Ăn vài hạt rẻ bèo này khi đói buổi sáng để nhận cả tá lợi ích sức khỏe, làm đẹp

Loại hạt giá rẻ, dễ kiếm như lạc nếu biết ăn đúng “thời điểm vàng” cũng có thể trở thành “thần dược” cho sức khỏe và sắc đẹp.

Lạc (đậu phộng) không chỉ có nhiều lợi ích sức khỏe mà còn ngon miệng, đa dạng cách chế biến và giá rẻ, dễ kiếm. Trên thực tế, không phải ai cũng biết rằng loại hạt nhỏ bé và giá rẻ này giàu dinh dưỡng đến thế nào.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 100g lạc có chứa: 567 calo, 25.8g protein, 8.5g chất xơ, 4.5mg sắt, 92mg canxi, 18mg natri, 705mg kali. Lạc còn rất giàu vitamin E, vitamin K, vitamin B1, B3, B9, selen, lecithin, choline… Nhờ vậy mà ăn lạc thường xuyên tốt cho sức khỏe, hỗ trợ làm đẹp.

Tại sao nên ăn lạc vào buổi sáng khi đói?

Ăn một lạc vào thời điểm nào trong ngày cũng tốt cho cơ thể, nhưng theo các chuyên gia thì thời điểm tốt nhất để ăn lạc là vào sáng sớm khi bụng đói. Bởi vì nó giúp bạn tận dụng được tối đa giá trị dinh dưỡng cũng như lợi ích sức khỏe từ lạc.

Tạp chí "Cooking Light" của Mỹ cũng đã nhiều lần đưa ra những lợi ích khi ăn một ít lạc vào sáng sớm hoặc dùng lạc để chế biến bữa sáng. Nhất là lợi ích về tiêu hóa, tim mạch và còn giúp bạn nhanh no, lo lâu hơn cũng như bắt đầu ngày mới tràn đầy năng lượng, tâm trạng tích cực.

  Thời điểm ăn lạc tốt nhất trong ngày là buổi sáng khi bụng đói (Ảnh minh họa)

Thời điểm ăn lạc tốt nhất trong ngày là buổi sáng khi bụng đói (Ảnh minh họa)

Thực phẩm đầu tiên trong ngày mà chúng ta nạp vào cơ thể có vai trò rất lớn đến sức khỏe trong cả ngày dài. Bởi buổi sáng là lúc mọi cơ quan đều đói và cần được nạp năng lượng, thực phẩm sau khi vào cơ thể sẽ được tiêu thụ nhanh và mạnh nhất. Các đặc tính của lạc cũng sẽ tác động đến các vi khuẩn tốt bên trong cơ thể, kích thích hoạt động của chúng.

Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên ăn quá nhiều lạc cùng lúc, nhất là vào buổi sáng để tránh đầy bụng. Bạn chỉ nên ăn khoảng 10 - 25g lạc là đã đủ để nhận được những lợi ích về sức khỏe, làm đẹp đáng bất ngờ.

Hạn chế các cách chế biến lạc nhiều dầu mỡ, nếu ăn lạc sống thì cần đảm bảo nguồn gốc, sơ chế sạch và chỉ ăn một vài hạt, người dạ dày kém và trẻ nhỏ không nên ăn lạc sống. Có thể kết hợp lạc vào cơm hoặc các món ăn buổi sáng. Tốt nhất không ăn lạc bị nảy mầm, nấm mốc. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, bệnh gout, đã cắt túi mật, bị viêm loét dạ dày, cơ địa dị ứng thì không nên ăn.

Những lợi ích nhận được khi ăn vài hạt lạc vào buổi sáng khi đói

Sau đây là những lợi ích bất ngờ bạn nhận được nếu ăn lạc vào buổi sáng khi bụng đói:

Tốt cho tiêu hóa, đẩy nhanh trao đổi chất:

Nếu chúng ta kiên trì ăn vài hạt lạc mỗi ngày sau khi thức dậy vào buổi sáng thì tiêu hóa cũng dễ dàng hơn. Do lạc rất giàu chất xơ, có thể trợ giúp nhu động đường tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Từ đó đẩy nhanh quá trình đại tiện, giảm tình trạng táo bón.

Ăn lạc buổi sáng còn làm giảm các triệu chứng khó chịu ở dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, buồn nôn… nhờ chứa một chất đặc biệt gọi là phospholipid. Lạc cũng làm sạch ruột, giúp bạn ăn ngon miệng hơn, trao đổi chất tốt hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa.

Chống lại bệnh tim mạch:

Một bài báo trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ chỉ ra rằng những người khỏe mạnh ăn nhiều đậu phộng có thể giảm 35% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nguyên nhân được cho là do axit béo trong đậu phộng sẽ làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, có lợi cho tim và thúc đẩy tuần hoàn máu.

  Lạc đỏ được xem là tốt nhất cho tim mạch và nhớ không nên bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài loại hạt này khi ăn (Ảnh minh họa)

Lạc đỏ được xem là tốt nhất cho tim mạch và nhớ không nên bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài loại hạt này khi ăn (Ảnh minh họa)

Chưa kể, trong lạc có chứa axit folic, nó chứa rất nhiều axit không bão hòa đơn béo, làm giảm cholesterol trong máu cao. Chất xơ và chất béo không bão hòa trong lạc còn giúp ngăn ngừa, giảm các cục máu đông hiệu quả.

