Áp dụng 5 điều này cha mẹ sẽ nuôi dạy những đứa con tò mò và "nghiện" việc học

Trẻ thích học hơn nếu được cha mẹ kích thích đúng cách, tạo động lực và khơi dậy sự ham học hỏi.

Không cha mẹ nào muốn thấy con mình trở nên chán nản và không hứng thú với việc học ở trường. Hầu hết các bậc phụ huynh thậm chí không nhận ra khi con cái họ dần mất đi sự quan tâm đối với việc học, theo tác giả và nhà nghiên cứu về nuôi dạy con Jenny Anderson.

May mắn thay, cha mẹ có thể chủ động khuyến khích con mình trở nên tò mò hơn và tìm kiếm cơ hội học hỏi. Họ có thể làm điều đó mà không cần phải liên tục nhắc nhở, theo Anderson, đồng tác giả cuốn sách The Disengaged Teen cùng chuyên gia giáo dục Rebecca Winthrop.

Trong một cuộc khảo sát với 65.000 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 do Winthrop thực hiện cùng Viện Brookings (Mỹ), 75% học sinh lớp 3 cho biết họ "yêu thích" trường học, nhưng chỉ 25% học sinh lớp 10 nói như vậy. Trong khi đó, 65% phụ huynh có con học lớp 10 tin rằng con họ vẫn yêu thích trường học.

Áp dụng 5 điều này cha mẹ sẽ nuôi dạy những đứa con tò mò và

Những đứa trẻ có sự gắn kết với việc học ở trường, nghĩa là chúng tò mò và có động lực tự thân để học tập thường có kết quả học tập tốt hơn và phát triển các kỹ năng cũng như tố chất có lợi cho tương lai. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em có sự tò mò và động lực học tập từ bên trong có nhiều khả năng trở thành người hạnh phúc và thành công khi trưởng thành.

Dù con bạn ở độ tuổi nào, bạn vẫn có thể khuyến khích sự tò mò của chúng và giúp chúng phát triển niềm yêu thích học tập suốt đời, Anderson cho biết. Dưới đây là 6 gợi ý của cô:

Cha mẹ làm 5 điều này sẽ nuôi dạy những đứa trẻ thích học

1. Cho phép trẻ tự đưa ra quyết định và trải nghiệm hậu quả

Đôi khi, cha mẹ cần để con cái tự đưa ra quyết định, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chúng sẽ phải đối mặt với hậu quả từ hành động của mình, Anderson nói. Ví dụ, thay vì áp đặt một lịch trình nghiêm ngặt về thời gian làm bài tập, cha mẹ có thể thử cho con tự do quyết định lịch trình của riêng mình.

Cha mẹ vẫn nên đặt ra giới hạn rõ ràng, kỳ vọng luôn phải là bài tập về nhà sẽ được hoàn thành, nhưng việc trao quyền tự chủ cho trẻ trong những giới hạn đó có thể giúp chúng phát triển sự tự tin và động lực để đưa ra quyết định đúng đắn.

"Chúng ta ở đó để hỗ trợ trẻ khi chúng đưa ra một loạt các quyết định tệ hại, để rồi học cách đưa ra những quyết định tốt hơn", Anderson nói. "Khi trẻ rời khỏi nhà, chúng sẽ có khả năng tự đưa ra những quyết định sáng suốt hơn".

z6297933910826_2045af7c83f21d49cd1076f203eb1a71
z6297933910826_2045af7c83f21d49cd1076f203eb1a71

2. Tránh những câu như "con không giỏi toán"

Hãy dạy con bạn chấp nhận "tư duy phát triển", tức là xem kiến thức và khả năng của mình là những kỹ năng có thể rèn luyện và phát triển theo thời gian, Anderson cho biết.

Ngược lại, những người có "tư duy cố định", thường ít có động lực để đón nhận thử thách mới. Vì vậy, cha mẹ nên tránh nói những câu như: "Con không giỏi toán. Con không giỏi khoa học".

"Những điều này rất dễ lây lan", cô nói thêm, đồng thời khuyến khích cha mẹ động viên con tiếp tục cố gắng ngay cả khi chúng không thành công ngay lập tức. "Toán học cực kỳ quan trọng trong thế giới này, và nếu con chưa hiểu, hãy tìm cách hỗ trợ... Ai cũng có thể phát triển, bộ não là thứ có thể rèn luyện".

3. Nói chuyện về những gì con học ở trường

Anderson thường hỏi con mình những câu hỏi cụ thể sau giờ học để khuyến khích chúng chia sẻ về những điều chúng thích và không thích trong ngày. Cô hỏi: "Hôm nay con học gì trong lớp đó? Mổ xẻ con ếch có kinh khủng lắm không?".

Những câu hỏi như vậy không biến bạn thành "cha mẹ trực thăng" hay người giám sát con cái quá mức, mà cho thấy bạn thực sự quan tâm đến trải nghiệm hàng ngày của con ở trường. Điều này giúp xây dựng niềm tin, khuyến khích trẻ mở lòng và giúp chúng xem sở thích, cảm xúc của mình là quan trọng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy những cuộc trò chuyện như vậy giúp trẻ phát triển sự tự nhận thức và tự tin, những yếu tố quan trọng để có động lực khi trưởng thành.

Áp dụng 5 điều này cha mẹ sẽ nuôi dạy những đứa con tò mò và

4. Chia sẻ những sai lầm của bản thân và cách rút ra bài học

Anderson tiết lộ đã từng phạm phải một sai lầm lớn trong một bài báo khiến cô phải đăng thông báo đính chính. Cô đã kể lại câu chuyện này cho con mình nghe.

"Chúng hoảng sợ", Anderson nói. "Tôi nói rằng, mọi người đều có thể mắc những sai lầm như vậy. Dĩ nhiên, bạn phải thừa nhận và sửa chữa nó, điều này cực kỳ xấu hổ. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn".

Việc minh bạch về những sai lầm, dù là quá khứ hay hiện tại, và những bài học bạn học được từ chúng có thể giúp giảm bớt xu hướng hoàn hảo của con cái, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bryant, Allison Butler, chia sẻ với CNBC Make It vào năm ngoái.

Xu hướng hoàn hảo có thể ngăn cản trẻ không dám chấp nhận thử thách hoặc theo đuổi sự tò mò của mình.

5. Kết nối các chủ đề

Chỉ có 29% học sinh lớp 10 tại Mỹ cho biết họ học các chủ đề mà chúng thực sự quan tâm ở trường, theo khảo sát của Viện Brookings. "Chính phụ huynh và giáo viên phải kết nối những gì xảy ra trong lớp học với những gì đang diễn ra ngoài thế giới", Anderson nói.

Ví dụ, nếu con bạn yêu thích trò chơi điện tử, bạn có thể thảo luận về những môn học nào dạy các kỹ năng cần thiết để thiết kế chúng như nghệ thuật, toán học, vật lý, khoa học máy tính.

Trẻ em không phải lúc nào cũng thấy những kết nối này là rõ ràng, và đôi khi chúng cần sự giúp đỡ để hiểu được mối quan hệ giữa các môn học ở trường và sở thích ngoài trời của chúng.

"Bạn biết con mình quan tâm đến điều gì, vì vậy bạn có thể thử kết nối những điểm này", Anderson chia sẻ.

Phan Hằng