Lạnh như con

Trong giây lát, chị đã nghĩ nếu mình đột quỵ thì con trai chị sẽ sống day dứt, thế là chị phải cố nhưng càng cố lại thấy tim đập nhanh hơn.

Chị không thở được em ạ. Nó cứ ngồi đó và hờn dỗi. Còn chị chỉ có một ước muốn duy nhất lúc đó, là cái cửa phòng sẽ mở ra để chị có một chút không khí. Trong giây lát, chị đã nghĩ nếu mình đột quỵ, mình chết bây giờ thì sao? Thì con trai chị nó sẽ sống cả cuộc đời còn lại day dứt. Thế là chị phải cố, nhưng càng cố chị càng thấy tim đập nhanh hơn, huyết áp cao hơn. Chị nghĩ, lần đó chị đã rất cận kề cái chết…

Người mẹ nói với tôi, bên ấm trà sáng ở một quán cà phê vắng, nhân một cuộc gặp tình cờ và hãn hữu giữa những bận rộn liên miên. Là chủ một doanh nghiệp vừa, chị bận tối mắt với những cuộc tiếp khách, những chuyến bay nội địa và quốc tế. Và cậu con trai, trở thành một thứ gì đó chơi vơi giữa lằn ranh của hư hỏng và ngoan ngoãn.

Thời buổi này, hư hỏng có lẽ là khi vi phạm pháp luật. Còn ngoan ngoãn, là chưa từng hại ai bao giờ. Tất nhiên còn có những khái niệm giỏi giang, xuất chúng hay thậm chí thiên tài, nhưng đại đa số phụ huynh không dám mơ ước cao xa thế.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Thằng bé con chị, sau khi du học về, đưa tấm bằng cho mẹ và nằm ngủ. Theo đúng nghĩa đen. Nó ngủ suốt hơn 2 tháng, chỉ dậy để ăn, rồi lại ngủ. Như Thánh Gióng. Chỉ khác một hôm anh chàng vươn vai và nói: “Mẹ kiếm việc gì cho con làm”, rồi nó không ngủ nữa.

Chị đôn đáo xin cho con một chân ở công ty lớn, việc không khó không dễ, lương khá, cơ hội thăng tiến cao. Được một tháng, con chị bỏ, kêu rằng áp lực cao một cách vô lý.

- Thế nào là hợp lý hả con? - người mẹ hỏi, thực sự tò mò.

- Họ yêu cầu con làm những thứ mà chính họ cũng không làm được - cậu con thủng thẳng.

- Mẹ tưởng đó chính là cơ hội?

- Không mẹ. Đó là lạm dụng.

Chị tìm đến gặp chồng cũ, một cán bộ có vị trí cao.

- Anh hãy xin cho con một chân ở Cục...

- Được thôi. Nhưng nó có chịu được lương thấp, giờ hành chính, và các quy định nghiêm khắc dành cho công chức không?

- Có chịu được hay không thì nó cũng là con anh.

Và thế là cậu con tháng sau cắp ca-táp đến sở từ 8h sáng.

- Nó không chịu ăn uống tử tế em ạ - chị thở dài, nhìn tôi giở gói xôi ra ăn ngon lành với muối vừng - Nó rất khảnh ăn, mà lại đòi ở riêng, nên chị rất khó chăm. Lần nào đến cũng chất đầy đồ ăn vào tủ lạnh cho nó, rồi lần sau đến vẫn thấy y nguyên, phải vứt. Hoa quả thì để thối ra. Người thì gầy như que củi.

Tôi nhớ lần gặp cậu con chị, mới tuần trước, khi có việc qua cơ quan gặp bố nó. Cậu trai cao có lẽ phải mét tám, bụng phệ, đít tóp, ngực lép và nước da trắng xanh của người rất ít khi ra đường. Nó không cần ăn mà cần vận động - tôi nghĩ, nhưng không muốn nói với một đôi mắt đã chực khóc.

Thế mà hôm qua, nó tự nhiên vào phòng chị, và trút mọi uất ức lên chị, như thể chị làm hỏng cuộc đời nó. Chị đã làm gì chứ? Bao nhiêu năm, chỉ lo cho mỗi nó mà thôi...

Ngần ấy thứ không đủ để kết luận điều gì. Con chị ngoan hay hư? Trưởng thành hay vẫn ngộc nghệch? Đã “Tây hóa” hay vẫn là thằng bé Việt Nam chậm lớn? Rất tỉnh táo suy nghĩ về lẽ công bằng, hay thụ động đòi hỏi mẹ cha?

May ra có chị biết câu trả lời.

Nhưng có điều này, tôi và chị đều biết. Con chị chưa bao giờ bị từ chối lấy một lần trong đời. Chị luôn đồng ý với tất cả các yêu cầu của con. Từ bé đến lớn. Như một sự đương nhiên. “Mình lo được cho nó thì lo chứ”, chị nói vậy và nghĩ vậy.

- Con có thể ngừng lại cho mẹ thở một chút được không?

- Không. Mẹ đừng lấy lý do. Con muốn...

Gia Hiền

Sức mạnh con người đến từ đâu?

Sức mạnh con người đến từ đâu?

Sức mạnh đâu có nghĩa là cực đoan xa lánh mọi người ta cảm thấy vấn đề, mà chỉ cần dừng lại, bình tâm suy nghĩ và nhìn nhận lại mọi thứ.