Bảo vệ dạ dày:

Ăn lạc vào sáng sớm rất phù hợp để trung hòa axit, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Bởi vì có một lượng lớn axit dạ dày được tiết ra sau khi thức dậy vào buổi sáng.

Bởi ngoài chất xơ, lạc còn giàu axit béo không bão hòa. Nhờ vậy mà sau khi nhai và tiêu hóa dịch vị, nó có thể tạo thành một chất nhờn giống như bột nhão, bám vào niêm mạc dạ dày và đóng vai trò bảo vệ. Đồng thời, lạc cũng rất giàu axit béo không bão hòa và chất xơ, có thể coi là chất dinh dưỡng tự nhiên tốt cho niêm mạc dạ dày.

Giảm nguy cơ ung thư:

Ăn nhiều lạc và các loại hạt khác có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, nhất là ung thư đại trực tràng. Lý do là vì isoflavone, resveratrol và axit phenolic cùng chất oxy hóa được tìm thấy trong lạc có đặc tính chống ung thư.

Một nghiên cứu được thực hiện ở Hà Lan cho thấy rằng ăn lạc cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh. Lạc cũng được công nhận về khả năng ngăn ngừa ung thư dạ dày và thực quản ở người lớn tuổi ở Mỹ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ ăn lạc ít nhất 2 lần 1 tuần có nguy cơ mắc ung thư ruột kết thấp hơn 58%, còn đàn ông thì giảm 27%. Các nhà khoa học nhận ra có thể là do axit folic đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loại ung thư này.

Tốt cho não bộ:

Lạc có chứa các axit amin cần thiết cho cơ thể con người, nếu bổ sung đủ các axit amin này có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào não. Khi chức năng não được cải thiện, khả năng ghi nhớ và khả năng tư duy cũng được củng cố thêm.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng ăn lạc có khả năng tăng cường được sức khỏe cho não, nhất là về cải thiện trí nhớ. Lý do là trong củ lạc có chứa nhiều vitamin B6 hay còn gọi là niacin. Đây là chất giúp não hoạt động bình thường và tăng cường trí nhớ. Trong hạt lạc cũng có chứa một lượng nhỏ canxi và vitamin D tốt cho não bộ, trì hoãn lão hóa não bộ.

Ngăn ngừa tiểu đường, thiếu máu:

Lạc là thực phẩm rất tốt cho người thiếu máu. Bởi vì nó giàu sắt và cung cấp thêm nhiều vitamin, chất dinh dưỡng phục hồi cơ thể và giúp tăng tiểu cầu (nhất là với lạc đỏ). Ngoài ra, lạc còn giúp chống lại bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu tại Mỹ phát hiện ra rằng nếu sử dụng lạc trong chế độ ăn uống thay cho thịt đỏ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có thể giảm 21%. Điều này là do lạc có thể làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate của cơ thể. Đặc biệt ăn một ít lạc vào buổi sáng có thể cải thiện cảm giác no. Nó cũng có thể ngăn chặn lượng đường tăng quá mức.

Tác dụng làm đẹp của lạc:

Như đã nói, nếu bạn muốn giảm cân mà vẫn khỏe mạnh thì lạc là một lựa chọn tuyệt vời. Bởi vì lạc giúp bạn nhanh no nhưng lại duy trì cảm giác no lâu hơn và ăn vào buổi sáng khi bụng đói giúp đạt hiệu quả giảm cân tốt nhất.

Tiến sĩ Mattes, giáo sư thuộc Khoa khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Purdue (Mỹ) cho biết lạc còn giúp giảm cảm giác thèm ăn. Axit folic và cellulose trong lạc rất hữu ích để đẩy nhanh quá trình làm sạch chất thải đường ruột, giúp chống lại béo phì.

  Ngoài ăn nguyên hạt, bạn có thể dùng dầu lạc, bơ lạc… trong chế độ ăn uống để khỏe và đẹp (Ảnh minh họa)

Ngoài ăn nguyên hạt, bạn có thể dùng dầu lạc, bơ lạc… trong chế độ ăn uống để khỏe và đẹp (Ảnh minh họa)

Với làn da, các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có trong lạc được cho là giúp chống lại vi khuẩn gây mụn và giảm viêm. Vitamin E và vitamin C trong lạc cũng giúp làm sáng da, giảm thâm nám, chống lại tác hại của tia UV. Kết hợp với hàm lượng kẽm cao, giúp kích thích sản xuất collagen, giữ cho làn da căng mọng và trẻ trung, chậm lão hóa.

Lạc cũng tốt cho tóc và móng nhờ chất biotin hay gọi là vitamin H. Nó kích thích sự phát triển của tế bào mới, giúp nuôi dưỡng tóc mọc nhanh và móng tay chắc khỏe hơn.

Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This, Daily Mail

Ngọc Ái

4 loại hạt sang chảnh nhâm nhi ngày tết

4 loại hạt sang chảnh nhâm nhi ngày tết

Nhu cầu thưởng thức bánh, mứt ngày Tết tăng cao hơn, nhà nhà còn đầu tư hay chơi lớn mâm bánh, mứt nhà mình bằng những loại hạt “xịn xò” hơn.