Bà chủ nông trại rau hữu cơ Happy Vegi hướng dẫn cách trồng rau sạch giữa lòng Sài Gòn

Thạc sĩ hóa học Nguyễn Thị Quỳnh Viên, người sáng lập hệ thống vườn rau sạch đạt chuẩn hữu cơ Happy Vegi chia sẻ cách trồng rau đạt chuẩn hữu cơ.

Thạc sĩ hóa học trồng rau

Một câu chuyện khá thú vị là thạc sĩ Quỳnh Viên không biết gì về nông nghiệp, chưa từng trồng bất cứ loại rau quả nào nhưng lại thành công với mô hình rau hữu cơ. Câu chuyện mà rất nhiều doanh nghiệp lớn về nông nghiệp đã từng thất bại.

Theo thạc sĩ Quỳnh Viên câu chuyện bắt đầu từ luận án tiến sĩ. Chị đã chọn đề tài khả năng phòng ngừa sâu bệnh của các vi sinh vật có ích trên các loại rau ăn lá nhiệt đới. Và vườn rau hữu cơ đã ra đời trong quá trình làm những nghiên cứu này.

Trước đó thời sinh viên, chị Quỳnh Viên từng thành công với nghiên cứu xử lý nước rỉ rác bằng phương pháp vi sinh, chị đã phát hiện khả năng làm sạch nước nhiễm bẩn cực kỳ hiệu quả và an toàn của vi sinh vật so với phương pháp hóa học thuần túy.

73458779_2617120735211863_2196721718282544899_o.jpg
Tất cả vườn rau của nữ thạc sĩ này đều ứng dụng công nghệ vào sản xuất cũng như quản lý. 

Để hoàn thành luận án tiến sĩ yêu cầu phải có mô hình thực tế. Chị đã chọn một mảnh đất tại Long An để trồng thử nghiệm vườn rau sạch không hóa chất và chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học nhưng thất bại.

Nguyên nhân là do những vườn xung quanh mọi người đều dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên mảnh vườn bé nhỏ của chị trở thành miếng mồi béo bở cho sâu bệnh. Sau một đêm, cây trồng trụi lá vì sâu bệnh. Dự án đi vào bế tắc và chị gần như bỏ cuộc.

Nhưng trong một dịp tình cờ đến thăm đơn vị công tác của chồng, chị phát hiện mảnh đất lớn hơn 4.000 m2 um tùm cây cối, nằm cách biệt với bên ngoài. Chị âm thầm thuê chuyên gia đến xét nghiệm mẫu đất thì quả nhiên nó đạt chuẩn để trồng rau hữu cơ và chị bắt đầu trồng rau.

Ban đầu, chỉ là những cây rau còi cọc, nhưng sau 2 năm, qua bàn tay cải tạo đất với phương pháp chế phẩm sinh học mảnh đất bắt đầu màu mỡ và cho ra những bó rau xanh mướt mà không cần dùng đến phương pháp hóa học.

Nhưng câu chuyện mang rau hữu cơ đến với người tiêu dùng mới là hành trình đầy gian nan, khi rau hữu cơ có giá đắt hơn rau trồng bình thường đến vài chục ngành đồng.

Và chị một giảng viên đại học đã can đảm cầm từng bó rau thuyết phục người tiêu dùng. Đi đến đâu chị cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vì giá rau quá cao. Nhưng cuối cùng chị cũng tìm được đúng khách hàng của mình, đó là những bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Đối tượng khách hàng đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của con nhỏ.

Cũng từ đó thương hiệu rau hữu cơ Happy Vegi bắt đầu “ghi điểm” với người tiêu dùng và được các đối tác lớn tìm đến phân phối như BigC, Co.op Mart hay Lotte mart….

1e411a2888a2848f9d52ef2db436c99c.jpg
Vườn rau đạt chuẩn hữu cơ của nữ thạc sĩ. 

Hiện tại chị Quỳnh viên vừa làm nông nghiệp hữu cơ vừa dạy học. Nhờ việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, chị đã quản lý tất cả trên điện thoại.

Theo chị Viên với hệ thống quản lý này chị có thể phân công công việc đến từng người nông dân. Chị biết được từng nhà vườn đang gặp vấn đề gì, cây nào đang thiếu nước hay bị vấn đề sâu bệnh… Nhờ hệ thống quản lý từ xa, chị Quỳnh Viên tự tin có thể quản lý được chất lượng của tất cả các nhà vườn liên kết.

