Ung thư, một căn bệnh quái ác, đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn đối với sức khỏe của phụ nữ. Tỷ lệ mắc các loại ung thư như vú, cổ tử cung, buồng trứng... tăng đáng kể, đặc biệt ở độ tuổi trung niên. Điều đáng báo động hơn là căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, ảnh hưởng đến cả những phụ nữ trẻ tuổi.
Ung thư cổ tử cung
Đây là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Tuổi trung bình phụ nữ bị ung thư cổ tử cung từ 48-52 tuổi.
Tình trạng ung thư cổ tử cung ở nữ giới diễn ra khi các tế bào ở cơ quan này phát triển bất thường, vượt quá mức kiểm soát của cơ thể. Khi đó các tế bào mới tạo ra sẽ nhanh chóng phát triển thành các khối u trong cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung thường không có dấu hiệu cụ thể để nhận biết, chỉ đến khi có những triệu chứng trên lâm sàng như ra máu bất thường không liên quan đến kỳ kinh hay sau khi giao hợp, ra khí hư, hôi, đau bụng vùng chậu, tiểu buốt,… xuất hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Đối với tầm soát ung thư cổ tử cung thì đặc hiệu hơn chị em phụ nữ nên tầm soát định kỳ bằng tế bào âm đạo cổ tử cung, có thể làm xét nghiệm định type HPV.
Ảnh minh họa |
Ung thư vú
Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ sống sót là 90% và chất lượng sống của bệnh nhân được tăng lên rõ rệt. Nếu chưa di căn ra mô xung quanh và hạch bạch huyết tỷ lệ sống sót là 100%.
Những phụ nữ có một trong số nguy cơ tiềm ẩn như: tiền sử gia đình có chị, em gái, mẹ bị ung thư, người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá,… cần đi khám, kiểm tra sàng lọc định kỳ.
Những triệu chứng của bệnh ung thư vú có thể kể đến như da vú lõm xuống, khô ở núm vú, vú thay đổi kích thước, hình dạng, vú nổi mẩn đỏ,... Một số trường hợp còn gặp phải tình trạng bị đau nhức ở khu vực núm vú, xuất hiện vết lõm ở da hoặc phần da xung quanh vú dày lên bất thường.
Phụ nữ trong độ tuổi từ 40-54 nên chụp X-quang sàng lọc hằng năm, trên 55 tuổi nên chụp hằng năm hoặc 2 năm/lần. Sau điều trị cần tái khám đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
Không để tăng trọng lượng thái quá, thể dục thể thao, sống lành mạnh tự nhiên, yêu đời là những yếu tố có thể phòng ngừa phát sinh ung thư vú.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư sinh dục thường gặp nhất ở nữ giới, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, đây là bệnh phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư phụ khoa, với gần 1.500 trường hợp mắc mới và hơn 900 người tử vong mỗi năm.
Các khối u ác tính hình thành ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong. Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng. Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.
Thực tế, phụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác như cảm giác khó chịu, bụng to lên, đau ở vùng bụng dưới; rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón; thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang; ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ; chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt; sờ thấy khối u hạ vị, hạch bẹn, hạch thượng đòn.
Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn khi khối u phát triển. Thường thì lúc này, khối u đã lan ra bên ngoài buồng trứng, khó điều trị và hiệu quả điều trị kém hơn. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Để phát hiện bệnh sớm, phụ nữ cần làm những xét nghiệm chuyên biệt giúp phát hiện và có phương án điều trị phù hợp như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp MRI hay CT, sinh thiết.
Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư buồng trứng tùy thuộc vào việc phát hiện và điều trị, ở giai đoạn sớm có thể đến 80%, song giai đoạn 4 chỉ dưới 5%.
Ung thư nội mạc tử cung
Đây là loại ung thư thường gặp nhất trong các khối u ác tính vùng tiểu khung ở phụ nữ, chiếm 90% ung thư ở thân tử cung.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung như phụ nữ trong độ tuổi trung niên, thừa hormon estrogen, có kinh nguyệt sớm, xuất huyết âm đạo sau mãn kinh, sử dụng hoạt chất Tamoxifen,…
Ngoài ra, những người phụ nữ có tiền sử hoặc trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, buồng trứng đa nang, người từng mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú cũng là đối tượng dễ mắc ung thư nội mạc tử cung hơn bình thường.
90% phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung ra dịch âm đạo, 80% ra máu âm đạo bất thường ngoài kỳ kinh, 15% ra máu âm đạo sau mãn kinh được chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung. Ở giai đoạn muộn có các triệu chứng đau hoặc rối loạn chức năng các cơ quan do sự xâm lấn của khối u gây chèn ép vào các cơ quan lân cận.
Vì vậy, phụ nữ chưa mãn kinh dấu hiệu ra máu ngoài chu kỳ kinh lặp lại nhiều lần hoặc có biểu hiện đa kinh phải thăm khám tỉ mỉ, cần thiết phải nạo buồng tử cung chẩn đoán nghi ngờ.
Huyền thoại quần vợt Chris Evert tái xuất sau 2 lần chiến thắng ung thư buồng trứng, truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ
Sự kiên cường của Chris Evert là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người, đặc biệt là những người phụ nữ đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư.