Thái Thanh: Cây đại thụ làm nên linh hồn và màu sắc của Tân nhạc Việt Nam và gia tài để lại

Hơn cả một giọng ca trác tuyệt, Thái Thanh như cây đại thụ làm nên linh hồn và màu sắc của Tân nhạc Việt Nam

Hơn cả một giọng ca trác tuyệt, Thái Thanh như cây đại thụ làm nên linh hồn và màu sắc của Tân nhạc Việt Nam, là nhân chứng lịch sử và tồn tại song hành với một thời đại vàng son của nhạc Việt. Người mà nhạc sỹ Phạm Duy đã miêu tả là: "Đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước.

Danh ca Thái Thanh thời trẻ
Danh ca Thái Thanh thời trẻ

Gia đình âm nhạc

Thái Thanh tên thật là Thái Thị Băng Thanh, bà sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là nhạc sỹ Phạm Đình Phụng, có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng), Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh, tức Thái Thanh.

Gia đình Thái Thanh có nhiều người thành danh trong lĩnh vực âm nhạc, ngoài Thái Thanh, thì chị của bà là Phạm Thị Quang Thái cũng là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Thái Hằng, sau này là vợ của nhạc sỹ Phạm Duy. Phạm Đình Chương, anh bà cũng là một nhạc sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam và cũng là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc. Người anh cùng cha khác mẹ Phạm Đình Viêm được biết đến nhiều với nghệ danh Hoài Trung.

Thái Thanh và Hoài Bắc, Hoài Trung
Thái Thanh và Hoài Bắc, Hoài Trung

Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Bắc, Hoài Trung đều hát trong ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng thời bấy giờ. Thái Thanh trở thành em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông lấy Thái Hằng làm vợ, nên cũng là dì của các ca sĩ Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo sau này. Ngoài ra bà còn là cô ruột của ca sĩ Mai Hương, con gái Phạm Đình Sỹ và kịch sĩ Kiều Hạnh.

Các cháu ngoại của bà cũng có nhiều người đi theo con đường ca hát như Mai Linh, Ý Thi, Thanh Hương, Quỳnh Trang... Thái Thanh có với tài tử Lê Quỳnh 5 người con: con cả là Lê Thị Ý Lan sinh năm 1958, Lê Xuân Việt sinh năm 1959, Lê Thị Quỳnh Dao sinh năm 1960, Lê Thị Thanh Loan sinh năm 1962 và Lê Đại sinh năm 1964. Trong số đó, Lê Thị Ý Lan sau này trở thành ca sĩ nổi tiếng Ý Lan với lối hát ảnh hưởng nhiều tự mẹ, còn Lê Thị Quỳnh Dao cũng đi hát với nghệ danh Quỳnh Hương.

Thái Thanh và Ý Lan
Thái Thanh và Ý Lan

Song thân của danh ca Thái Thanh đều là những người rất sành nhạc cổ. Nhạc sỹ Phạm Đình Phụng, thân phụ của Thái Thanh vốn chơi đàn nguyệt, còn thân mẫu chơi đàn tranh và đàn tỳ bà hay có tiếng ở đất Bắc. Nên tất cả anh em của Thái Thanh đều ngấm máu văn nghệ sĩ từ khi còn nhỏ.

Năm 1949 gia đình ông bà Phạm Đình Phụng tản cư về khu chợ Neo (Thanh Hóa) lúc bấy giờ thuộc Liên khu IV. Tại đây, gia đình ông đã mở tiệm phở Thăng Long và chỗ này nhanh chóng trở thành chỗ tụ họp đông đảo của các văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến thời đó, nhất là khi tiệm phở lại có bóng dáng mấy cô Kiều là hai chị em mà sau này sẽ nổi tiếng dưới hai tên hiệu Thái Hằng và Thái Thanh. Tại đây, nhạc sĩ Phạm Duy, lúc bấy giờ đang còn là một ca sĩ nổi tiếng, thường qua lại làm quen, tán tỉnh cô chủ tiệm Thái Hằng, người có khuôn mặt khả ái và đôi mắt buồn muôn thuở.