Vegi đang mở rộng diện tích trồng tại Măng Đen, Kon Tum. Tương lai chị sẽ liên kết với người nông dân mở rộng mô hình này. Chị Quỳnh Viên kỳ vọng khi nhiều mô hình rau hữu cơ được mở rộng thì giá thành rau hữu cơ sẽ giảm và tiếp cận đến với nhiều khách hàng hơn.

Trồng rau chuẩn hữu cơ như thế nào?

Theo chị Quỳnh Viên thì nguyên tắc của vườn rau đạt chuẩn hữu cơ người dân phải kiên quyết nói không với thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, giống biến đổi gen hay đất ô nhiễm thì mới có được những bó rau sạch đạt chuẩn hữu cơ an toàn cho sức khỏe.

Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ có rất nhiều yếu tố, nhưng đất và phân bón là 2 yếu tố vô cùng quan trọng đóng góp vào thành công của một vùng hay những cây trồng chính trong sản xuất hữu cơ.

107872186_2628201810770422_4232565837971361774_n.jpg
Thạc sĩ Quỳnh Viên (Giữa) giới thiệu vườn rau đến đối tác 

Về đất để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo chị Quỳnh Viên không phải đất nào cũng trồng được các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, do đất trồng trọt trong quá trình canh tác đã bón nhiều phân khoáng, phân hữu cơ do chăn nuôi công nghiệp cung cấp, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ…lâu ngày các tồn dư của các chất này tích lũy trong đất. Muốn chuyển sang canh tác hữu cơ cần có thời gian “làm sạch” đất theo tiêu chuẩn nhất định.

Hoặc tìm một miếng đất không bị tác động bởi các yếu tố trên để bắt đầu trồng rau hữu cơ. Khi làm đất, thường phải chọn vị trí tốt, lấy đất cùng với phân bò đã cải tạo trộn với phân dừa đem ủ để có chế phẩm vi sinh diệt khuẩn gây bệnh.

Phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên như rơm, ngô, đậu, mùn cưa, vỏ cà phê, bã mía, phân gia súc… Thời gian ủ từ 30 ngày đảm bảo các nguyên liệu phân huỷ thành các chất mùn dinh dưỡng.

Trong 2 tuần ủ phân, vi sinh vật hoạt động làm nhiệt độ ủ tăng lên 60 - 75 độ C, giúp tiêu diệt các mầm bệnh, đồng thời góp phần phân hủy các nguyên liệu thành chất mùn được nhanh hơn để tạo ra một loại phân bón tơi, xốp, không mùi, tốt cho cây trồng.

Tiếp theo là chọn giống thuần chủng của địa phương để có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa lý của địa phương. Ươm giống từ 15 - 20 ngày đem ra cấy hoặc sạ.

102405579_2596464897277447_1681858412681907218_n.jpg
Thạc sĩ Quỳnh Viên hướng dẫn trồng rau cho nông dân. 

Khi cấy cây non thì khoảng cách giữa các cây là 5cm, hàng cách hàng 10cm; còn sạ thì dùng cào quanh theo chiều ngang luống để hạt chìm xuống, rồi dùng giá thể xơ dừa phủ lên trên tăng độ ẩm, dùng lưới màu trùm lên để giảm bớt ánh sáng cho cây phát triển, khi cây được 1 tuần tuổi, bón phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng.

Để hạn chế cỏ dại phải thường xuyên nhổ cỏ bằng tay, trồng các loại cây họ cúc, xả, bồ ngót Nhật… để xua đuổi côn trùng tạo điều kiện sinh thái để hấp dẫn các thiên địch tự nhiên như chim sâu, bọ rùa, bọ ngựa… Che chắn cho rau để phù hợp khả năng sinh trưởng và bảo vệ nguồn dinh dưỡng, nguồn oxy cho cây.

Đối với nước tưới quan trọng là độ pH trong nước, muốn nâng độ PH chúng tôi dùng một đệm vi sinh để trong bể nước và bơm nước trong vòng 24h khi vi sinh hoạt động thì độ pH sẽ được nâng lên gần 7 thì hệ vi sinh sẽ tốt.

CẨM VIÊN