Một trong những thắc mắc của không ít bố mẹ là: Học chương trình homeschool (giáo dục tại nhà) Mỹ thì con có cần phải dừng đến trường để chỉ học ở nhà hay không?
Từ kinh nghiệm Semi-homeschool (hình thức kết hợp việc đến trường học và tự giáo dục tại nhà) cho 1 bé trai thông minh học rất nhanh nhẹn, đam mê kinh doanh, tính xã hội cao, và 1 bạn khó khăn trong học tập, tiếp thu chậm, khó khăn trong hình thành ngôn ngữ, khó khăn trong giao tiếp xã hội, chị Nguyễn Thị Hồng Liên hiện đang công tác trong ngành giáo dục đã có những chia sẻ thiết thực cho các phụ huynh.
Được biết, cả hai con của chị đều đang vừa học chương trình ở trường Việt Nam và vẫn học song song chương trình homeschool Acellus + text book Mỹ. Con trai lớn học xong lớp 11 ở một trường công ở Việt Nam và lấy bằng THPT Mỹ online. Em cũng apply và nhận được học bổng của một số trường đại học ở Mỹ. Con trai thứ 2 của chị thi vào lớp 10 lọt top điểm thi cao nhất môn Toán - Anh.
Học chương trình homeschool Mỹ thì con có cần phải dừng đến trường để chỉ học ở nhà hay không?
Theo chị Liên, bản chất các chương trình giáo dục thì dù là Việt Nam hay Mỹ đều có nhiều kiến thức, kỹ năng và các mục đích giáo dục khá tương đồng với nhau. Do đó, trong quá trình học, gia đình chị đã khéo léo dùng hệ Việt Nam bổ trợ cho hệ Mỹ và dùng những nội dung hay của hệ Mỹ bổ trợ cho hệ Việt Nam.
Con trai chị khi lớp 10 vẫn chỉ học tối đa 1 ngày hết 60 phút cho việc học hệ Mỹ homeschool, còn ngoài thời gian học trên trường em cũng chỉ mất 45 phút cho việc làm bài tập trên lớp của hệ Việt Nam, nhưng không phải ngày nào cũng có bài tập.
Với tiểu học các con học bán trú, nhưng chương trình buổi sáng là chính còn chương trình buổi chiều là ôn tập, nên suốt những năm tiểu học con chị Liên toàn được cho nghỉ 1 tuần 3 buổi chiều ở nhà học homeschool. Chị chọn trường công "làng", không quá nổi tiếng, các cô không ép học thêm.
Khi lên cấp 2, chị Liên khuyên các nhà homeschool hãy chọn các trường công học nửa buổi. Nửa buổi còn lại và buổi tối là đủ để các con học homeschool.
"Quan điểm của mình là mình tận dụng hệ thống giáo dục Việt Nam để con học xử lý các tình huống cuộc sống, kết bạn bè, phát triển kỹ năng xã hội, con học chấp nhận những điều không ưng ý tại trường và tìm cách vượt qua nó để chuẩn bị cho một tương lai phía trước. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, không phải lúc nào cũng được làm cái mà mình thích mà có rất nhiều thứ không thích vẫn cần phải làm", chị Liên nói.
Đồng thời, theo chị, cha mẹ cũng nên để trẻ học hết lớp 9 tại môi trường trường học, nhất là phải vượt qua độ tuổi dậy thì. Vì tuổi cấp 2 trở đi là độ tuổi các con hướng tới bạn bè, và việc homeschool ở cấp 2 là giai đoạn nhiều thử thách nhất.
Lên cấp 3 các con được quyền lựa chọn là mình có nên học hoàn toàn chương trình Mỹ không. Cấp 3 cũng là thời điểm trẻ ra được quyết định lựa chọn đúng đắn hơn và 3 năm cấp 3 cũng ít rủi ro hơn là đi một chặng đường mười mấy năm. Nếu bố mẹ có bị sự cố gì đó con còn có thể tự đi bằng đôi chân của mình, vì trong 12 năm homeschool, bố mẹ gặp tai nạn, bệnh tật không thể đồng hành thì lúc đó con không biết sẽ đi đâu về đâu.
Chương trình giáo dục Việt Nam không hề "nặng", con lại được hưởng lợi nhiều thứ
Thực tế, theo chị Liên, chương trình giáo dục Việt Nam không hề nặng. Một chương trình thiết kế cho cả các bạn vùng sâu, vùng xa, miền núi cũng học được thì không phải là một chương trình khó khăn cho những bạn bình thường (không có khuyết tật học tập).
Nhưng nhiều bố mẹ lại sai lầm ở chỗ là ham chọn trường tốt, trường điểm, lớp chọn cho các con, và vì chọn trường tốt nên thầy cô giao thêm bài tập cho con rèn luyện. Trong khi đó, việc tìm một trường giao không nhiều bài tập không khó. Ngoài ra hiện nay có một số trường tư dạy chương trình song ngữ Mỹ - Việt luôn trong chương trình học, vậy là khỏi phải lo học thêm bên ngoài (tuy nhiên học phí thì hơi cao).
"Cô giáo chủ nhiệm của con còn dạy con mình được vô vàn những kỹ năng mà mình không dạy nổi: Ví dụ cô dạy con biết tham gia các hoạt động văn nghệ, biểu diễn, biết sắp xếp sách vở, biết chuẩn bị bài, vở, dụng cụ học tập cho ngày hôm sau, biết vệ sinh dọn dẹp lớp, biết giúp đỡ bạn bè.
Cô còn rèn con mình từ 1 bé không phát biểu nổi ý kiến cho gãy gọn (do bé khó khăn ngôn ngữ) thành 1 bé nói năng chỉn chu, đến lớp con ngoài những bạn học chưa tốt. Còn có nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn mà học giỏi, chăm làm, đức tính tốt, cô giao cho kèm cặp con mình luôn, thế là con mình từ đó biết yêu quý những gì mình đang có", chị Liên chia sẻ.
Giáo viên họ cũng có nỗi khổ riêng, chỉ cần mình đừng đẩy trách nhiệm dạy con mình thật tốt lên họ, cảm thông và chia sẻ thì tự nhiên họ cũng luôn giúp mình đồng hành với con.
Con đi học, chị Liên luôn tham gia vào Ban phụ huynh của lớp, hỗ trợ đồng hành, lắng nghe tâm sự của các thầy cô. Các thầy cô hay nhà trường khó khăn gì là chung tay vào giúp, cần liên hệ với chuyên gia nào về giáo dục, cần đóng góp tài chính, cho đến góp công sức vào các sự kiện, chị đều nỗ lực hết sức mình.
Đặc biệt, chị chưa bao giờ từng nghĩ xấu về các thầy cô, chỉ nghĩ một hành động chưa phù hợp của các cô có thể do một nỗi khổ tâm nào đó, một thói quen mà các thầy cô cũng chưa ý thức được, góp ý chân thành bằng tình yêu thương với thầy cô, tự nhiên họ cũng tiếp nhận và thay đổi.
Bà mẹ chia sẻ: "Mình thấy giá trị tốt nhất khi mình homeschool cho con không phải là những kiến thức ở chương trình Mỹ, những kỹ năng thuần thục mà chính là thái độ sống tích cực, nhìn thẳng vào sự thực không trốn tránh để luôn tìm được giải pháp và đường đi cho bản thâ. Quan trọng nhất là kỹ năng sống hài hòa, luôn nghĩ tốt về người khác, giao tiếp với người khác bằng tình yêu thương và sự chân thành để họ mở lòng phối hợp với mình trong quá trình dạy con.
Mình vẫn dạy con mình: Kỹ năng tự học là kỹ năng vua của mọi loại kỹ năng nhưng kỹ năng sống hòa hợp với mọi người, với mọi sinh vật sống và với tự nhiên là kỹ năng nữ hoàng. Có vua thì phải có nữ hoàng thì đứa trẻ mới sống hạnh phúc, thì homeschool mới có giá trị".
Mỹ nhân bỏ Lee Dong Gun để lấy chồng công tố viên có cách dạy con không thể chê, mẹ nào cũng muốn vác sách vở đến học hỏi
Nữ diễn viên này có cách dạy con "10 điểm không có nhưng".