Cũng từ đây ban Hợp ca Thăng Long ra đời với thành phần phần ban đầu gồm: Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), sau đó có thêm Phạm Duy và Khánh Ngọc. Sau này, khi vào miền Nam, đây là ban hợp ca được xem là nổi tiếng nhất với trụ cột là tiếng hát Thái Hằng - Thái Thanh. Cần phải nói thêm rằng ở miền Nam trước đó, ngoài ban Hợp ca Thăng Long thì nổi nhất là tam ca Ngọc Lê Hà (Hoàng Lê và Khánh Ngọc là hai chị em ruột).

Gia đình Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long
Gia đình Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long

Thái Hằng kết hôn với Phạm Duy và hành trình âm nhạc của gia đình từ nay nảy nở thêm những tài năng mới, với Duy Quang là con đầu lòng sinh năm 1951, và tiếp theo là các con Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo.

Chuyện Thái Hằng gặp gỡ và nên vợ chồng với nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ là một bước ngoặt lớn với nữ ca sĩ nổi tiếng hi sinh cho chồng con này, mà cũng là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời danh ca Thái Thanh. Làm nên những tác phẩm bất hủ gắn liền với tên tuổi Thái Thanh. Và cũng từ giọng ca Thái Thanh, âm nhạc của Phạm Duy như được chắp thêm cánh.

Gia tài để lại

Thái Thanh không theo học một lớp nhạc chuyên nghiệp nào, chỉ tự luyện giọng từ nhỏ theo các lối dân ca của đồng bằng Bắc Bộ và các sách nhạc tiếng Pháp, nhưng bà đã đã tạo ra một trường phái riêng mang tên Thái Thanh, bằng việc hòa trộn giữa tính chất opera Tây Phương với dân nhạc Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương...

Thái Thanh nổi tiếng nhất với âm nhạc của Phạm Duy và Phạm Đình Chương. Có cả trăm điều đáng nói khi nhắc đến Thái Thanh của nền tân nhạc Việt, nhưng chắc chắn phải nhắc đến hai người: Phạm Đình Chương và Phạm Duy. Đây là hai người thân có ảnh hưởng lớn đến con đường âm nhạc của bà, để làm nên một  huyền thoại Thái Thanh như bây giờ.

Thái Thanh và Phạm duy khi về già
Thái Thanh và Phạm duy khi về già

Gắn bó với âm nhạc của Phạm Duy từ những ngày đầu năm 14, 15 tuổi, Thái Thanh được Phạm Duy huấn luyện, chỉ bảo tận tình về nhạc lý và kỹ thuật, giọng hát của bà tỏ ra rất thích hợp với các loại nhạc đa dạng đòi hỏi âm vực rộng và cách xử lý vừa uyển chuyển nhưng lại vừa gai góc của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bài nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc xã hội, cho tới các bản trường ca đều được bà để lại một dấu ấn lớn.

Thái Thanh còn có "biệt tài" sửa lời của ca khúc, bà cũng ca sỹ duy nhất "dám" sửa lời của một nhạc sỹ lớn vốn khắt khe như Phạm Duy, nhưng bất ngờ thay, mỗi lần như vậy, Phạm Duy lại công nhận điều đó làm cho bản nhạc của ông bỗng mang một chút “đáng yêu” kì lạ.

Thái Hằng, Thái Thanh và Phạm Duy
Thái Hằng, Thái Thanh và Phạm Duy

Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: "Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy". Ông nhận xét: "Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm". Nhiều ca khúc của Phạm Duy được Thái Thanh thể hiện đã trở thành kinh điển của Tân nhạc Việt Nam như: Tình ca, Trả lại cho em, Tình hoài hương, Ngày xưa Hoàng Thị. Hẹn hò, Nụ Tầm Xuân, Bài ca Sao...

Trải qua 60 năm, Phạm Duy vẫn khẳng định: Gần một thế kỉ tất cả những người hát nhạc Phạm Duy, chưa ai vượt qua được giọng ca diễm tuyệt của Thái thanh.

