Bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tăng gấp 4 lần, cách phòng tránh thế nào?

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc tay chân miệng. Số ca bệnh tay chân miệng trong tuần qua tăng gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước.

Nguyên nhân trẻ mắc tay chân miệng ở trẻ em rất cao do trẻ đã bắt đầu quay lại trường học. Số ca mắc tay chân miệng tập trung nhiều ở các quận huyện, TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hoóc Môn, Tân Bình, khu vực 3 Thành phố Thủ Đức.

 - Ảnh 1.

Số ca bệnh tay chân miệng trong tuần 18 tăng gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước

Đa số các ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể có chuyển biến nặng nhanh chóng chỉ sau vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nặng nề như sốc, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí trẻ có thể tử vong... Đối với nhóm trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh tay chân miệng có nguy cơ bị rối loạn chức năng gan, phổi, não và tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với các đối tượng khác.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là một trong những bệnh truyền nhiễm thường niên tại Việt Nam. Bệnh thường phát triển quanh năm đặc biệt là thời gian mùa hè từ tháng 3 đến tháng 5 và mùa thu từ tháng 8 đến tháng 9. Số ca nhiễm bệnh tay chân miệng trong độ tuổi từ 1-5 chiếm 95% tổng số ca mắc tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa lưu hành quanh năm và rất dễ bùng phát thành dịch. Bệnh có mối liên quan chặt chẽ với môi trường và việc vệ sinh cá nhân. HCDC khuyến cáo người dân và phụ huynh nên thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh cho con em mình:

Rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn/ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh 

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám như: Sốt nhẹ hoặc vừa; mệt mỏi; đau họng; chảy nước bọt nhiều; tổn thương và đau rát ở răng hoặc chân răng;

Phát ban dạng phỏng nước 2-10mm màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, sờ cộm, không đau, không ngứa; vết loét ở niêm mạc má, lợi và lưỡi.

Phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện ngay nếu có các dấu hiệu: Sốt cao trên 39 độ C không thể hạ bằng paracetamol; quấy khóc; giật mình nhiều lần; ói; tay chân run rẩy; co giật; tim đập nhanh.

Cha mẹ có con bị tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.

Các chuyên gia dự đoán các dịch bệnh lưu hành thường niên tại TP.HCM như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay, sau khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau 2 năm gián đoạn do COVID-19.

HẢI MY