhiều khi là hy sinh cho người khác, thì cũng cần lắm chứ. Người ta sống với nhau trên đời đẹp hơn vì biết chiều mà...

Dễ nhất, thì vẫn cứ là chiều bằng cách vào trong bếp...!

Minh Vũ

Tại sao phải ngu ngốc để được yêu?

Tại sao phải ngu ngốc để được yêu?

Nếu bạn là một người phụ nữ sắc sảo mà phải băn khoăn nên sống thật với mình hay phải giả ngu nhún nhường bạn đời thì bạn chưa khôn ngoan lắm