Thái Thanh hát "Trả lại em yêu" của Phạm Duy, bản thu trước 1975

Nhạc Phạm Đình Chương cũng là một mảng âm nhạc thành công nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Thái Thanh. Những ca khúc mang nhiều tâm sự buồn thương, day dứt, vừa đòi hỏi cảm xúc, lại vừa yêu cầu về cách xử lý khéo léo và tinh tế như Đêm cuối cùngThuở ban đầuNgười đi qua đời tôiNửa hồn thương đau... khi được Thái Thanh bà ngân lên, nghe vừa như tâm sự, vừa như ai oán, như tiếng khóc than vang vọng lên trời xanh, mà biết bao thế hệ nghe lại vẫn thấy xúc động rưng rưng.

Bên cạnh đó, bà cũng là ca sĩ hát thành công rất nhiều ca khúc tiền chiến xưa, hay các ca khúc có màu sắc dân tộc Việt Nam. Bà cũng được coi như là "Đệ Nhất danh ca" của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954 – 1975.

Thái Thanh cũng là nghệ sỹ hiếm hoi của Việt Nam xuất hiện trong một ca khúc của một nhạc sỹ khác là "Giọt buồn không tên" của Anh Bằng trong câu hát "“Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly”... để rất nhiều thế hệ khán giả, mỗi khi nghe ca khúc này, lại bồi hồi nhớ Thái Thanh, cây đại thụ của âm nhạc.

"Nửa hồn thương đau" của Phạm Đình Chương do Thái Thanh thể hiện

Giọng ca của Thái Thanh được coi như một chất giọng kì lạ, giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao, quãng giọng bên dưới thì dày dặn, bên trên thì cao, vang, sáng chói, lại có biệt tài luyến láy tự nhiên một cách bẩm sinh mà sau này, dù nhiều người cố gắng học hỏi nhưng cũng không thể bắt chước cho hay giống như bà, điều đó tạo nên một bản sắc riêng của Thái Thanh, mà ở một số nghiên cứu, có người gọi "tính cường điệu trong âm nhạc".

Bà có cách xử lý ca khúc vừa tự nhiên, vừa bay bổng, như không phải gồng gắng gì, nhưng lại trầm bổng, sâu thăm thẳm, vừa ai oán vừa nghẹn ngào. Cho nên, gần một thế kỉ, trôi qua, nhưng mỗi khi nghe bà cất tiếng hát, dù là bất cứ ca khúc nào, người nghe cũng cảm thấy như cả một không gian âm nhạc Việt Nam của những năm 50, 60, 70 thế kỉ trước lại hiện về vô cùng đậm nét. Đặc biệt, bà còn có cách nhả chữ đặc biệt, gần như "bạch thanh" nhưng lại rất nữ tính, nên thơ, tạo nên một nét duyên dáng, trữ tình vô cùng độc đáo, trở thành chuẩn mực cho một thời đại âm nhạc từ những ngày sơ khai của âm nhạc Việt Nam.

Thái Thanh: Cây đại thụ làm nên linh hồn và màu sắc của Tân nhạc Việt Nam và gia tài để lại

Thái Thanh đã tạo ra một trường phái âm nhạc của riêng mình, cho nhiều thế hệ nữ ca sỹ đi sau học hỏi và kế thừa như Ý Lan, Ánh Tuyết, Mai Hương, Quỳnh Giao... ngay cả một số ca sỹ trẻ đương thời như Minh Tuyết, Ngọc Hạ... cũng ngưỡng mộ và luôn học hỏi theo cách hát của Thái Thanh.

Trong suốt sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của mình kéo dài gần một thế kỉ, Thái Thanh đã góp phần tạo nên một màu sắc trữ tình, sang trọng nhưng không kém phần gần gũi, thân thương, đậm đà bản sắc cho Tân nhạc Việt Nam. Hơn cả một nghệ sỹ, bà như linh hồn, như biểu tượng của một thời vàng son cho âm nhạc Việt.

LA (t/h)

Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Bài viết của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai về nhà thơ Du Tử Lê dịp trước tết Nguyên đán 2019