Chuyện chi tiền học cho con quả là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Bởi dù đây là đề tài quá quen thuộc, nhưng mỗi khi có người "khơi mào" đều gây ra những tranh luận trái chiều.
Mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội cũng thu hút sự chú ý khi sao kê số tiền hàng tháng chi cho con. Bà mẹ này cho biết, con chị sắp vào lớp 5. Chủ yếu chị tập trung cho con học thêm tiếng Anh nhìu hơn vì bay giờ có tiếng Anh được ưu tiên hẳn. Toán và Văn con đi học thêm chủ yếu để củng cố kiến thức. Ngoài ra là học các môn phụ đạo theo sở thích. Về nhà con tự làm bài tập và tự học theo thời gian mong muốn.
"Hiện tại em thấy con vẫn vui vẻ với việc học, em cũng dành thời gian đưa con đi chơi, hoạt động thể thao cho con thoải mái.. Thành tích học chưa bao giờ khiến ba mẹ thất vọng, dự tính lên cấp 2 cho con ôn IELTS dần nữa", chị nói.
Tổng cộng số tiền chi hàng tháng cho việc học là 6,5 triệu đồng. |
Cụ thể, tiền học bà mẹ này chi hàng tháng cho con như sau: Toán 1 buổi/tuần: 800 ngàn đồng/tháng; Văn 1 buổi/tuần: 600 ngàn đồng/tháng; Tiếng Anh 2 buổi/tuần: 1,8 triệu đồng/tháng; Học võ 2 buổi/tuần: 500 ngàn đồng/tháng; Học phí ở trường trung bình 2,8 triệu đồng/tháng. Tổng cộng số tiền chi hàng tháng cho việc học là 6,5 triệu đồng. Nếu cộng cả chi phí khác như ăn uống, sinh hoạt, mua sắm nói chung, tổng số tiền chi cho một đứa con của gia đình này không hề nhỏ.
Học cho con hay cho ba mẹ?
Dưới phần bình luận, nhiều người cho biết đây là con số hợp lý, bởi hiện tại gia đình nào cũng cho con đi học thêm cho "bằng bạn bằng bè". Một phần là do chương trình vẫn khá nặng, học sinh học trên lớp không lĩnh hội hết kiến thức vì mỗi tiết chỉ có 45 phút. Nếu định hướng cho con vào các trường cấp 2 chất lượng cao thì việc học thêm còn bắt đầu sớm hơn, từ lớp 3, thậm chí lớp 2, lớp 1.
"Nhà mình con lớn cũng nhiêu đó tiền. Chi tiền cho việc học lúc nào cũng có lời mà không phải nghĩ. Nhất là tiếng Anh bây giờ đang thông dụng, có tí tiếng Anh sau này cũng được ưu tiên và nhàn hơn", một phụ huynh đồng tình.
Một người khác nhẩm tính, số tiền dành cho việc học của nhà mình cũng nhiều không kém: 1. Học phí và bán trú trường công tính tròn 1,5 triệu/tháng; Tiếng Anh tuần 2 buổi 1,4 triệu/tháng; Toán và Tiếng Việt tuần 3 buổi 2,4 triệu/tháng; Đàn và Bơi 2,5 triệu/tháng. 7,8 triệu/tháng/cháu. Nhà sinh đôi nên nhân hai lên vì hai cháu học như nhau.
Tuy nhiên, phía phản đối học thêm nhiều cũng cho biết, cấp 1 không nhất thiết phải ép con vào các trung tâm sau giờ học ở trường. Khi xã hội phát triển, nhu cầu học tập ngày càng cao.
Đối với học sinh cấp 3, việc tham gia các lớp học thêm ngoài buổi học chính khóa sẽ giúp các em ôn tập chuyên sâu để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các kỳ thi. Tuy nhiên, không ít bố mẹ có con mới học cấp 1 đã nháo nhác tìm thầy cô giỏi, có kinh nghiệm, chuyên môn để con không thua bạn kém bè. Ngoài học trên lớp, cuối tuần trẻ lại học tại trung tâm hoặc ở nhà thầy cô, rồi có khi cha mẹ còn thuê gia sư dạy kèm.
Ngoài ra, cơn sốt IELTS cũng khiến nhiều gia đình phải chạy đua cho con theo từ sớm. Như bà mẹ nói trên, chị cho biết sẽ đầu tư cho con từ cấp 2. Theo nhiều người, đây là điều lãng phí. Một người bình luận: "Con đang học cho con hay đang học hộ ba mẹ vậy ạ? IELTS thì me nên tìm hiểu kỹ khi nào học thì hợp lý và học để đi du học hay mục đích gì. Chứ không nên học theo phong trào biến con thành công cụ để ba mẹ đem đi khoe. Các trung tâm đút tay vào túi các phụ huynh dễ quá".
