Ắt hẳn chúng ta ai cũng từng có lúc xuống tiền mua một món đồ chỉ vì thích, mặc dù mình đã có hoặc thậm chí không biết sẽ dùng món đồ đó để làm gì? Nhiều khi, không cầm lòng được trước các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, lại tặc lưỡi “rẻ quá”, “mua để đó dùng dần”… khiến bản thân lâm vào tình trạng “cháy túi” thường xuyên.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, khi nhiều gia đình, cá nhân bị cắt giảm thu nhập, làm thế nào để chi tiêu hiệu quả hơn? Hãy cùng theo dõi một số bí quyết được nhiều chuyên gia chia sẻ dưới đây để trở thành một người tiêu dùng thông minh, chủ động và sẵn sàng đối mặt với những biến cố bất ngờ trong cuộc sống.
Xác định những chi phí CẦN và MUỐN
Tiêu dùng thông minh không có nghĩa là từ chối hay thắt chặt quá mức mà là tìm cách thỏa mãn những nhu cầu đó mà không gây ảnh hưởng đến tài chính cá nhân và sự cân bằng trong cuộc sống.
Để cân bằng được giữa nhu cầu cơ bản và niềm vui mua sắm, việc xác định chi phí CẦN và MUỐN là cơ sở quan trọng giúp mỗi người có quyết định đúng đắn hơn trước khi “xuống tiền”. Đây là một trong những bí quyết quản lý tài chính được chuyên gia tài chính Mina Chung (Chung Vũ Thanh Uyên) chia sẻ rất nhiều trong các workshop hay trong các nền tảng mạng xã hội.
Chi phí CẦN: Bao gồm các khoản chi trả bắt buộc trong đời sống, ví dụ: tiền nhà, tiền điện, nước, xăng xe, điện thoại…
Chi phí MUỐN: Những thứ phục vụ xu hướng giải trí, linh hoạt thay đổi tùy lối sống, sở thích của từng cá nhân. Chẳng hạn: xem phim, ăn uống ở nhà hàng, du lịch…
Nếu không phân loại rạch ròi 2 chi phí trên, chúng ta dễ chìm trong vòng lặp vay nợ, tiêu xài vào những món nằm ngoài danh mục thiết yếu. Chẳng hạn, sa đà vào sắm sửa túi hiệu, xe cộ đời mới, đắt đỏ, trong khi đã sở hữu sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng thông thường.
Tham khảo đánh giá của người dùng
Hiện nay có rất nhiều quảng cáo thổi phồng về sản phẩm, dịch vụ khiến người mua không chọn lọc thông tin kỹ lưỡng, dẫn đến những hành vi tiêu dùng sai lầm. Vì vậy, người tiêu dùng cần tiếp cận thông tin từ nhiều phía. Tìm hiểu thông tin và tham khảo ý kiến của người đã sử dụng sản phẩm trước khi mua hàng là một thói quen tốt, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm và chất lượng của nó.
Sử dụng Voucher giảm giá
Voucher không còn xa lạ với các tín đồ mua sắm online nữa. Nếu dành thời gian tìm kiếm thông tin thì những voucher giảm giá sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản không nhỏ khi mua sắm.
Thẻ tín dụng: Tận dụng đừng lạm dụng
Thẻ tín dụng (credit card) là hình thức thanh toán ngày càng trở nên phổ biến, mang đến nhiều tiện ích, ưu đãi hấp dẫn góp phần cải thiện tiêu dùng, cũng như tạo nền móng tốt cho những kế hoạch tài chính của bạn trong tương lai.
Tuy vậy, dùng thẻ không đúng cách sẽ có thể tạo ra hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là rơi vào “hố nợ tín dụng” do quá hạn thanh toán dư nợ. Bạn cần lưu tâm 3 nguyên tắc sau để luôn là người dùng thẻ tín dụng thông minh, thay vì quá lệ thuộc vào nó:
Đo lường khả năng chi tiêu: Bạn nên theo dõi chi tiêu mỗi tháng, đánh giá và xác định rõ dòng tiền vào hàng tháng. Lập ngân sách cho các khoản chi tiêu, xác định rõ nhu cầu của bản thân. Quan trọng hơn, bạn chỉ nên tiêu cho những phần thuộc chi tiêu cần, không nên sa đà cho chi tiêu theo sở thích.
Không để nợ tín dụng: Tự đặt ra một hạn mức nhất định cho bản thân. Khi nào số dư nợ đạt tới mức này, bạn nên chủ động chi trả hết nhằm giảm áp lực khi tới ngày sao kê, tránh nguy cơ nợ quá hạn. Để tránh tình trạng quên thanh toán khi đến kỳ hạn, bạn có thể cài đặt thanh toán tự động trích từ tài khoản ngân hàng.
Không nên có quá nhiều thẻ, tránh bị rơi vào bẫy tâm lý “hết thẻ này, ta quẹt thẻ khác”, dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ với lãi suất cao chóng mặt. Hãy chỉ sử dụng 1 thẻ tín dụng để quản lý chi tiêu tốt hơn.
Tiết kiệm & Dự phòng
Chắc hẳn nhiều bạn trẻ vẫn thường gộp chung quỹ tiết kiệm với quỹ dự phòng và chỉ tập trung cho một bên. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính khuyên nên cân nhắc tách bạch hai khoản tiền này, bởi chúng được dùng cho mục đích khá khác nhau.
Tiết kiệm là khoản tiền được sử dụng cho những mục đích lâu dài: đầu tư, chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn, hưu trí… Thông thường, bạn cần trích ít nhất 10%, hoặc tốt hơn là 20% tổng thu nhập hàng tháng để “bỏ ống heo” định kỳ.
Quỹ dự phòng sẽ có nhiệm vụ đúng với tên gọi: chuẩn bị trước để ứng phó khi có chuyện không hay xảy ra. Ví dụ như xe hỏng, tai nạn, hay dễ thấy nhất đại dịch Covid-19 và là làn sóng lay-off (cắt giảm nhân sự)…
Theo đó, mức tiết kiệm và dự phòng theo độ tuổi bạn có thể tham khảo:
Ở độ tuổi 30: sẵn sàng với tài khoản tiết kiệm trị giá 1 năm lương + 3 tháng lương cho quỹ dự phòng.
Ở độ tuổi 40: tiết kiệm được 3 năm lương + 6 tháng lương vào quỹ dự phòng
Ở độ tuổi 50: tiết kiệm được 6 năm lương + 6-12 tháng lương vào quỹ dự phòng
Ở độ tuổi 60: tiết kiệm được 8 năm lương + 6-12 tháng lương vào quỹ dự phòng (hoặc hơn, tùy vào khả năng của mỗi người).
Lưu ý, khi hoàn thành mục tiêu quỹ dự phòng thì bạn nên tiếp tục vun đắp cho quỹ tiết kiệm thay vì dừng lại hoặc tiêu xài tùy ý.
11 cách quản lý tài chính tránh thâm hụt ngân sách
Khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng đến toàn cầu, đặc biệt những người thu nhập thấp sẽ bị tác động nhiều nhất. Vậy chi tiêu thế nào mang lại hiệu quả nhất?