Học thêm hay không không quan trọng bằng việc học thêm cái gì
Nói về việc học thêm, hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho biết, thực tế, học thêm không phải là xấu nếu có mục đích là nâng cao kiến thức còn thiếu hụt. Nhưng "Học thêm đang bị đẩy quá khi phụ huynh quá kì vọng vào việc đi học thêm sẽ làm cho con họ giỏi. Tôi đã từng thấy có phụ huynh một môn cho con đi học ở hai, ba nơi khác nhau. Học thêm vừa đủ thì tốt chứ học thêm nhiều thì sẽ gây hại, học sinh sẽ không còn thời gian tự học ở nhà, tự suy nghĩ và sau dần dần sẽ ỉ lại phải có giáo viên hướng dẫn" - vị hiệu trưởng này cho hay.
Còn chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng: "Hầu hết chúng ta nhận thấy học sinh Việt Nam cả ở thành thị và nông thôn đều học thêm rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng nên tách việc học thêm và chi phí học thêm ra. Không phải chi nhiều tiền cho giáo dục thì học được nhiều hay chi ít tiền thì học không hiệu quả. Vấn đề chi phí cần được quản lý một cách khoa học. Khi càng ít nguồn lực thì càng nên học cách chi tiêu thông thái để đạt được hiệu quả cao nhất", anh Nguyên nói.
Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, vấn đề không phải ở chỗ nên học thêm hay không mà là nên học thêm cái gì. "Chẳng hạn với các em học sinh ở trường công lập, trường học thiếu cái gì thì nên học cái đấy. Nhưng thông thường tôi cũng khuyên phụ huynh hạn chế cho con học thêm các nội dung chính khóa mà hướng tới việc trau dồi các lĩnh vực khác để học sinh được trải nghiệm giáo dục toàn diện hơn.
Ví dụ như ở trường chưa có đủ thời gian cho các hoạt động về thể thao, thể chất, văn nghệ, câu lạc bộ nói chung... thì theo tôi rất nên học thêm. Nhưng nếu học thêm theo hướng học lại chương trình phổ thông trên lớp thì chúng ta cần hết sức thận trọng. Bởi vì điều này thường chỉ dành cho các em có sức học hơi 'đuối' so với bạn bè. Tôi không tin phần lớn các em học sinh đều không đáp ứng chương trình phổ thông của Việt Nam. Cho nên nếu đại đa số các em đi học thêm chỉ để học lại như vậy thì thực sự là một vấn đề".
Ngoài ra, anh Nguyên cho rằng, trẻ em Việt Nam cần học thêm nhiều thứ thuộc về kỹ năng, đam mê, sở thích, các hoạt động thể chất, văn nghệ... Đây là hoạt động chưa mạnh, chưa phong phú và chưa có chiều sâu để so sánh được với các nước phương Tây.
"Ở các trường nội trú phương Tây có hàng trăm câu lạc bộ (clb) khác nhau, hoặc một trường bình thường cũng có hàng chục clb để học sinh lựa chọn. Trong khi một số trường công lập chúng ta chỉ đáp ứng được một số hoạt động căn bản như clb bóng đá, bóng rổ, bơi lội...
Phụ huynh và các em nên học thêm những gì mà trường học không dạy để đạt được các mục tiêu trong học tập và trong cuộc sống nếu gia đình có khả năng và điều kiện".
Học sinh cũng chỉ nên đi học thêm nếu có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ mục tiêu để tăng điểm số cho 1 kỳ thi; mục tiêu học thêm một ngôn ngữ mới mà các em hứng thú; hay các khóa học về kỹ năng sống, kỹ năng dự tiệc, ngồi bàn ăn... Việc đi học thêm cũng như khi học trong trường, phải nương theo động lực tích cực của các em. Nghĩa là các em phải thật sự quan tâm và đam mê chứ không phải từ ý muốn và đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ.
Chúng ta cần biết rằng học sinh có rất nhiều hướng đi trong cuộc đời, không phải em nào cũng có định hướng để trở thành nhà nghiên cứu hay là giảng viên đại học. Các em có thể trở thành vận động viên, doanh nhân, nghệ sĩ, thậm chí là công nhân hay nhiều ngành nghề khác.
Mỗi một lựa chọn đều đòi hỏi năng lực, năng khiếu hay phẩm chất hoàn toàn khác nhau. Chúng ta đừng lấy năng lực thiên về học thuật để "gò" các em vào khuôn mẫu và bắt các em đi theo định hướng đó. Điều này có thể kìm hãm tố chất hay sự phát triển của các em.
"Cha mẹ cần ý thức rằng điểm số không phải là tất cả. Điểm số cao là một ưu thế, mở ra những cơ hội nhưng cũng có thể là một 'cái bẫy' để cản trở thành công. Điểm số cao cũng không hứa hẹn chắc chắn về thành công trong cuộc sống. Nên nhìn nhận điểm số là một động lực tích cực thay vì là một áp lực", anh Nguyên nói.
"Bà mẹ phản diện" trong phim Mai ngoài đời có cách dạy con đỉnh, nhìn 2 ái nữ "ngoan - xinh - yêu" ai cũng ngưỡng mộ
Trong phim Mai, nhân vật bà mẹ này bị netizen nhận xét "hai mặt", "đạo đức giả".